Tuesday, March 25, 2014

Aung San Suu Kyi khó trở thành Tổng thống Miến Điện ?

RFI-Lê Phước-Thứ ba 25 Tháng Ba 2014

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi-Reuters
Tại Miến Điện, chỉ còn gần hai năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Nữ chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi thì dù hiện tại đã có ý tranh cử, nhưng phe quân đội nắm quyền có để cho bà được thỏa nguyện hay không ? Nhật báo Công giáo La Croix có bài giải đáp với dòng tựa : « Các đối thủ của bà Aung San Suu Kyi muốn cản đường bà ».

Tờ báo nhắc lại, chế độ quân phiệt tại Miến Điện được xem là đã chấm dứt hồi năm 2010. Đất nước được xem là đang trên đường chuyển tiếp dân chủ. Thế nhưng, Tổng thống đương nhiệm là ông Thein Sein cũng xuất thân từ quân đội. Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) của phe quân đội đang chiếm đến 75% số ghế trong Quốc hội.
Về phần bà Aung San Suu Kyi, bà đã được trả tự do vào năm 2010 sau 15 năm bị chính quyền quân phiệt giam lỏng. Sau đó, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà cũng được phép tái hoạt động vào năm 2012, và trở thành đảng đối lập lớn nhất tại Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi cũng đã được đắc cử đại biểu Quốc hội.
Bà đã có ý định ra tranh cử tổng thống trong lần bầu cử sắp tới.
Thế nhưng, phe quân đội có vẻ đang ra sức cản bước chân bà. Tờ báo cho biết, đảng USPD cầm quyền thường tổ chức tuyên truyền kêu gọi giữ điều 59-F của bản Hiến pháp năm 2008. Điều khoản này quy định : những người có vợ, chồng hoặc con cái là người nước ngoài, thì sẽ không được ra tranh cử tổng thống.
Điều khoản này có vẽ được soạn ra là để nhắm đến bà Aung San Suu Kyi bởi vì bà có chồng là người Anh, và hai con của bà hiện cũng mang quốc tịch Anh.
Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi đã đi vận động khắp nơi cho việc hủy bỏ điều khoản nói trên và cho việc sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008 vốn được chính quyền quân phiệt đặt ra. Bà cũng thường có động thái và lời lẽ cho biết là bà sẽ không trả thù những người đã giam cầm bà mười mấy năm trời.
Phát ngôn viên của Đảng LND của bà Aung San Suu Kyi nhận định : « Có thể phe quân đội không có ý bắt chẹt bà Aung San Suu Kyi, nhưng họ muốn dân chủ hóa đất nước một cách từ từ, trong khi đó thì người dân lại muốn nhanh hơn ». Tờ báo cũng cho biết, chủ tịch Quốc hội Miến Điện cảnh báo không nên thay đổi Hiến pháp một cách quá vội vã. Tóm lại, con đường dẫn đến dinh tổng thống của Nobel Hòa Bình 1991 hãy còn dài.
Máy bay Malaysia mất tích : vẫn còn bí ẩn
Les Echos, Libération và La Croix tiếp tục thông tin về vụ a chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak đã chính thức thông báo rằng, chiếc máy bay Boeing 777 bị mất tích hôm 08/03/2014 đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương, tại một khu vực cách đất liền của Úc 2500 cây số về phía Tây-Nam. Tính mạng của 239 hành khách và phi hành đoàn đã hết hi vọng.
Một số nước đã cử tàu đến khu vực tình nghi có mãnh vỡ của máy bay. Đến hiện tại, như tựa đề bài đằng trên Les Echos nhận định : « Vụ rớt máy bay được xác nhận, nhưng vẫn chưa giải thích được nguyên nhân ».
Để biết được nguyên nhân, thì đòi hỏi phải tìm được chiếc hộp đen của chiếc máy bay. Thế nhưng, dù có xác định được vị trí cụ thể nơi rớt máy bay, việc tìm chiếc hộp đen cũng rất khó khăn. Bởi khu vực tình nghi được báo chí cho biết là một trong những khu vực khó tiếp cận nhất trái đất : gió mạnh, nước chảy xiết, sóng biển dữ dội, thường xuyên có mưa bão. Trong khi đó mọi người đang chạy đua với thời gian, bởi vì chiếc hộp đen chỉ phát được tính hiệu trong vòng 30 ngày, trong khi chiếc máy bay đã mất tích 18 bữa.
