RFI-Mai Vân-ngày 10-10-2014 18:53
Chân rết của Bắc Kinh tại Hồng Kông cũng bao gồm các thành phần thân Bắc Kinh, từng xuống đường ngày 4/10/2014 để phá phong trào biểu tình vì dân chủ.
AFP / ANTHONY WALLACE
Về thời sự quốc tế hôm nay, bài đáng chú ý có lẽ ở trên trang Sự kiện báo Le Monde về Hồng Kông, với hàng tít đậm : « Mạng lưới chân rết của Trung Quốc để buộc Hồng Kông im tiếng ». Tờ báo giải thích trong hàng ghi chú bên dưới là từ giới tài phiệt, quyền thế cho đến mafia, đảng Cộng sản Trung Quốc dựa trên một mạng lưới phức tạp bao gồm đồng minh và những người bị khuất phục.
Bài báo nhắc lại sự kiện trung tuần tháng 9, một đoàn đại diện cho các thành phần ưu tú Hồng Kông đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp. Bắc Kinh muốn nắm chắc sự trung thành của giới quyền thế tại Hồng Kông và yêu cầu họ siết chặt hàng ngũ sau lưng lãnh đạo Lương Chấn Anh.
Bài báo ghi nhận là khi lấy lại Hồng Kông từ tay Anh Quốc vào năm 1997, khó khăn của Bắc Kinh là củng cố quyền lực trong một môi trường mà đảng Cộng Sản không thể nắm chặt được : Một đất nước 2 chế độ. Hồng Kông có tự do báo chí, Tư pháp được độc lập, trong lúc một số đảng phái khác nhau xuất hiện.
Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến lược chinh phục, công khai như việc giới ưu tú Hồng Kông được mời tham gia Quốc hội Trung Quốc hay chấp nhận cho đảng thân Bắc Kinh DAB ( Democratic Alliance for the Betterment and Progress of HongKong), đảng lớn nhất ở Hồng Kông, hoạt động trợ giúp xã hội ; hay một cách kín đáo hơn như việc lợi dụng Văn phòng Liên lạc, hoặc là thông qua hoạt động bí mật của cơ quan mật vụ và thành phần ‘lậu’ của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hoặc các băng đảng, mafia ở Hồng Kông.
Le Monde trích lời ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), doanh nhân quan trọng ở Hồng Kông đã công khai ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ, cho biết là trong số người chống lại phong trào đòi dân chủ rất hung hăng được thấy trên truyền hình, phần đông là thành phần băng đảng ở Hồng Kông, họ hành động vì tiền...
Theo tác giả bài báo, tại Hồng Kông, Bắc Kinh dựa vào một loạt tổ chúc bình phong, mà mục tiêu là ngăn chận biều tình đòi dân chủ, hay qua trợ giúp bằng hiện vật của đảng DAB, cánh tay mặt của đàng Cộng Sản Trung Quốc ở Hồng Kông, cho các cử tri nghèo của họ.
Bài báo trích một nhà nghiên cứu trẻ Samson Yuen, giải thích là DAB giúp người già làm các thủ tục họ cần, tặng bánh Trung thu, phát gạo… Đó là cách hợp pháp để mua phiếu bầu. Các đảng dân chủ thì không có phương tiện như vậy.
Theo Le Monde phần nổi của tài chính đảng DAB, ai cũng thấy : vào tháng Tư, đảng đã tổ chức tiệc Gala gọi là quyên góp, và thu về 68 triệu đô la Hồng Kông – 7 triệu euro - trong đó 13 triệu là do một bức tranh chữ viết bán cho một nhà thầu địa ốc, và tác giả bức chữ viết này không ai khác là ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), giám đốc Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông.
Pháp bất ngờ được Nobel Văn học
Ngoại trừ báo Le Monde ra từ chiều hôm qua, đa số trang nhất báo Pháp ngày hôm nay đều dành ảnh cho giải Nobel Văn học 2014 Patrick Modiano.
