23/03/2014 - 09:49
SM.VN-Đã từ lâu, bột ngọt bị loại khỏi ngăn để gia vị của nhiều gia đình, bởi đã có nhiều khi ăn đồ có bột ngọt cơ thể có những phản ứng tiêu cực rõ nét với những hoá chất cấu thành. Người nhẹ thì bị tê tay, chân, người nặng hơn thì bị tê vùng gáy và có thể hơi buồn ói. Vì thế, người tiêu dùng ngày càng thận trọng khi sử dụng bột ngọt, thế nhưng, theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014 đã có gần 5.000 tấn bột ngọt Trung Quốc “siêu rẻ” xâm nhập vào nước ta dưới những nhãn hiệu quen thuộc như Ajinomoto, Miwon, Vedan. Vậy chúng đã len lỏi vào đâu trong bữa ăn của người dân với số lượng lớn như vậy?
Với 5.000 tấn bột ngọt Trung Quốc có mặt ở nước ta, người tiêu dùng không khỏi rùng mình khi hoá ra, dù rất thận trọng trong việc sử dụng loại "gia vị" này nhưng nó vẫn đang tồn tại trong những món ăn hàng ngày mà chẳng ai dám chắc mình đã không ăn phải.
Bột ngọt Trung Quốc giá rẻ hoàn toàn có thể có mặt trong các món ăn đường phố, trong những món ăn tẩm ướp gia vị thơm ngon, thậm chí với cả những nồi lẩu giá rẻ ở những con phố cổ tại Hà Nội. Là một người phản ứng "nhạy" với bột ngọt, anh Trác, ngụ tại Phương Liệt, Hà Nội đã không ít lần tê tay, mỏi cổ khi đi thưởng thức ẩm thực đường phố với bạn bè. Tuy thường được mọi người coi như một "phép thử" cho những món ăn chứa bột ngọt, song anh cho biết, có tránh cũng không được, bởi ăn gì cũng vấp phải bột ngọt. Tết vừa qua, nhà anh đã phải "di tản" 2kg giò lụa do anh Trác thấy tê tay và mỏi cổ khi ăn vài miếng giò này.
Thế mới thấy, với vấn nạn thực phẩm bẩn đang đe doạ người dân, từ nấm không rõ nguồn gốc đến thịt bẩn, rau bẩn, giờ chúng còn được "nguỵ trang" bằng việc tẩm thêm bột ngọt giá rẻ để khiến thực khách ngon miệng một giây, gặp thuốc tây cả đời.
Việc bột ngọt len lỏi vào từng món ăn hàng ngày của người dân là điều khó tránh khỏi khi kinh tế khó khăn, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm tìm mọi cách giảm chi phí tối đa đã khiến loại gia vị này càng được lạm dụng do giá rẻ. Đến thịt ôi còn được nhúng hoá chất thành thịt tươi, thì thêm chút bột ngọt giá rẻ cho món ăn thêm ngon có là gì với người bán hàng, bởi bản chất nguyên liệu đã độc sẵn rồi, thì hoá chất trong bột ngọt chỉ "góp phần" chứ đâu phải "thành phần chính" gây hại cho sức khoẻ người sử dụng. Thế cho nên, tình trạng người Việt đứng trong top những nước có tỷ lệ ung thư cao cũng khiến người dân lo sốt vó.
Biết là ăn ngoài không an toàn nhưng với một số người không muốn suốt ngày ăn cơm nhà nấu nên họ vẫn tặc lưỡi "sống được ngày nào hay ngày đó". Tâm lý này đã lan khá rộng trong người dân, chưa kể có người còn lo cho nền ẩm thực đường phố nếu toàn dân "ăn tại nhà". Thậm chí, họ còn "mượn" một số người nhạy cảm với hoá chất như anh Tráng để làm phép thử với các quán ăn. Nhưng tất cả chỉ là sự đánh lừa cảm giác, chừng nào cả người bán hàng lẫn thực khách đều nhìn thẳng vào vấn đề và muốn giải quyết, không neo trốn vào những biện hộ của cá nhân thì may ra thực phẩm bẩn, trong đó có cả bột ngọt mới "hết đất" sử dụng.
Tổng cục Hải quan cho biết qua kiểm tra hệ thống quản lý giá tính thuế kể từ ngày 1/1 đến ngày 28/2/2014, có tình trạng các đơn vị hải quan chấp nhận giá tính thuế mặt hàng bột ngọt xuất xứ Trung Quốc với mức giá thấp, không thống nhất giữa các địa phương. Suốt 2 tháng đầu năm có tới 69 tờ khai nhập khẩu loại hàng trên từ Trung Quốc được chấp nhận với mức giá từ 310 đến 1.290 USD/tấn. Tổng khối lượng bột ngọt giá “siêu rẻ” dãn nhãn hiệu quen thuộc như Ajinomoto, Miwon, Vedan.
Hải Băng
No comments:
Post a Comment