Friday, October 10, 2014

“Trung Quốc chưa thể bằng Mỹ ít nhất trong 10 năm tới”

NGUYỄN THẢO-06:56 11/10/2014

BizLIVE - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nêu quan điểm liên quan đến báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF sử dụng thuyết sức mua tương đương để so sánh nền kinh tế hai cường quốc và đưa ra kết luận Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới là không ổn.

Báo cáo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế, Trung Quốc vừa soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: TL
Sức mua tương đương (Purchasing Power Parity) là một kiểu tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước, theo tỷ lệ này thì số lượng hàng hóa mua được là như nhau ở trong nước và ở nước ngoài khi chuyển đổi một đơn vị nội tệ ra ngoại tệ và ngược lại.

Sức mua tương đương giữa hai đồng tiền đơn thuần chỉ là sự so sánh mức giá hàng hóa tính bằng nội tệ và ngoại tệ ở hai nước mà không đề cập đến chi phí vận chuyển quốc tế, thuế quan…

Chiếc bánh kẹp Big Mac là một đơn vị đo lường sức mua tương đương được tạp chí The Economist xây dựng. Chỉ số Big Mac Index chính là tỷ giá hối đoái giả định giá của một chiếc Hamburger ở Mỹ bằng với giá ở quốc gia khác.

Chia sẻ với BizLIVE về thông tin này, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc so sánh nền kinh tế của Trung Quốc với Mỹ theo thuyết sức mua tương đương là không ổn

TS. Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ, bánh kẹp Big Mac ở Mỹ được bán với giá 7 USD, nếu tính ra đồng Nhân dân tệ phải tương đương khoảng 100 Nhân dân tệ. Nhưng một người ở Trung Quốc không phải mua bánh kẹp Big Mac ở Trung Quốc với giá 100 Nhân dân tệ mà có thể chỉ phải trả 70 Nhân dân tệ.

Tương tự, một cái bánh mỳ tại Mỹ bán 1 USD, nếu quy đổi ra tiền Việt sẽ tương đương khoảng 21.000 đồng trong khi cùng miếng bánh mỳ, cùng chất lượng bán ở Việt Nam chỉ có 5.000 đồng.

"Tức là giống như đồng Nhân dân tệ, đồng Việt Nam so với đồng USD đang được định giá ở mức cao. Dùng phương pháp này để tính toán xem nền kinh tế nào là nền kinh tế lớn của thế giới là không ổn", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo đó, một nền kinh tế được đánh giá cao hay không, phát triển hay không phát triển yếu tố quan trọng hàng đầu là GDP. "Với chỉ số GDP, Trung Quốc chưa thể bằng Mỹ ít nhất 10 năm tới", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu để định nghĩa nền kinh tế hàng đầu có nhiều yếu tố khác trong đó có hệ thống tiền tệ, hệ thống tài chính, sức sản xuất thậm chí yếu tố chính trị, xã hội... cũng không thể bỏ qua

TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích cụ thể trường hợp Trung Quốc, một nền kinh tế mới nổi hệ thống tài chính so với Mỹ còn rất non trẻ và hệ thống pháp luật chưa đi vào thông lệ quốc tế, vấn đề chính trị xã hội chưa ổn định trong khi Mỹ đã có hệ thống tài chính, pháp luật, chính trị đều có sự ổn định.

Thứ nhất, trong 20 năm vừa qua Trung Quốc đã đóng góp rất nhiều trong nền kinh tế toàn cầu. Vai trò của Trung Quốc là một nhà sản xuất của thế giới, điều này khiến Mỹ đã có rất nhiều hãng xưởng phải đóng cửa và chuyển công nghệ, xưởng sản xuất sang Trung Quốc để Trung Quốc sản xuất.

Song chính vai trò đó mà Trung Quốc đã gặp phải những vấn đề rất lớn. Trung Quốc vừa sản xuất và bán hàng vì vậy lệ thuộc vào khách hàng, trường hợp khách hàng là những nước trên thế giới đang chao đảo vì vấn đề khủng hoảng kinh tế hoặc vấn đề nào đó chậm mua hàng của Trung Quốc. Chính trong vai trò là nhà sản xuất của thế giới nên Trung Quốc lệ thuộc vào thế giới rất nhiều.

Thứ hai, chính vì là nhà sản sản xuất gần như phục vụ cả thế giới và hậu quả người phục vụ này đã lãnh chịu tất cả những vấn đề nảy sinh như môi trường, khí độc hại, hệ lụy về xã hội...

Nền kinh tế Trung Quốc mặc dù quy mô GDP tăng trưởng rất lớn, tổng sản lượng đứng thứ 2 thế giới nhưng người dân Trung Quốc vẫn ở trong hàng dân số thu nhập thấp của thế giới. Tăng trưởng rất mạnh về lượng nhưng thực chất người dân của họ không được hưởng.

"Trung Quốc còn phải chạy xa mới đuổi kịp nền kinh tế phát triển 100 năm là Mỹ", TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

No comments:

Post a Comment