Le Figaro bên dưới ảnh nhà văn Modiano, nói đến sự vinh danh một nhà văn về ký ức ; ở trang Văn hóa, tờ báo nêu bât sự bất ngờ của người được giải trong hàng tựa : « Nobel giáng xuống đầu Modiano ». Báo La Croix nhìn thấy một « Giải Nobel rất là Pháp ! ».
Libération chạy hàng tựa hai nghĩa : Sacré Modiano !, vừa thể hiện lòng thán phục, vừa xác định là Modiana được tôn vinh. Tờ báo cũng không quên ghi nhận là khi bất ngờ chọn trao giải cho nhà văn Pháp, các giám khảo giải Nobel tôn vinh một giọng văn trong sáng, lịch sự, và thì thầm.
Cũng nhìn về Châu Á hôm nay, báo Les Echos chú ý trước tiên đến hai sự kiện, chuyến viếng thăm Đức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và những phỏng đoán về việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫn không thấy bóng dáng.
Ông Lý Khắc Cường o bế bà Angela Merkel
Về chuyến đi Đức của Thủ tướng Trung Quốc, Les Echos chạy một tựa hóm hỉnh : « Trung Quốc o bế Đức ».
Dĩ nhiên Đức không phải nước duy nhất mà Thủ tướng Trung Quốc đến thăm trong vòng công du lần này : Ông ghé Đức, sau đó qua Matxcơva, rồi quay lại Ý vào thứ Ba tới đây để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu ASEM tại Milano. Nhưng bài báo nhắc lại Đức là nước duy nhất mà ông Lý Khắc Cường đến hai lần từ khi giữ chiếc ghế thủ tướng.
Tuy nhiên tờ báo kinh tế Pháp cũng công nhận là chuyến đi Đức của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh phức tạp, không mấy êm thắm cho các tập đoàn, công ty Đức tại Trung Quốc, vì một số trong ngành xe hơi bị điều tra, cho là có hành động chống cạnh tranh.
Điều này đã khiến Phòng Thương mại Châu Âu lên tiếng chỉ trích Trung Quốc phân biệt đối xử đối với công ty nước ngoài, và đại sứ Đức vừa qua đã kêu gọi Bắc Kinh thiết lập một nhà nước Pháp quyền thực sự, chỉ như thế mới được sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế.
Tại Nga, Les Echos nhìn thấy trước là hồ sơ nổi cộm liên quan đến đề án bán 38 tỷ mét khối khí đốt, ký kết vào mùa xuân vừa qua.
Đối với Les Echos vòng công du lần này của ông Lý Khắc Cường nằm trong khuôn khổ thắt chặt hơn quan hệ với các nước lục địa Á Âu, để dần dần biển sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thành một công cụ ngoại giao thật sự. Les Echos nhìn thấy bằng chứng về thế đứng mới của Trung Quốc trong việc Thủ tướng Đức Merkel hy vọng sử dụng Trung Quốc để gây sức ép lên Matxcơva trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraina.
Vì sao không thấy Kim Jong Un đâu ?
Về Bắc Triều Tiên, Les Echos trấn an trong hàng tựa : « Kim Jong Un vẫn bặt tin, nhưng không bị lật đổ ».
Theo tờ báo thì chắc chắn là các giả thuyết, phán đoán về sự biến mất kỳ bí của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, từ 5 tuần lễ qua, sẽ bùng dậy trở lại vào hôm nay, 10/10, khi mà sự vắng mặt của lãnh đạo trẻ rất được chú ý. Người hùng của chế độ đã không xuất hiện sáng nay, theo phản ánh của báo giới, truyền thông Bắc Triều Tiên, nhân lễ mừng 69 năm ngày thành lập Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên.
Từ khi lên nắm quyền năm 2011, Kim Jong Un luôn có mặt trong ngày lễ trọng đại này, và người ta còn cho thấy, Kim Jong Un và người thân cận ở đến tối khuya tại lăng Kumsusan, nơi yên nghỉ của người ông và cha. Nhưng từ 5 tuần qua không thấy bóng dáng của Kim Jong Un.
