Friday, October 10, 2014

Trung Quốc : Tư pháp muốn độc quyền dùng « dư luận viên »

RFI-Thụy My-10-10-2014 17:02
media
Hình minh họa.

Theo báo chí Trung Quốc hôm nay 10/10/2014, Tòa án Tối cao nước này đã quyết định tăng cường áp lực lên các mạng xã hội, buộc phải cung cấp cho tư pháp các dữ liệu cá nhân của những người sử dụng bị nghi ngờ là « vi phạm ».

 Quy định mới này được thông qua vào hôm qua, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường đàn áp các tiếng nói đối lập và các « tin đồn » trên các trang tiểu blog và các mạng xã hội tại Trung Quốc.

Theo tờ China Daily, Tòa án Tối cao cũng có ý định hạn chế việc sử dụng đội ngũ viết thuê những lời bình trên mạng với mục đích quảng cáo hay gây ảnh hưởng, cho dù đây là thủ thuật thường được chính quyền huy động để « hướng dẫn dư luận ».

Ngoài mạng lưới những cán bộ kiểm duyệt hết sức đông đảo, Bắc Kinh còn sử dụng cả một đạo quân viết mướn trên mạng để phổ biến những thông tin « chính thống ». Đạo quân « dư luận viên » này được mệnh danh là « 50 xu », đây là thù lao được hưởng cho mỗi bài viết phục vụ tuyên truyền.

Chỉ riêng tỉnh Cam Túc năm 2010 đã tuyển mộ ít nhất 650 dư luận viên làm việc toàn thời gian, để đăng lên mạng những lời bình nhằm « định hướng dư luận », theo tờ báo nhà nước Global Times.

Ngược lại Tòa án Tối cao cảnh cáo, các công ty tư nhân cũng tìm cách sử dụng cùng một kỹ thuật « truyền thông » như Nhà nước, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Phát ngôn viên của cơ quan này là Tôn Quân Công (Sun Jungong) chỉ trích: « Một số cư dân mạng cũng như các nhân viên của một số nhà mạng và trang web, thường xuyên sử dụng khả năng của mình để kiếm tiền và gây hỗn loạn trên internet ».

Tuy Tòa án Tối cao đã nhấn mạnh rằng các thông tin cá nhân như địa chỉ cư trú, tình trạng sức khỏe hay tư pháp lý lịch không thể được công bố lên mạng. Nhưng định chế này đặc biệt nêu ra « các biện pháp trừng phạt » đối với các nhà mạng từ chối cung cấp cho chính quyền đầy đủ các chi tiết - gồm danh tính, địa chỉ IP và các thông tin cá nhân khác - đối với những người sử dụng bị nghi ngờ là « vi phạm luật pháp », dù không nói rõ là luật nào.

Trung Quốc duy trì một sự kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt trên internet, có vô số chủ đề đã bị kiểm duyệt. Từ năm ngoái, hàng trăm blogger và nhà báo đã bị bắt trong một chiến dịch chống lại các « tin đồn ».

Ngoài ra Tòa án Tối cáo còn nhận định, các « ngôi sao » trên mạng Trung Quốc – tức các sao ca nhạc hay điện ảnh, hoặc những blogger nổi tiếng – « có trách nhiệm nặng hơn so với người bình thường » đối với các nội dung và các đường dẫn mà họ đưa lên mạng.

No comments:

Post a Comment