Friday, October 10, 2014

Làm sao bia đá không đau?

Theo Một Thế Giới

Làm sao bia đá không đau?
LTS. Tác giả bài báo dưới đây đã nói hộ cho tất cả những ai tự cho mình là “người Sài Gòn” về cảm giác thảng thốt hụt hẫng trong những ngày này khi phải chứng kiến cảnh hấp hối của những dấu tích cuối cùng còn sót lại của Hòn ngọc Viễn Ðông. Ðau xót chứng kiến, rồi hình dung rồi đây dinh Xã Tây (trụ sở UBND TP.HCM hiện nay) lọt thỏm thấp tè khi đối mặt với một cao ốc tân thời hãnh tiến ở vị trí thương xá Tax là không ai không bật lên câu hỏi: “Làm sao bia đá không đau?”
Những ngày vừa rồi lại thêm một kiến trúc xưa và đẹp ngay trung tâm Sài Gòn được báo tử. Ðó là thương xá Tax, xa xưa còn có tên thương xá Charner. Thật bất ngờ toà nhà này được thông báo sẽ bị đập bỏ hoàn toàn, các cửa hàng của thương xá sẽ bị dời đi để nhường chỗ cho một cao ốc 40 tầng. Lại thêm một sự đổi thay đột ngột gây tranh cãi lớn như khi người dân một tuần trước đó ngỡ ngàng trông thấy cây xanh và bồn phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi bị phá bỏ với lý do xây dựng metro.
“Những gì vừa mất không  thể siêu thoát”
Người dân Sài Gòn có thể có những cách nghĩ khác nhau, cách phản ứng khác nhau trước hiện tượng khu trung tâm bắt đầu bị thay đổi hàng loạt. Ngày 18.8, tôi chứng kiến nhiều người dân đổ về thương xá Tax để tranh thủ mua hàng đại hạ giá vì sắp “dẹp tiệm”. 
Nhưng cùng lúc ấy, vẫn có nhiều người dân khác, kể cả những bạn trẻ tuổi đôi mươi mang máy ảnh, máy điện thoại, máy tính bảng đến chụp hình và quay phim toà nhà từ bên trong đến bên ngoài. 
Nếu một ai đó trong số quý vị có những lợi ích riêng tư ở đây, những món quà “lại quả” nào đấy thì chúng tôi xin khẩn cầu hãy chừa ra những chốn linh thiêng, những vị trí đã trở thành linh hồn của thành phố.
Ở quán cà phê Highland trên lầu ba, nơi có các ô cửa kính trông ra đường Nguyễn Huệ và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, một cách lặng lẽ, không ít người đến đây để gấp gáp tận hưởng trở lại những giây phút riêng tư từng có, những giây phút chỉ vài ba tuần nữa sẽ không bao giờ gặp lại. 
Tôi bắt gặp cả người già, người trẻ đều hướng mắt, hướng ống kính nhìn xuống hai con đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Dường như ai cũng thở dài khi thấy hình ảnh phố xá tấp nập mới đây thôi nay trở nên hoang tàn, xơ xác khi mặt đường bắt đầu bị cày xới và những hàng rào ngăn cách công trường đã được dựng xong. 
Trông tang thương nhất là bồn phun nước giữa giao lộ đã bắt đầu bị đập nham nhở. Hàng liễu xanh mơ mộng quanh bồn cũng như một số cây sao ở phía đối diện toà nhà Union square (ngày xưa là đất Eden) đã bay lên trời mất rồi. Giờ đây, công viên trước nhà hát Thành phố nhìn từ trên cao giống một chiếc sân rỗng tuếch...

 
  
Nếu xây metro phải chấp nhận cảnh ngổn ngang này, thì xây xong có trả lại như xưa?
Trời xám xịt, một cơn mưa buổi trưa tầm tã chợt đổ xuống. Ô hay những chú gà Gaulois – phù điêu trên các cửa sổ thương xá Tax cũng rơi lệ buồn. Cô “Hậu khảo cổ” vừa viết trên Facebook: “Tháng bảy này những gì vừa mất sẽ không bao giờ siêu thoát…”. Vâng, những toà nhà xưa đẹp, những cảnh quan phố xá đã nhiều năm nay là cột mốc của thành phố, là ký ức tập thể của người dân đều đã làm nên hồn thịt của đô thị. Tất cả đều có linh hồn, lẽ nào chỉ trông một chốc đã và sẽ trở thành vong hồn? 
Nghĩ đến đó, lòng tôi bỗng ngân lên câu hát của Trịnh Công Sơn: “Làm sao em biết bia đá không đau...”. Chao ơi, lẽ nào những ngôi nhà, những góc phố từng là hình ảnh tiêu biểu, từng góp phần làm nên Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Ðông bỗng phải theo một số mệnh nào đấy để hoá thành “Diễm xưa”, hoá thành hình ảnh, hiện vật chỉ lưu giữ trong viện bảo tàng hay chỉ tồn tại trong tâm tưởng, khói cà phê, khói nhang đèn? Phải chăng đó là số mệnh chung cho những đô thị phát triển hiện đại?
Hãy xem Paris, London hay Moskva, Washington, New York… mặc dù có đủ những phương tiện hiện đại như metro, thương xá cao và ngầm, những tháp nhà chọc trời nhưng người ta vẫn suy nghĩ và tìm được giải pháp để giữ gìn và tôn tạo được những kiến trúc và cảnh quan xưa đẹp, tiêu biểu của một thời và nhiều. Chẳng hạn, ở Paris, chung quanh nhà hát Lớn, nhà thờ Ðức Bà, Khải hoàn môn, tháp Eiffel, Toà thị chính, thương xá La Fayette vẫn có rất nhiều lối ra vào metro. 
Ở London cũng vậy: tu viện Westminster, tháp Big Ben, những chiếc cầu qua sông Thames, thương xá Harrods vẫn tồn tại như từ trước đến giờ, không hề có chuyện nhân danh xây xe điện ngầm, đường hầm, mở rộng đường để thay đổi, chỉnh sửa cảnh quan và kiến trúc. Ở nhiều đô thị lớn Âu - Mỹ hay Nhật Bản, người ta xây dựng nhiều công trình ngầm song họ hết sức tránh không làm thay đổi từng viên gạch lót đường, từng ngôi nhà, dãy phố đã có.
 
 Xung quanh rồi cũng phải đập hết cho cân bằng với cao ốc 40 tầng chỗ thương xá Tax?
Một người bạn tôi là kỹ sư xây dựng, học hành ở Paris, nói rằng khi người ta làm metro có thể phải đào đường, phải chặt cây, phải chấp nhận cảnh công trường ngổn ngang một thời gian. Nhưng sau đấy, các nhà xây dựng và quản lý đô thị phải tái tạo, phải khôi phục toàn bộ cảnh quan đã có. Nhờ đó, anh nói, “chúng ta mới còn được Paris, London và những đô thị - báu vật của quốc gia, của nhân loại”. 
Tuy nhiên, khi hỏi anh ở Việt Nam có quy định xây dựng metro phải như thế nào, có quy định quy hoạch giữ được xưa trong nay hay không, liệu sắp tới đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ có được trả lại như cũ thì anh cười ngần ngại: “Ðúng ra là phải như thế nhưng tôi không rõ, không biết trong tương lai người ta có hành xử như vậy không. Nghe nói cùng với xây dựng metro, ban ngành này ban ngành kia còn dự kiến nhiều công trình khác nữa!”.
Thôi rồi, ở Việt Nam đến nay đã có không ít tiền lệ xây sửa cái mới thì cùng lúc và sau đó làm hư hỏng, thậm chí phế bỏ cái cũ, lãng quên vẻ đẹp của quá khứ. Chính tại trung tâm Sài Gòn và Hà Nội, chúng ta đã có những tiền lệ đau lòng – phá cảnh quan, phá kiến trúc cũ đi và rồi chia tay vĩnh viễn không khôi phục được nét xưa. Tệ hơn nữa, người ta còn thay đổi chức năng và công dụng vốn có của những công trình xưa hoàn chỉnh. 
Chỉ mới vài năm trước, công viên Chi Lăng - chiếc vườn treo gần 100 tuổi trên phố Ðồng Khởi, nay chỉ còn là cái tên “dán nhãn” lên một sảnh bêtông trang điểm cho toà tháp đôi thô kệch. Và ngay bên kia đường, cả một dãy phố đầy chứng tích lịch sử và văn hoá, bao gồm thương xá và khu căn hộ Eden, cà phê Givral, rạp hát Măng Non, rạp hát Eden, nhà sách Xuân Thu, phòng vé máy bay, toà nhà Sài Gòn tourist (nguyên là nhà hàng La Pagode) đã bị bứng đi. 
Thay vào đó, người ta xây nên khu thương mại, nay sang tên là Union square, may mắn không thô kệch. Nhưng sẽ mất bao lâu nữa để Union square có được cái sắc màu văn hoá độc đáo mà Eden đã có từ những năm 1920?
 
 Tất cả đều có linh hồn, lẽ nào chỉ trông một chốc đã và sẽ trở thành vong hồn? 
Thật bất hạnh, đến giờ linh hồn và hình ảnh của công viên Chi Lăng, khu nhà Eden vẫn không có được một bảng đồng, một panô để ghi dấu linh hồn tại chốn xưa. Ôi, phải chăng toà nhà thương xá Tax, bồn phun nước giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, công viên trước cửa nhà hát Thành phố cũng sẽ rơi vào tiền lệ đau thương ấy? 
Và rồi, chúng ta lại phập phồng nghĩ đến tương lai của tượng đài Trần Nguyên Hãn, toà nhà Hoả xa và ngay cả chợ Bến Thành, liệu có phải ra đi vì lý do nhường đất cho metro, nhường đất cho những khu shopping ngầm, những cao ốc thương mại mấy chục tầng chót vót? Những ai đã vô tình không biết bia đá cũng đau, không cảm được lòng người quyến luyến với những ký ức đẹp, không tôn trọng những giá trị vĩnh hằng ấy?
Sao không lắng nghe dân và học Hà Nội?
Quý vị hãy lắng nghe nỗi đau, hay lấy ý kiến người dân rộng rãi khi muốn thay đổi bản đồ của ký ức, bản đồ của tâm hồn của người Sài Gòn và những người yêu Sài Gòn khắp năm châu bốn biển. Quý vị vẫn còn thời gian và cần dừng lại ngay việc cưa cây, việc phá vỡ, việc di dời những kiến trúc và cảnh quan đã định hình tốt đẹp ở trung tâm thành phố. 
Chúng tôi tin rằng Hội đồng Nhân dân, UBND TP.HCM, các hội đoàn xã hội, báo chí truyền thông, đủ sức huy động trí tuệ để tìm giải pháp đặt metro ở những vị trí khác không làm tổn thương lòng người, tìm giải pháp kỹ thuật xây dựng tốt hơn, gắn liền với yếu tố kinh tế - xã hội và kể cả tâm linh. Xin quý vị hãy hứa dù xây dựng kiểu nào cũng phải cố gắng trả lại cảnh quan, hình ảnh xưa đẹp, đừng lập lại sai lầm xây-sửa để làm sai, làm hỏng cái đẹp đã đạt được. 
Thêm nữa, nếu một ai đó trong số quý vị có những lợi ích riêng tư ở đây, những món quà “lại quả” nào đấy thì chúng tôi xin khẩn cầu hãy chừa ra những chốn linh thiêng, những vị trí đã trở thành linh hồn của thành phố.
 Toà cao ốc số 8 Lê Thái Tổ (Hà Nội)
Khi viết những dòng cuối này, tôi đang có mặt ở Hà Nội. Khi đi dạo vòng quanh hồ Gươm, tôi nhớ ra trước đây cũng đã có một số dự án xây dựng nhà cao tầng hiện đại chung quanh hồ. Nhưng người dân Hà Nội, đặc biệt hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. 
May mắn, tiếng nói ấy đã được lắng nghe, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã quyết định giảm tầng của toà cao ốc số 8 Lê Thái Tổ (nay là cao ốc Bảo Việt) để giữ được cảnh quan cũ của Bờ Hồ! Ở Sài Gòn, khu giao lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn cũng chính là một Bờ Hồ - giao lộ của nhiều năm tháng lịch sử, một cột mốc trung tâm của thành phố. Hà Nội đã có được một tiền lệ tốt trong việc giữ gìn cảnh quan, kiến trúc xưa đẹp. 
Vậy thì, Sài Gòn càng phải làm được, giữ được toà nhà thương xá Tax không biến dạng thành cao ốc 40 tầng, không để nhân danh metro, nhân danh những shopping center ngầm để phá bỏ đi cảnh quan đã xây dựng đẹp của đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi! Tôi tin chúng ta có thể làm được!
Bài và ảnh: Phúc Tiến (theo Người Đô Thị)

No comments:

Post a Comment