(Bình luận quân sự) - Nhật Bản tham gia thị trường vũ khí được cho là một đối thủ tiềm tàng với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, nhưng vì sao Mỹ vẫn gật đầu?
Tài phiệt Mỹ nói gì?
Trước khi Nhật Bản thông qua việc cho phép xuất khẩu vũ khí vào tháng 4/2014, một số quốc gia trên thế giới đã có những sự lên tiếng gay gắt dù mới chỉ là nghe phong thanh.
Trung Quốc cho rằng Nhật đang tìm kiếm một sự trỗi dậy. Nga chuẩn bị chiến lược cạnh tranh với các nhà xuất khẩu từ Nhật Bản. Còn Mỹ, bản thân trong nội bộ của họ cũng có những ý kiến không tán đồng.
Trong cuộc gặp gỡ của các lãnh đạo các tập đoàn vũ khí Mỹ, trong đó có cả Lockheed Martin, Textron, Raytheon… với Tổng thống Obama hồi tháng 1/2014, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ tại Nhà Trắng, các nhà tài phiệt này đã bày tỏ sự lo ngại.
Họ đã cảnh báo Tổng thống về việc Mỹ sẽ mất thị phần khi Nhật Bản là một quốc gia công nghệ cao và sản phẩm của họ làm ra sẽ có những thứ không thua kém gì sản phẩm của Mỹ.
Một văn phòng của tập đoàn Lockheed Martin |
Các nhà tài phiệt này đã thực sự lo lắng khi túi tiền của họ bị chính người đồng minh châu Á, vốn có quan hệ hợp tác công nghệ quốc phòng nhiều thập kỷ qua cạnh tranh trực tiếp.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng thì ai cũng biết, sau khi Nhật Bản thông qua chính sách xuất khẩu vũ khí và tháng 6 vừa qua là quyền phòng vệ tập thể, cũng như diễn giải lại Hiến pháp của quốc gia này cho phép Nhật Bản được sử dụng sức mạnh quân sự và nâng cao sức mạnh này, Mỹ tỏ ra hoan nghênh nhiệt liệt.
Qua kênh ngoại giao, Washington còn bày tỏ đây là một bước đi thông minh và cần thiết của chính quyền Shinzo Abe nhằm bảo vệ an ninh Nhật Bản cũng như góp phần bảo vệ an ninh chung khu vực. Vậy vì đâu Mỹ có thể gạt bỏ những lợi ích kinh tế của mình và bật đèn xanh cho Nhật Bản tham gia vào thị trường màu mỡ này?
Bài toán lợi ích của người Mỹ
Thực tế, Nhật tham gia thị trường vũ khí và tìm lại sự chủ động của quân đội không phải là điều mới được nhắc đến dưới thời kỳ của ông Shinzo Abe, những Thủ tướng tiền nhiệm đã nhiều lần ấp ủ mục tiêu này. Nhưng chỉ đến khi Shinzo Abe nắm quyền nó mới được thông qua, bởi đảm bảo được hai yếu tố.
Trước hết, về nội bộ, chính quyền của ông Shinzo Abe nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội lưỡng viện, và không khó để những đề nghị của ông này được chấp thuận. Phải nói rằng, đến khi Thủ tướng Abe nắm quyền, Nhật Bản mới thoát được sự đấu đá chính trị kéo dài nhiều thập kỷ của các đảng phái.
Nguyên nhân còn lại, về khách quan, Nhật Bản cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng và họ cần chủ động trước điều này. Và trên hết, họ được người Mỹ, đồng minh thân cận, cũng là kẻ chiến thắng và áp đặt Hiến pháp cho họ từ năm 1945 đến nay đã tặng cho họ một cái gật đầu.
Thủ tướng Shinzo Abe trong khoang lái của chiếc tiêm kích huấn luyện T-4 |
Vì sao Mỹ chấp thuận cho Nhật Bản thay đổi diện mạo quân sự? Để có được cái gật đầu ấy, có lẽ Washington đã phải cân đong đo đếm thiệt hơn rất nhiều và quyền lợi của Mỹ có được từ việc này có lẽ đã giúp họ hạ quyết tâm.
Trong việc này, Mỹ có được một vài món lợi như sau. Thứ nhất, Mỹ cần phải giữ chân đồng minh. Cần phải hiểu rằng tìm lại sự chủ động của quân sự, cũng như tìm đến việc xuất khẩu vũ khí để kiếm lời là điều mà những cái đầu tư bản của Nhật luôn khao khát. Và họ sẽ thực hiện nó không bằng cách này thì cách khác, ví như trường hợp bán tàu tuần tra chiến đấu cho Philippines thông qua hình thức vốn vay ODA. Chấp thuận khát vọng này của Nhật cũng là một điều khiến đẹp lòng đồng minh mà Mỹ buộc phải làm.