Les Echos và Le Figaro đăng ảnh người thân của các nạn nhân của chiếc Boeing 777 trong cảnh hết sức đau đớn khi biết được chiếc máy bay đã rớt xuống biển, và hi vọng người thân còn sống sót là không còn nữa.
Không còn G8
Nga bị tẩy chay khỏi nhóm G8, đó là thông tin được báo chí Pháp đồng loạt đăng tải. Libération có bài : « G7 cách li Putin ». Le Figaro : « G7 : Nga bị loại khỏi nhóm các cường quốc sau khi sáp nhập Crimée ». Les Echos : « Obama tiên phong loại Nga ra khỏi G8 ».
Các tờ báo cho biết, bên lề thượng đỉnh về an ninh năng lượng ngày hôm qua tại La Haye -Hà Lan, nhóm G7 đã có phiên họp đặc biệt về khủng hoảng Ukraina, và đã quyết định sẽ tổ chức thượng đỉnh của nhóm tại Bruxelles vào tháng 6/2014. Như vậy, thượng đỉnh G8 tại Sotchi theo lịch trình đã bị hủy bỏ, và Nga đang bị đẩy ra khỏi G8.
Các nước G7 còn tuyên bố sẽ tăng cường biện pháp trừng phạt Nga nếu tình hình tại Ukraina không được cải thiện. Les Echos nhận định, sau những năm theo đuổi chính sách ngoại giao « hậu trường », thì trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Tổng thống Obama đã chọn vị trí tiên phong chống Nga.
Tuy nhiên, Les Echos, Libération và Le Figaro đều cho biết, ông Obama đã không đạt được mong đợi bởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự hội nghị an ninh hạt nhân tại La Haye đã không lên tiếng chỉ trích thẳng thừng đối với Putin. Các tờ báo cho rằng, Trung Quốc bị kẹt giữa một bên là quan hệ láng giềng với Nga và một bên là nguyên tắc « không can thiệp vào việc nội bộ của nước khác » mà Bắc Kinh theo đuổi bấy lâu nay.
Về phần Nga, việc bị đẩy ra khỏi G8 cũng là một đòn đau bởi năm 2014 này Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của nhóm. Tuy nhiên, số nước chính thức lên tiếng ủng hộ Nga cũng đã tăng lên. Sau Syria, Venezuela, thì vừa rồi, Afghanistan cũng đã lên tiếng cho rằng việc Nga sáp nhập Crimée là hợp pháp.
Dù phương Tây có vẻ mạnh tay với Nga, nhưng giải pháp ngoại giao vẫn để ngỏ. Như lời của bà Susan Rice, cố vấn an ninh của Tổng thống Obama, được Libération trích dẫn : « Mối quan tâm của chúng tôi là một giải pháp ngoại giao, một sự xuống thang của các bên ».
Bầu cử địa phương tại Pháp : chính phủ bị công kích
Chủ đề bầu cử hội đồng địa phương tại Pháp chiếm ưu tiên trên các báo hôm nay, với nhận định chung là Đảng Xã hội cầm quyền đã bị cử tri của mình « trừng phạt ».
Nhật báo Le Monde đăng tựa lớn trên trang nhất : « Đảng Mặt Trận quốc gia (FN) chiến thắng, Đảng Xã hội (PS) bị trừng phạt ». Nhật báo Cộng sản L’Humanité  : « Hậu quả của một sự mù quáng ». Nhật báo Công giáo La Croix thì đăng một bài xã luận ới hàng tựa : « Chính sách thất bại ».
Nhật báo Les Echos cũng chạy tựa trên trang nhất : « Tổng thống Holldande trong thế kẹt sau thất bại bầu cử ». Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng trên trang nhất ảnh ông François Hollande và Thủ tướng Jean Marc-Ayrault với vẻ mặt căng thẳng kèm theo hàng tựa : « Thất bại của Đảng Xã hội tạo sức ép đối với Hollande ».
