Tuesday, March 25, 2014

Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp dài khó xin việc trở lại !!!


 
 

Thất nghiệp kéo dài trên một năm có thể khiến người lao động gặp khó khăn trong việc hòa nhập, doanh nghiệp vì thế mà càng ngại tuyển dụng.
Tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng năm 2006, chị Hoa (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) từng làm nhân viên môi giới cho một số công ty chứng khoán trong khoảng 4 năm. Từ đầu 2010, do công ty cắt giảm biên chế, chị phải nghỉ việc, về làm quản lý cho lò bánh của người nhà.
Thấy nghề này không có tương lai, chị quyết định về quê nộp hồ sơ cho vài doanh nghiệp gần nhà, đến nay vẫn không có kết quả. "Đi xin chỗ nào, doanh nghiệp họ cũng yêu cầu kinh nghiệm. Mình lại nghỉ ở nhà quá lâu rồi, có vẻ họ cũng ái ngại", chị cho hay.  
laodong.jpg
Nhiều người phải chấp nhận công việc trái nghề để có thu nhập. Ảnh: Anh Quân
Sau khi tốt nghiệp quản trị kinh doanh năm 2010, chị Oanh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chọn học tiếp lên thạc sĩ vì chưa xin được việc. Trong thời gian học, chị ứng tuyển và được gọi đi làm tại một số doanh nghiệp nhưng chỉ được nhận mức lương trên dưới 3 triệu đồng, với công việc không đúng chuyên ngành. Không chấp nhận mức lương này, chị từ chối với hy vọng có nhiều cơ hội hơn khi học xong.
Nhận bằng thạc sĩ hơn một năm nay, chị Oanh hiện vẫn ngồi nhà chờ việc và đang có cơ hội duy nhất là làm cộng tác viên kinh doanh cho một công ty viễn thông. "Mình đi phỏng vấn, những công ty quy mô lớn thì thường chê chưa có kinh nghiệm làm việc. Một số doanh nghiệp nhỏ lại thẳng thắn trao đổi rằng, nếu nhận mình họ sợ không đáp ứng được mức lương dành cho thạc sĩ hoặc lo ngại mình sẽ không gắn bó với công ty lâu dài", chị Oanh thở dài. 
Những trưởng hợp như chị Hoa, chị Oanh nêu trên chỉ là số lẻ trong khoảng 72.000 thạc sĩ, cử nhân đang thất nghiệp, theo báo cáo vừa được Bộ Lao động công bố. Theo đó, đến cuối năm 2013, cả nước có 900.000 người thất  nghiệp, chiếm 1,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 48.000 người so với cùng kỳ. Trong số này, có hơn 7 vạn người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên.
Cũng theo thống kê của cơ quan quản lý, số thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm hơn 44%, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2012. Trong đó, tỷ lệ ở nhóm có trình độ chuyên môn cao là hơn 54,4%, còn nhóm không có trình độ chỉ là gần 40%.
"Nghe những con số thì thấy có vẻ mâu thuẫn, nhưng lại là một thực tế đáng buồn vẫn diễn ra hàng ngày. Những người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ có thể kén việc hơn lao động phổ thông hoặc kỳ vọng mức lương quá cao so với năng lực. Ngoài ra còn do các nguyên nhân ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, vấn đề giáo dục trong nhà trường và thực tế còn xa vời nhau", ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội nhận định. 
Bình luận về thực trạng này, ông Ngọc cũng cho rằng đây là một con số rất đáng báo động. Theo ông, với những người thất nghiệp trong khoảng ngắn khả năng hòa nhập sau khi có việc trở lại sẽ dễ dàng hơn.
"Trong khi đó, người thất nghiệp kéo dài sẽ bị mai một những kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp, khả năng hòa nhập khó khăn hơn nên doanh nghiệp càng ngại tuyển dụng. Đó là chưa kể tình trạng thất nghiệp dài có thể dẫn đến tâm lý mặc cảm, tách biệt với xã hội, sa đà vào tệ nạn", ông Ngọc nhận định.  
Đồng tình với quan điểm này, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc công ty Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) cho rằng, thất nghiệp kéo dài khiến người lao động thiếu môi trường rèn luyện kỹ năng. Do đó, sự nhạy bén, khả năng cập nhật thông tin và kiến thức của người lao động cũng giảm đi nên càng ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập.
Vị này cũng cho rằng, tình trạng thất nghiệp với những người có bằng cấp gia tăng một phần còn do thị trường đang ngày càng trở nên chọn lọc hơn. "Ở đó, người ta đòi hỏi lao động không những chỉ có bằng cấp, mà cần được trang bị cả về năng lực, kỹ năng, tư duy, độ nhạy bén – những yếu tố mà người lao động Việt Nam nhìn chung vẫn còn hạn chế so với các nước", lãnh đạo Talentnet cho hay.
Chính tình trạng thất nghiệp kéo dài khiến một số cử nhân, thạc sĩ chấp nhận đi làm công nhân, xuất khẩu lao động... Tuy nhiên, lãnh đạo Talentnet cho rằng, đây không phải là vấn đề bi quan như nhiều người vẫn nghĩ.
"Làm việc trong môi trường nhà máy sẽ giúp rèn luyện tính kỷ luật, hệ thống, cái nhìn cẩn thận, tỉ mỉ và kỹ lưỡng… giúp người lao động có cái nhìn bao quát cả một quy trình. Bằng cấp chỉ là sự chứng nhận cho một quá trình học tập mà thôi", vị này cho hay. 
Ngọc Tuyên

No comments:

Post a Comment