Nếu sự vắng mặt này, theo Les Echos, khiến các thủ đô trong khu vực đặt nghi vấn, thì ngược lại Hàn Quốc có vẻ tin chắc đó không phải là dấu hiệu một sự thay đổi gì lớn lao ở thượng tầng chế độ độc tài cuối cùng của hành tinh.
Les Echos nhắc lại phát biểu của phát ngôn viên bộ Thống nhất Hàn Quốc, là dường như ông (Kim Jong Un) vẵn nắm quyên bình thường. Người phát ngôn Hàn Quốc nêu bằng chứng cho lời khẳng định trên là ba nhân vật Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc trong tuần qua, trong một chuyến thăm bất ngờ, đều là người thân cận của Kim Jong Un, và họ đã chuyển đến một thông điệp của lãnh đạo trẻ tại Bình Nhưỡng.
Seoul, theo bài báo, còn ghi nhận là nếu không thấy bóng dáng ông, nhưng Kim Jong Un là yếu tố mà bộ máy tuyên truyền luôn nhắc đến. Sáng nay báo Rodong Sinmun còn ca ngợi tài năng của lãnh đạo trẻ : « Chế độ lãnh đạo duy nhất của đồng chí kinh mến Kim Jong Un phải được duy trì hoàn toàn(...) Nguời là biểu tượng, ngọn cờ mọi chiến thắng, vinh quang... ».
Tuy nhiên, les Echos nhắc lại một cách mỉa mai, rằng họ đã thú nhận là không bỉết Kim Jong Un hiện ở đâu.
Riêng mật vụ Hàn Quốc thì tin chắc là Kim Jong Un đang tiếp tục kín đáo chữa bệnh, chữa những vết thương ở chân do tình trạng béo phì, quá nặng cân gây nên, hoặc do động tác thể dục thể thao quá trớn.
Kinh tế Đức có dấu hiệu đáng ngại
Trên bình diện kinh tế, sự kiện được các báo Pháp lưu ý hôm nay là kinh tế Đức có dấu hiệu đình trệ. Le Monde trong một dòng tựa đập mắt trang nhất, bên cạnh chân dung thủ tướng Merkel loan báo « Tin xấu cho nền kinh tế Đức » và liệt kê : xuất khẩu giảm, đơn đặt hàng và sản xuất công nghiệp tuột dốc...
Giới chuyên gia đã giảm triển vọng tăng trưởng của Đức, 1,3% năm 2014 và 1,2% năm 2015. và e ngại rằng nếu đầu tàu kinh tế Châu Âu bị kềm hãm, tình trạng hoạt động kinh tế chậm lại sẽ kéo dài.
Le Figaro đã tìm hiểu tại sao nền kinh tế hàng đầu Châu Âu lại hụt hơi, một tựa trang nhất. Ở trang kinh tế, tờ báo còn e ngại nguy cơ kinh tế Đức bị suy thoái. Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tuột giảm đột ngột đã gây lo ngại cho cả vùng đồng euro, nên đã chạy tựa ‘báo động về tăng trưởng Đức’.
Tờ báo nêu chi tiết những dấu hiệu báo động đã xuất hiệu từ mấy ngày qua : xuất khẩu giảm 5,8% trong tháng 8 và trên 1 tháng, sản xuất công nghiệp giảm 4%, đơn đặt hàng giảm 5,7%. Chưa bao giờ có sự tuột giảm mạnh mẽ như thế từ năm 2009, tức sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế 2008.
Theo Le Figaro, Đức đang trả giá cho tăng trưởng yếu kém của cả lục địa Châu Âu, cộng thêm với bối cảnh quốc tế không thuận lợi và kinh tế Trung Quốc hoạt động chậm lại. Bản thân Đức theo giới chuyên gia, cũng phải tiến hành cải tổ cần thiết. Đức lâm vào cảnh thiếu tin tưởng, thiếu đầu tư, và dân chúng già đi.
Chính sách duy trì cân bằng ngân sách của chính phủ cũng bị chỉ trích về ảnh hưởng trên mặt kinh tế, ví dụ như chính quyền Đức đã không muốn chi tiêu để nâng cấp hạ tầng cơ sở, đường xá, nhân danh sự cân bằng ngân sách này.
No comments:
Post a Comment