Friday, July 25, 2014

Nêu đích danh tỉnh, thành "vung tiền qua cửa sổ"



(Thứ sáu, 25/07/2014 10:32 AM GMT +7)

An Giang dùng ngân sách nhà nước cho cán bộ đi công tác nước ngoài và mua tới 35 ô tô với tổng kinh phí mua ô tô lên tới 38,519 tỷ đồng. Tiền Giang bỏ tới 700 triệu đồng cho cán bộ đi công tác nước ngoài. Lâm Đồng bớt 315 triệu đồng kinh phí dành cho khoa học-công nghệ để cán bộ đi học tập nước ngoài...


Y tế là một trong những lĩnh vực trọng yếu có mức chi không đạt dự toán   

Kết quả kiểm toán năm 2013 (niên độ năm 2012) được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy, chi thường xuyên vượt dự toán, trong khi nhiều khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán.

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong khi tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012 chỉ vượt 0,3% dự toán (2.072 tỷ đồng) thì chi cho quản lý hành chính (chi thường xuyên) vượt tới 12,5% với số tiền tuyệt đối lên đến 9.924 tỷ đồng.

Để có tiền tăng chi hành chính, các bộ ngành, địa phương phải “xà xẻo” vào khoản chi cho con người, chi đầu tư để phát triển bền vững. Cụ thể, so với dự toán, chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 93,5%; y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 96,4%; khoa học-công nghệ đạt 82,7%; sự nghiệp kinh tế đạt 97%...

“Chi cho y tế, giáo dục, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu giảm nghèo không đạt là do dự toán không sát, hay thực hiện không bảo đảm?”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai đặt câu hỏi và khẳng định: “Lĩnh vực y tế chưa chi hết theo dự toán là do không mua 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người cận nghèo theo quy định, chứ không phải lĩnh vực này… không cần tiền hay dự toán không sát thực tế”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, chi thường xuyên vượt dự toán trong khi nhiều khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán đã ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

“Những khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán mặc dù đã được nhiều đại biểu Quốc hội thường xuyên đề cập trong các kỳ họp, nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hạn chế này”, ông Hiển nói.

Theo số liệu của KTNN, năm 2012, một số địa phương hụt thu như Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Lạng Sơn…, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (trường hợp số thu không đạt dự toán phải điều chỉnh giảm một số khoản chi tương ứng); bổ sung ngoài dự toán một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; chưa quán triệt, thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản; sử dụng ngân sách không đúng mục đích, kém hiệu quả.
         Để có tiền tăng chi hành chính, các bộ ngành, địa phương phải “xà xẻo” vào khoản chi cho con người, chi đầu tư để phát triển bền vững. Cụ thể, so với dự toán, chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 93,5%; y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 96,4%; khoa học - công nghệ đạt 82,7%; sự nghiệp kinh tế đạt 97%...

Đơn cử, An Giang sẵn sàng sử dụng ngân sách nhà nước cho cán bộ đi công tác nước ngoài và mua tới 35 ô tô với tổng kinh phí mua ô tô lên tới 38,519 tỷ đồng. Tiền Giang bỏ tới 700 triệu đồng cho cán bộ đi công tác nước ngoài. Lâm Đồng sẵn sàng bớt 315 triệu đồng kinh phí dành cho khoa học-công nghệ để cán bộ đi học tập nước ngoài.

Năm 2013, KTNN thực hiện kiểm toán 34 tỉnh, thành phố, thì cả 34 tỉnh, thành phố đều vượt chi thường xuyên, trong đó có tới 20 địa phương chi vượt trên 30%, Thậm chí, Quảng Ngãi vượt chi tới 80%, Thanh Hóa 54%, Thái Nguyên và Lạng Sơn 49%. Nhiều địa phương còn sử dụng nguồn tăng thu, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, nguồn dự phòng để bổ sung chi thường xuyên sai quy định.

KTNN cho biết, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại cơ quan Trung ương có chiều hướng giảm (năm 2013 chỉ kiến nghị thu hồi 8 tỷ đồng, thay vì 9,7 tỷ đồng của năm 2012), thì tình trạng này ở các địa phương lại có xu hướng tăng rất mạnh. Cụ thể, năm 2013, KTNN kiến nghị thu hồi kinh phí chi sai chế độ, tiêu chuẩn định mức tại 34 địa phương với số tiền 648 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 196 tỷ đồng kiến nghị thu hồi của năm 2012.

Ngoài ra, KTNN còn phát hiện nhiều bộ ngành, địa phương sử dụng sai tới gần 1.622,5 tỷ đồng nguồn kinh phí. Việc sử dụng sai nguồn kinh phí dẫn tới trong bối cảnh địa phương không kết dư ngân sách khiến một số nhiệm vụ chi chưa thực hiện, nhưng không có nguồn bảo đảm làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương cho những năm tiếp theo.

Việc cho vay, tạm ứng sai quy định; cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi, theo KTNN còn diễn ra tại hầu hết các địa phương với số tiền cho vay, tạm ứng sai quy định là 742 tỷ đồng; cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều  năm, chậm thu hồi đã lên tới 4.181 tỷ đồng đang thực sự trở thành… gánh nặng nợ của nhiều địa phương do ngân sách phải đi vay và trả lãi đối với những khoản này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông K’Sor Phước, người có 17 năm liên tục làm đại biểu Quốc hội (từ năm 1997 đến nay) cho biết, năm nào, khi cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước, ông cũng thấy tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết như chi thường xuyên vượt dự toán; cái đáng chi (giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ…) lại không chi được; nợ đọng xây dựng cơ bản không hề giảm; tạm ứng, cho vay sai quy định; sử dụng kinh phí sai chế độ, nguyên tắc định mức diễn ra khắp nơi; mua xe ô tô công dù bị Chính phủ hạn chế, nhưng nhiều địa phương vẫn vung tiền ra mua…

“Tôi đề nghị Chính phủ phải cam kết với Quốc hội từ sang năm trở đi phải khắc phục cơ bản các hạn chế này. Nếu còn để xảy ra tình trạng “vung tay quá trán” trong chi ngân sách, “xà xẻo” tiền chi giáo dục, y tế, xóa đói - giảm nghèo… chi mua ô tô công, xây dựng trụ sở, đi công tác, học tập kinh nghiệm nước ngoài; chi tiêu sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải chỉ rõ địa phương nào, cơ quan nào, đơn vị nào vi phạm. Nếu không chỉ ra được, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội với vai trò là người đứng đầu cơ quan quản lý thu-chi ngân sách”, ông Phước nhấn mạnh.

(Theo Mạnh Bôn / Đầu tư)

No comments:

Post a Comment