Ngoài ra, Mỹ cần Nhật Bản như một tướng tiên phong trong “cuộc chiến” với Trung Quốc. Tiếp đến, Mỹ cần Nhật như một mắt xích để triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa từ xa, nhắm vào Trung Quốc và Nga. Việc Nhật hiện đại hóa quân sự và dùng xuất khẩu vũ khí để mang lại ngân sách cho kinh phí quốc phòng là việc buộc phải làm.
Thứ hai, trong chiến lược chuyển trục mà Tổng thống Obama đề ra nhằm kìm chế Trung Quốc, Washington đang vấp phải hai mâu thuẫn. Họ muốn cô lập, khắc chế người khổng lồ này, nhưng hai nền kinh tế này lại có những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Để đảm bảo chuyển trục mà không mất quyền lợi, Mỹ cần có Nhật Bản san sẻ gánh nặng.
Cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và quân đội Nhật Bản |
Nhật sẽ thay Mỹ làm nhiệm vụ của một người chủ trò trong khu vực, không chỉ Hoa Đông mà cả Biển Đông. Quốc gia này sẽ là cầu nối để liên kết các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Đồng Yên Nhật sẽ thay Đô-la Mỹ trong việc lôi kéo sự ủng hộ.
Trong bối cảnh Mỹ đang thắt chặt chi tiêu, Nhật Bản sẽ giúp họ có thể san sẻ gánh nặng. Và một khi muốn đồng minh chung lưng với mình, Mỹ cần phải tạo cơ hội cho họ có quyền lợi. Sự bình đẳng, đôi bên cùng có lợi là cách mà các quốc gia tư bản duy trì tình bạn.
Thứ ba, khi Nhật xuất khẩu vũ khí, Mỹ không phải không có quyền lợi ở đó. Hợp đồng giữa tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi với tập đoàn Raytheon là minh chứng cho quyền lợi này. Nhật sẽ được phép cung cấp thiết bị cảm ứng cho hãng Raytheon để sử dụng cho tên lửa Patriot Advanced Capability-2 (PAC-2) để xuất sang Qatar. Trong khi Raytheon tập trung nguồn lực để sản xuất PAC-3, một phiên bản hiện đại hơn.
Với những quyền lợi sát sườn như thế, Mỹ phải nói rằng rất hân hoan bật đèn xanh cho Nhật Bản trong việc tham gia thị trường xuất khẩu vũ khí.
Con át chủ bài của Mỹ với Nhật Bản
Dù cho Nhật Bản có tham gia thị trường xuất khẩu vũ khí đi nữa, nhưng để trở thành một thế lực có thể cạnh tranh trực tiếp với quyền lợi của Mỹ vẫn còn là một chặng đường rất dài.
Theo dự báo của một số chuyên gia, xuất khẩu quốc phòng của Nhật sẽ ở dưới mức 1 tỷ USD/năm trong nhiều năm nữa. Một con số quá khiêm nhường với khả năng xuất khẩu và chi tiêu quốc phòng của Mỹ.
Đây là câu chuyện tương tự như việc dù Trung Quốc có đánh cắp công nghệ của Nga nhưng vẫn không thể cạnh tranh với Nga trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.
Biếm họa về mối quan hệ giữa ba nước Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc trong khu vực biển Hoa Đông |
Tuy nhiên, sự thực dụng nổi tiếng của người Mỹ sẽ là hư danh nếu như họ không nắm đằng chuôi trong vấn đề Nhật Bản. Tương tự như Mỹ cần Nhật Bản để khắc chế Trung Quốc, ngược lại, Nhật vẫn cần Mỹ như một đồng minh chiến lược trong cuộc đối đầu ấy.
Điều này được thể hiện trong “Các phương hướng cơ bản mới trong chính sách quốc phòng” được Nhật Bản thông qua hồi tháng 12/2013. Đây có thể coi là học thuyết quân sự mới của Nhật, trong đó nêu rõ Mỹ vẫn là nhân tố không thể thiếu trong đường lối quân sự, chính trị, ngoại giao của quốc gia này.
Với Nhật Bản, người Mỹ vẫn còn duy trì ở đó một cái ô hạt nhân mà Tokyo dù có muốn cũng không thể bỏ đi được. Bởi Nhật Bản có thể vươn lên vị trí cường quốc quân sự, nhưng để đứng vào hàng ngũ cường quốc hạt nhân sẽ là điều mà không bao giờ Liên Hợp Quốc chấp thuận.
Ô hạt nhân, tương trợ quân sự, và gần nhất là sự ủng hộ của Mỹ trên trường quốc tế là điều mà Nhật Bản không thể khước từ. Khi nào Nhật còn duy trì những sự lệ thuộc này, Mỹ vẫn còn nắm đằng chuôi trong việc kiểm soát sự trỗi dậy của Nhật Bản.
Đỗ Minh Tú
No comments:
Post a Comment