Tuesday, March 25, 2014

Dự án đường sắt đô thị 5 năm chưa xong thiết kế ? !



Khởi động từ 2008, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên do nhà thầu JTC tư vấn hiện đình trệ ở khâu thiết kế kỹ thuật. Tiến độ dự án ban đầu là hoàn thành năm 2017, nay đã lùi đến 2020.


Được phê duyệt từ tháng 2/2004, bốn năm sau dự án đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) mới chính thức được triển khai. Hơn 5 năm thực hiện, dự án đến nay dừng ở công đoạn chờ hoàn chỉnh thiết kế tổng thể.
Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam được dự kiến khánh thành năm 2017, nhưng hoạt động gần nhất của Ban quản lý là mở gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu cho tổ hợp Ngọc Hồi. 
Theo tư vấn, dự án chia làm hai giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng và khả năng thu xếp nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Giai đoạn 1 (10/2008 - 11/2013) sẽ xây dựng mới đường sắt đôi trên cao điện khí hóa Giáp Bát - Gia Lâm với chiều dài  hơn 15 km và khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85 km với tổng mức đầu tư gần 19,5 nghìn tỷ (trong đó hơn 13,9 nghìn tỷ vay JICA, còn lại là vốn đối ứng).
Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VR) đã thành lập Ban quản lý để thực hiện dự án từ 2008 đến 2017.
Sau 5 năm khởi động, thiết kế kỹ thuật tổng thể dự án đã hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt toàn bộ, bởi cầu vượt sông Hồng và đoạn tuyến phía bắc cầu sông Hồng không đạt sự đồng thuận giữa UBND TP Hà Nội và các bộ ngành.
Tháng 2/2014, Bộ Giao thông có văn bản lấy ý kiến các bộ liên quan và TP Hà Nội về phương án xây cầu đường sắt Long Biên cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1)
Phương án tối ưu, theo ý kiến của Bộ, là làm cầu đường sắt mới tại vị trí tim cầu Long Biên, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn với chi phí khoảng 7.982 tỷ đồng. Nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia về cầu đường, người dân cho rằng phương án này gây lãng phí và là cách làm thô bạo.
Chưa thống nhất được phương án xây cầu qua sông Hồng, thiết kế tổng thể và các hạng mục khác bị đình trệ, tiến độ hoàn thành dự án phải lùi từ 2017 sang 2020 vàchi phí tư vấn đội lên 40% cho nhà thầu tư vấn JTC Nhật Bản.
Theo tiến độ ban đầu, năm 2017 dự án đường sắt sẽ hoàn thành, tuy nhiên sau đó do chậm tiến độ triển khai, nên lùi đến năm 2020. Hiện tại các hạng mục xây dựng vẫn đang án binh bất động.
Dự kiến hoàn thành năm 2017, dự án đường sắt trên cao đã lùi đến năm 2020.
Giai đoạn 2A bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2012 với phạm vi tiểu dự án từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài gần 6 km và kết nối với giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư là 24,8 nghìn tỷ đồng (75,6 tỷ yen và gần 4,5 nghìn tỷ đồng). Hiệp định vay JICA lần 2 vào tháng 3/2013 với giá trị gần 16,6 tỷ yen. 
Đến nay, chủ đầu tư mới tổ chức đấu thầu gói tư vấn thiết kế kỹ thuật, các gói còn lại vẫn "án binh bất động".
Chiều 23/4, trước việc Công ty tư vấn JTC khai nhận "lại quả" quan chức đường sắt 80 triệu yen, Bộ Giao thông đã quyết định dừng giải ngân và dừng thương thảo hợp đồng dự án. Trưởng ban quản lý dự án cũng bị tạm dừng công việc để giải trình.
Trao đổi với VnExpress về tiến độ dự án, ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam khẳng định, đây chỉ là dừng giải ngân, các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường. "Chúng tôi đã cử một phó giám đốc để điều hành mọi việc thay cho các cán bộ đang tạm nghỉ để giải trình", ông Tường nói.
Việc dự án đội vốn lên 40% cho nhà thầu JTC, ông Tường lý giải do thay đổi thiết kế, quy hoạch, diện tích giải phóng mặt bằng nhà ga Ngọc Hồi, thiết kế cầu vượt sông Hồng..., số tiền tư vấn phải tăng lên theo yêu cầu của thực tế công việc và nhà thầu.
Ông Tường nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án nằm ở đoạn cầu vượt sông Hồng. Các phương án đưa ra chưa được chấp thuận. "Về tổng thể, dự án mới chỉ dừng lại ở việc thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1. Việc thi công chưa bắt đầu vì chưa có thiết kế tổng thể", ông Tường cho hay.
Bá Đô

No comments:

Post a Comment