Friday, July 25, 2014

Trung Quốc lo sợ trước “Quyền tự vệ tập thể” của Nhật

(Baodatviet) - Vừa qua, Tokyo đã xóa bỏ những chế ước về “Quyền tự vệ tập thể”, cởi trói cho lực lượng tự vệ Nhật Bản, khiến Trung Quốc hết sức lo ngại.
Hội nghị Nội các Nhật Bản ngày 1 tháng 7 đã thông qua nghị quyết quyết định sửa đổi hiến pháp, dỡ bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể”, phủ quyết "3 điều kiện thực thi quyền phòng vệ" mà Nội các Nhật Bản luôn tuân thủ trước đây, và cho ra đời "3 điều kiện sử dụng vũ lực" mới, tạo nền tảng để Nhật Bản thực hiện “Quyền tự vệ tập thể”.
Nhật sẽ tái hiện chiến thuật “Tấn công phủ đầu”?
Căn cứ vào pháp luật hiện hành của Nhật Bản, biện pháp ứng phó khi hải đảo bị xâm chiếm, chỉ có thể do Cục bảo vệ an ninh trên biển Nhật Bản thực hiện trong phạm vi quyền lực của cảnh sát, vũ khí được sử dụng bị hạn chế.
Sau khi xóa bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể”, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ có những thay đổi sâu sắc gì? Khi đó, SDF Nhật Bản hoàn toàn có quyền can thiệp vào vấn đề tranh chấp hải đảo với các nước lân cận và có thể sẽ áp dụng các hành động cứng rắn và cương quyết hơn.
Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, tới đây SDF có thể sẽ mang tính tấn công nhiều hơn, khả năng đổ bộ tầm xa sẽ trở thành trọng điểm phát triển của Tokyo trong tương lai, SDF có khả năng sẽ áp dụng các hành động quân sự mạo hiểm hơn, thậm chí có thể tấn công phủ đầu khi xảy ra xung đột quân sự.
Hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản ngày 1 tháng 7 đưa tin, sau khi “Quyền tự vệ tập thể” được cho phép, mặc dù bản thân không bị tấn công, nhưng Nhật Bản cũng có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn các đòn tiến công vào đồng minh của mình.
Trong thời gian tới, Lý luận “chuyên về phòng vệ”, được xây dựng trên cơ sở của điều 9 trong Hiến pháp có thể sẽ bị "xếp xó". Hơn nữa "3 điều kiện sử dụng vũ lực" mới, được đặt ra nhằm ngăn chặn việc lạm dụng “Quyền tự vệ tập thể” cũng vô cùng trừu tượng, giới hạn cho phép sử dụng vũ lực rất mơ hồ.
Biên đội tàu chiến Mỹ - Nhật hành trình trên biển
Biên đội tàu chiến Mỹ - Nhật hành trình trên biển
Một chuyên gia quân sự giấu tên của Trung Quốc cho biết, SDF của Nhật Bản trước đây chủ yếu được chỉ đạo xây dựng dựa trên nguyên tắc chuyên về phòng vệ, nhưng sau khi “Quyền tự vệ tập thể” được thi hành, rất có thể “Tiên phát chế nhân” sẽ trở thành nguyên tắc vận dụng chiến thuật trong chiến lược quân sự mới của SDF.
Trên thực tế, trong lịch sử chiến tranh cận đại, Nhật Bản luôn chú trọng đánh phủ đầu, đột kích bất ngờ. Chiến tranh Giáp Ngọ (Chiến tranh Nhật-Thanh), trận hải chiến Nga-Nhật, cuộc đột kích Trân Châu Cảng…, Nhật Bản đều có dự mưu từ trước là một đòn “Tiên phát chế nhân”.
Trong lịch sử cận đại, sự mạo hiểm quân sự đã giúp Nhật Bản có thể “lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh”, gặt hái thành công rực rỡ. Hơn nữa, sau khi xóa bỏ những chế ước về “Quyền tự vệ tập thể”, khả năng Lực lượng tự vệ Nhật Bản sẽ triển khai nước cờ quân sự này là rất lớn.
Nâng cao khả năng tấn công cho quân đội
Khách quan mà nói, phương châm xây dựng SDF Nhật Bản hiện nay chủ yếu vẫn là phòng vệ. So với khả năng phòng vệ, năng lực tấn công của họ vẫn còn thua xa. Về điểm này, Lực lượng tự vệ trên không là thể hiện rõ nhất. Đối với các nước trên thế giới, sức mạnh không quân được biết đến nhờ khả năng tấn công. Nhưng khả năng tấn công mặt đất của Lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản vẫn còn rất hạn chế
Máy bay tiêm kích F-4J mà Mỹ xuất khẩu cho Nhật Bản đã bị "cắt xén" tính năng tấn công mặt đất, còn tiêm kích F-15 thì lại càng "không có tí giá trị nào trong tấn công mặt đất". Hiện nay, tuy Nhật Bản đã nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ F-2 (trên cơ sở F-16) được trang bị chủ yếu để tấn công mặt đất và trên biển, nhưng chủ yếu vẫn phải mang theo tên lửa chống hạm, triển khai tác chiến chống tàu mặt nước là chính.
