Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Đây là tên một bài viết được đăng tải trên một trang mạng xã hội đã gây được sự chú ý lớn của cộng đồng mạng. Mới đây, trang wedtrethơ đã chia sẻ lại bài viết này. Ngay sau khi chia sẻ, bài viết đã nhận được rất nhiều bình luận từ cư dân mạng, đa phần là ủng hộ quan điểm và đồng tình với bài viết.
Nội dung bài viết như sau: "Cách đây hai tuần, tôi chứng kiến một người mẹ chở con đi học về, vừa chạy xe vừa chửi con té tát ầm cả đường. Tới đầu một con hẻm nhỏ trên đường LCT, chị ta dừng xe nhất định đuổi con xuống. Nhiều người can ngăn nhưng chị ta càng gào thét như phát điên. Đuổi mãi con bé không chịu xuống, chị ta cầm luôn cái mũ bảo hiểm quật thẳng vào mặt cháu.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet. |
Hóa ra cháu gái suốt 7 năm luôn là học sinh giỏi, nhưng năm nay cháu bị tụt hạng khiến mẹ thất vọng. Chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối, tôi rùng mình. Chỉ trong năm ngoái, liên tiếp 5-6 vụ học sinh lớp 5 đến lớp 10 tự tử vì học sút, không đáp ứng được mong mỏi của cha mẹ. Làm con bây giờ khổ quá!
Chưa tượng hình đã bị lựa chọn. Ra đời đúng giới tính cha mẹ muốn thì cha chu toàn, mẹ hớn hở. Chẳng may trái ý thì cha bỏ bê, mẹ âu sầu. Mà nào phải chỉ cha mẹ, còn cả dòng họ bên nội, bên ngoại... Bạn bè của cha thì sẵn sàng xếp nhau "chiếu trên" hay "chiếu dưới" vì vợ... không biết đẻ! Thành ra mới chào đời đã bị coi là công trình thất bại!
Hầu như chẳng cha mẹ nào ở xứ ta cả đời chưa từng "phết đít" con, quát mắng con, ép buộc con, thậm chí chửi rủa con. Có đủ cơ quan, đủ các bộ luật bảo vệ trẻ con nhưng xứ ta có tâm lý coi chuyện dạy con là chuyện riêng của mỗi gia đình, người khác không can thiệp. Thầy cô nhiều khi còn được phụ huynh nhờ đánh cho cháu nên người. Thế nên mới có chuyện những đứa bé bị cha mẹ đánh, đâm, đốt... Đến khi bé ngắc ngoải, dư luận mới ào lên phẫn nộ.
Nhiều gia đình còn nhờ thầy xem mạng đứa con có hợp không, đẻ nó ra cha mẹ làm ăn phát tài hay điêu đứng. Chẳng may bà mẹ đau bụng đẻ đúng giờ "xấu" thì ôi thôi đứa trẻ dè chừng: nó sẽ là nguyên nhân để cha mẹ cay đắng nhau.
Lớn thêm vài tháng, vừa dứt sữa đã bị nhồi ăn. Chỉ vì nhồi con ăn cho đủ "chỉ tiêu", cả nhà thành đám xiếc: ba đánh trống thổi kèn, bà ngoại múa hát, con chạy mẹ đuổi theo khắp xóm, gặp ai cũng nhờ dọa cháu một tí để nó sợ há miệng ra. Mặc kệ đứa bé la khóc, đút được muỗng bột nào thì cả nhà vỗ tay như U.19 Việt Nam mới ghi bàn.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet. |
Lớn nữa thì nhồi học. Mờ sáng con ngủ gật sau lưng, mẹ mắt nhắm mắt mở chở đến trường. Chiều tối con gặm bánh mì mẹ hoa mắt chở con từ lớp học thêm nọ sang lớp học thêm kia. Tối mịt về tới nhà nếu con chưa lăn ra ngủ thì phải khảo bài với mẹ. Không đạt học sinh giỏi thì chết, cả trường cả lớp đứa nào cũng học sinh giỏi, con mình chỉ tiên tiến thì nhục lắm!
Lên cấp 3, chọn nghề theo cha mẹ. Cha mẹ muốn con học y thì dù con chỉ mê nhạc họa, vẫn phải trợn mắt lên học mà thi. Cãi thì cha quát mắng, mẹ nỉ non, nội ngoại chì chiết. Rồi lại "cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Đi làm vài năm, cha mẹ ra tối hậu thư "Thèm cháu". Thế thì phải lấy chồng lấy vợ, mà phải lấy người cha mẹ ưng, nếu chống sau này khó sống!
Con mình sinh ra nhưng ở chung với ông bà thì xem như cha mẹ mất quyền dạy con. Nó là cục vàng của ông bà, đụng vô là sinh chuyện. Vợ chồng muốn ly dị, cha mẹ xúm vô khuyên can, thôi ráng sống vì con. Ô hay, lấy nhau thì vì cha mẹ, mà khi không sống được nữa thì lại phải vì con! Vậy còn đoạn nào là sống vì mình?Thật, làm con thời này quá khổ!
Một người bạn của tôi một ngày bất ngờ cảm thán, cả đời bao nhiêu ước nguyện riêng tư không làm được vì phải chiều lòng cha mẹ. Đến khi trả xong nợ cho cha mẹ, nhìn lại đời sống cá nhân thì đã già mất rồi. Đó không phải một dạng bạo hành tâm lý thì là gì?
Tôi cho rằng trở thành cha mẹ là một cấp độ trưởng thành, phải học, chuẩn bị và sẵn sàng sửa sai trong thực hành. Nên tự mình sống cuộc sống của mình và để con cái sống cuộc sống của nó. Hãy yêu đứa con, đừng coi nó là một mối "đầu tư". Đừng sống giùm con, cũng đừng bắt con phải thực hiện thay cha mẹ những mong muốn chưa thành. Đừng ngã giá với con về sự hy sinh của cha mẹ. Khi cha mẹ biết yêu chính mình thì các bi kịch bạo hành trẻ con, dù ở mức độ nào, dù tâm lý hay thân thể, sẽ giảm."
No comments:
Post a Comment