Các tờ báo dành nhiều bài đăng kết quả vòng một cuộc bầu cử hội đồng địa phương diễn ra vào ngày 23/03/204 tại Pháp. Kết quả cho thấy, các đảng chính trị cánh hữu thắng lớn, còn các đảng cánh tả, trong đó có đảng cầm quyền của Tổng thống Hollande đã ở trong thế bất lợi.
Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2008, ở vọng một, PS và các đảng liên minh được 44,6% phiếu ủng hộ, trong khi Đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) chỉ chiếm 38,1%. Thế nhưng, ở vòng một trong cuộc bầu cử năm nay, PS và các đảng liên minh chỉ chiếm có 36,4% phiếu ủng hộ, trong khi đó UMP và các đảng liên minh leo lên mức 42,8%.
Nhìn chung về hai phe tả-hữu, thì trong vòng một của cuộc bầu cử hội đồng địa phương 2008 ở những thành phố trên 10 000 dân, cánh tả chiếm 50,2% phiếu ủng hộ, cánh hữu 42,5%, phe cực hữu (bao gồm FN) chỉ chiếm 1,5%. Trong khi đó cuộc bầu cử hôm qua tỷ lệ tương ứng như sau : cánh tả 42,3%, cánh hữu 46%, cực hữu 8,9%.
Bàn về Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) (cực hữu), kết quả hôm qua cho thấy đảng này đã thắng lớn, leo lên vị trí Đảng chính trị mạnh thứ ba tại Pháp.
Tóm lại, trong cuộc bầu cử báo chí Pháp nhấn mạnh ba điểm. Thứ nhất, đó là « sự trừng phạt » của chính những cử tri cánh tả đối với Đảng Xã hội cầm quyền và với chính phủ Hollande. Thứ hai, là sự lớn mạnh không ngừng của Đảng Mặt trận Quốc gia. Còn điểm thứ ba là giải thích một trong những nguyên nhân chính của thất bại của cánh tả, đó là trong cuộc bầu cử, tỷ lệ cử tri vắng mặt đạt kỷ lục tại Pháp, trong đó cử tri cánh tả vắng mặt nhiều hơn cử tri cánh hữu. Điều này được giải thích là ngày càng có nhiều người Pháp, nhất là thanh niên, cảm thấy chán nản và thất vọng với những lời cam kết tranh cử.
Pháp tăng cường thu hút đầu tư Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Pháp bắt đầu chuyến thăm chính thức ba ngày. Nhật báo Les Echos và Le Figaro đều có bài phản ánh sự kiện này.
Hai tờ báo cho biết, phía Pháp rất xem trọng chuyến thăm này, dù rằng chủ tịch Tập Cận Bình không phải chỉ đến Châu Âu để thăm Pháp, mà ông ghé Pháp trong chuỗi chuyến công du Châu Âu bắt đầu bằng sự kiện tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Hà Lan.
Theo hai tờ báo, nhiều hợp đồng có giá trị sẽ được ký kết nhân chuyến thăm này. Trong đó có hợp đồng mua máy bay Airbus của Pháp, hay như hợp đồng hạt nhân dân sự, ô tô… Cả hai bên đều mong muốn nhân chuyến thăm này để tạo dấu ấn cho kỷ niệm 50 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đây cũng là một mong mỏi thu hút đầu tư Trung Quốc của Pháp, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang khó khăn. Tuy nhiên, đến hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc đặt ưu tiên cho Mỹ. Năm 2013, Pháp chỉ thu hút được 1% tổng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Libération cho biết thêm, hồ sơ Tây Tạng thu hút nhiều sự quan tâm của Đức và Pháp, hai nước đầu tàu Liên Hiệp Châu Âu. Kết quả thăm dò cho thấy, có đến 78% người Pháp và 83% người Đức muốn Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel bài tỏ « sự quan ngại về hoàn cảnh người Tây Tạng tại Trung Quốc ». Chỉ có 2% người Pháp và 3% người Đức « có cái nhìn rất tốt đẹp » đối với các lãnh đạo Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment