Friday, October 10, 2014

Không thể tăng lương vì không có tiền

HÀ NỘI (NV) .- Nhà cầm quyền CSVN từng tuyên bố, năm tới, sẽ nâng mức lương cơ bản lên 15%  nhưng kế hoạch này đã phá sản vì không có tiền và “ngân sách rất căng thẳng”. 


Lương thấp, không đủ sống, công nhân ăn uống chỉ qua loa, không đủ chất nên kiệt sức. Họ chờ quyết định tăng lương cơ bản nhưng kế hoạch này đã phá sản. (Hình: Pháp Luật TP)

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ của Quốc hội của chế độ, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính lý giải nguyên nhân làm cho ngân sách không chỉ đang mà sẽ còn rất căng thẳng.

Theo đó, năm 2013, kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, nhu cầu chi tiêu trong việc thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương cao, thành ra để chi cho đầu tư phát triển, chế độ Hà Nội phải trả nợ thấp hơn mức yêu cầu và phải kết hợp với phát hành 40,000 tỷ trái phiếu để đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ).

Sang năm nay, nhà cầm quyền trung ương CSVN phải chi một khoản lớn để trả nợ do từng vay nhiều hơn nhằm bù đắp bội chi và thanh toán nợ từ bán trái phiếu. So với năm 2013, số nợ phải trả cao hơn năm ngoái là 15,000 tỷ đồng. Đồng thời phải phát hành khoảng 70,000 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ. Chi cho đầu tư phát triển trong năm nay hiện thấp hơn bội chi ngân sách.

Viên Bộ trưởng Tài chính CSVN dự báo, Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn về  ngân sách cả trong năm tới lẫn vài năm tới nữa. Chi tiêu cho trả nợ và cho việc thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội vẫn tăng cao và nhanh nên không thể chi cho đầu tư phát triển theo yêu cầu.

Ông Dũng nhấn mạnh đề nghị “hạn chế ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách”. Hạn chế tối đa chi tiêu cho hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài Việt Nam. Trước những thông tin vừa kể, ông Phùng Quốc Hiển,  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội cảnh báo, có nhiều dấu hiệu không lành mạnh đang đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Đó là:  Chi cho đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với trước, không đúng như yêu cầu của Quốc hội. Kế hoạch “cải cách tiền lương” không thể thực hiện như lộ trình đã vạch ra. Trước đây, chi tiêu cho việc trả nợ chỉ ở mức từ 11% - 12% tổng chi ngân sách, tuy nhiên từ năm 2012 đã phải liên tục vay để đảo nợ với mức vay đảo nợ theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội CSVN, cũng tỏ ra lo âu khi chế độ Hà Nội sử dụng đến 72% ngân sách cho những chi tiêu có tính chất thường xuyên (NV: riêng chi tiêu cho hệ thống công quyền - nuôi công chức Việt Nam đã ngốn hơn 55% tổng chi tiêu). Ngân sách Việt Nam hiện chỉ còn 28% vừa cho đầu tư - phát triển (NV: về nguyên tắc, không chi cho đầu tư – phát triển sẽ không thể giữ sự ổn định của các nguồn thu và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách), vừa trả nợ vừa thực hiện những mục tiêu khác. Viên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhận định, cơ cấu ngân sách như thế là rất xấu. (G.Đ)
10-09- 2014 2:22:47 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment