Thứ Ba, 25/03/2014 - 10:30
(Dân trí) - “Do bị rút ruột lấy tiền bôi trơn, lại
quả nên đường sá Việt Nam đắt gắp đôi, gấp ba Mỹ, Trung Quốc. Điều đó
cho thấy dù bộ máy rất đồ sộ, hệ thống luật pháp rất ghê nhưng vẫn bất
lực trước tham nhũng!”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi
Lan đánh giá cao phản ứng nhanh của Bộ GTVT qua việc đình chỉ cán bộ
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để làm rõ những lùm xùm liên quan
đến nghi án “lại quả” hơn 16 tỷ đồng thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1
Hà Nội (Yên Viên - Ngọc Hồi).
Dự án càng to tham nhũng càng lớn
Những lùm xùm liên quan đến nghi án nhận hối lộ đang được làm rõ. Kết quả xác minh còn phải chờ nhưng đây không phải lần đầu quan chức ngành giao thông bị "tố" từ phía đối tác nước ngoài như này cho thấy điều gì trong đầu tư công hiện nay, thưa bà?
Ít nhiều cũng thấy được sự gian dối trong xây dựng công trình như thế nào. Nó làm tăng sự cảnh giác của các nhà tài trợ bên ngoài đối với Việt Nam. Điều đó cũng làm tăng thêm các mối nghi ngờ vẫn có trong dân về tình trạng tham nhũng, thất thoát, trong các dự án, nhất là đầu tư công.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng dự án càng to tham nhũng càng lớn.
ODA cũng là một nguồn cho đầu tư công của nhà nước nhưng cách làm âu nay thực sự rất nhiều bất cập. Do vậy, những lùm xùm liên quan đến số tiền "lại quả" ở Tổng Công ty Đường sắt khiến tôi không mấy ngạc nhiên. Tôi chỉ buồn một chút vì chúng ta nói thì rất ghê, bộ máy cũng rất đồ sộ nhưng gần như hoàn toàn bất lực, chẳng làm gì được tham nhũng mà cứ phải để bên ngoài phát hiện ra mới vào cuộc.
So sánh con số 16 tỷ đồng tiền "lại quả" cũng như tầm quan trọng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây, bà đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc lần này?
Những con số thể hiện một điều, dự án càng to quy mô tham nhũng càng lớn. Lần này số tiền không chỉ lớn hơn so với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ mà so với các dự tương tự ở nước khác (Indonesia, Uzbekistan...) dường như mức độ tham nhũng ở Việt Nam cũng lớn hơn, nghiêm trọng hơn bạn bè lân cận.
Vấn đề này, tôi thấy cũng phù hợp với những vấn nạn ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đề cập khi thảo luận về Luật Đầu tư công, đó là các dự án tăng giá gấp 3 so với ban đầu. Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, dự án về giao thông, chi phí cũng tăng gấp 2 - 3 lần. Do vậy, Việt Nam mới có những con đường đắt nhất hành tinh.
Sự việc được tờ báo lớn nhất nước Nhật đưa tin rất chi tiết. Như vậy chúng ta đủ cơ sở khởi tố vụ việc hay chưa?
Bước đầu tiên chúng ta phải điều tra làm rõ thông tin. Tôi thấy đợt này, Bộ GTVT phản ứng nhanh hơn rất nhiều so với vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây. Phản ứng đầu tiên của Bộ GTVT là ngồi họp với nhau ngay trong ngày nghỉ để đưa ra quyết định đình chỉ công tác những người ở Ban quản lý dự án để điều tra. Bộ GTVT vào cuộc nhanh như vậy nên tôi hi vọng vụ việc được làm nghiêm túc để kiên quyết trừng phạt những người liên quan đến tham ô, tham nhũng.
Trước đây, phải mất rất nhiều thời gian chúng ta mới xử được vụ Huỳnh Ngọc Sỹ. Bà có lo ngại vụ này diễn ra tương tự như vậy không?
Bài học từ vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây đã rõ, khi mình chần chừ thì sẽ gây phản ứng bất lợi với bên ngoài. Tôi nhớ trong vụ việc đó, phía Nhật đã đưa ra lời đe dọa có thể cắt viện trợ ODA cho Việt Nam. Từ những điều đó, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, đừng để đối tác bên ngoài mất niềm tin vào Việt Nam hay người dân bất bình hơn nữa.
Chi phí cao, chất lượng thấp
Dự án đường cao tốc ở Việt Nam thường đắt gấp đôi ở Mỹ, Trung Quốc nhưng thông xe được ít ngày đã thấy ổ voi, ổ gà. Có ý kiến cho rằng, do dự án bị rút ruột quá nhiều tiền để “bôi trơn”, “lại quả” nên mới đắt đỏ thuộc dạng “nhất hành tinh”?
Chắc chắn là như vậy! Không có gì khác để có thể giải thích chi phí xây dựng đường xá ở Việt Nam lại đắt hơn chi phí ở Mỹ và Trung Quốc ngoài những lý do đó (tiền bôi trơn, lại quả). Ngoài việc chi phí làm đường sá đắt hơn, chất lượng công trình cũng tệ hơn đáng kể so với Mỹ và Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự yếu kém của chúng ta ở rất nhiều mặt từ hệ thống lập dự án, đấu thầu, tư vấn giám sát, kiểm định, nghiệm thu… Tất cả các khâu đó có vấn đề hết mới dẫn đến kết quả chi phí cao mà chất lượng thấp.
Hàng loạt các đại án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian qua mà các vụ án mới vẫn tiếp tục nhen nhóm, phát lộ mỗi ngày. Phải chăng, cách xử của chúng ta chưa đủ nghiêm để răn đe người khác, hệ thống pháp luật còn nhiều kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng?
Các vụ việc chỉ dừng lại ở những cá nhân nào đó không thể chạy trốn được nữa thì mới ra mặt để xử lý. Như vụ án Dương Chí Dũng thuộc loại lớn nhất nhưng đến giờ cũng bị tắc... Tôi thấy tham nhũng phải có đường dây, nhưng điều vô lý là khi xét xử, chỉ một người chịu tội. Còn xung quanh người đó, cấp trên, cấp dưới, ai hậu thuẫn thì khó quét tới.
Với vụ lại quả lần này, việc đình chỉ những người có liên quan như vậy là đúng rồi nhưng phải xét kỹ thêm những ai có thể liên quan. Đánh tham nhũng mà chỉ rút được vài cái dây, chặt được vài nhánh rồi thôi thì không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.
Bà có lo ngại vụ việc sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn ODA rót cho Việt Nam trong thời gian tới hay không?
Mối lo đó cũng có một phần, nhưng tôi thấy đáng tiếc là khi Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình thì phải điều chỉnh dần, bớt dựa vào ODA. Điều quan trọng lúc này là phải phát triển bằng các nguồn lực trong nước, làm sao khơi dậy được sức dân, doanh nghiệp chứ đừng quá hào hứng quá với ngồn đầu tư từ bên ngoài.
Xin cảm ơn bà!
Quang Phong (thực hiện)
No comments:
Post a Comment