Máy bay chiến đấu F-2 của Nhật được chế tạo trên cơ sở F-16
Máy bay chiến đấu F-2 của Nhật được chế tạo trên cơ sở F-16
Hiện nay, Lực lượng tự vệ trên không của Nhật Bản vẫn còn thiếu các vũ khí tấn công mặt đất, ngoài tầm phòng không của quân địch, cũng không có tên lửa chống bức xạ để chế áp phòng không. Khả năng tấn công chính xác của Nhật Bản chủ yếu vẫn dựa vào bom dẫn đường vệ tinh thả từ trên không, độ nguy hiểm tương đối cao.
Nhìn chung, khả năng tấn công trên không của quân đội Nhật Bản, thậm chí còn kém xa so với Không quân Hàn Quốc
Cùng với việc thực thi quyền tự vệ tập thể, do nhiệm vụ của SDF được mở rộng, nên tất yếu sẽ phải tăng cường khả năng tấn công. Tuy hiện nay, khả năng này của họ còn kém nhưng với nền tảng khoa học công nghệ và sự cởi trói về cơ chế, điều này đối với Nhật Bản cũng không phải là việc khó.
Trên cơ sở tên lửa chống hạm hiện có, lắp thêm đầu dẫn ảnh hồng ngoại, đầu dẫn vô tuyến, là hoàn toàn có thể nghiên cứu chế tạo ra vũ khí tấn công mặt đất ngoài khu vực phòng không, có độ chính xác cao. Dùng khung thân tên lửa không đối không tầm trung AAM-4, lắp đặt thêm bộ chiến đấu khác vào, cũng có thể nhanh chóng phát triển thành tên lửa chống bức xạ tiên tiến.
Hơn nữa, Lực lượng tự vệ trên biển và mặt đất của Nhật Bản chắc chắn sẽ nâng cao khả năng tác chiến đổ bộ. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ biển đảo của Nhật, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang ngày càng căng thẳng.
Theo nhật báo Asahi Shimbun, 2 lực lượng này đã cử khoảng 800 lính tham gia cuộc tập trận RIMPAC vừa được tổ chức tại Hawaii. Đúng ngày kỉ niệm tròn 60 năm thành lập SDF Nhật Bản (1-7), các thành viên Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản cùng với quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện đánh chiếm đảo tại căn cứ của Hải quân Mỹ ở phía đông đảo Oahu - Hawaii.
Máy bay vận tải C2 của Nhật Bản
Máy bay vận tải C2 của Nhật Bản
Tăng cường phái quân ra nước ngoài, xây dựng năng lực triển khai nhanh
Năm 2001, Mỹ tấn công Afghanistan, Chính phủ Nhật Bản đã cử SDF đến Ấn Độ Dương hỗ trợ các công tác hậu cần, năm 2003 SDF cũng hỗ trợ cuộc chiến tranh Iraq. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể”, ngoại việc Nhật Bản bị xâm lược, khi các quốc gia có quan hệ thân thiết với Nhật Bản bị tấn công vũ trang, SDF cũng sẽ được phép sử dụng vũ lực “tối thiểu cần thiết”.
Hoạt động quét mìn dưới nước của quốc tế được triển khai để bảo vệ các tuyến đường hàng hải cũng có thể được đưa vào phạm vi hoạt động của quyền tự vệ tập thể. Do đó, trong tương lai Nhật Bản có thể sẽ phái quân ra nước ngoài nhiều hơn, điều này thúc đẩy SDF tăng cường phát triển năng lực vận chuyển quân tầm xa lên một tầm cao mới.
Đối với Lực lượng tự vệ trên không, máy bay vận tải C-2 sẽ trở thành trang bị tiếp viện từ xa chủ yếu. Máy bay vận tải C-2 được thiết kế với hành trình bay 5598 km, tải trọng tối đa 30 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa trên 140 tấn. Trước năm 2017, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cần 60 chiếc C-2 để dần dần thay thế các máy bay vận tải lỗi thời C-1 và C-130H.
Ngoài ra, C-2 có thể được cải tiến, để trở thành máy bay AWACS (máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không), phương tiện vận chuyển quân tầm xa của Nhật sẽ không cần phải dựa dẫm vào trang thiết bị của Mỹ.
Hơn nữa, hai tàu đổ bộ tấn công thuộc lớp “Osumi”, hai tàu sân bay trực thăng 16DDH và 1 tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH của Lực lượng Phòng vệ trên biển đều là lực lượng tiếp viện từ xa chủ yếu, việc chế tạo các chiến hạm kế tiếp cũng sẽ được tiến hành nhanh chóng.
Các tàu đổ bộ trực thăng lớp 22DDH ví dụ như DDH-183 Izumo đều tiềm ẩn khả năng mang theo các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 siêu mạnh F-35B. Điều này sẽ giúp SDF vừa có năng lực triển khai quân tầm xa, vừa có khả năng khống chế không phận, vừa có năng lực tấn công sâu vào trong lục địa của đối phương rất mạnh.
Tàu vận tải đổ bộ JS Shimokita (LST 4002)
Tàu vận tải đổ bộ JS Shimokita (LST 4002)
Năm ngoái, Nhật cũng đã có động thái điều chuyển quân tầm xa khi cử biên đội tàu, bao gồm Tàu vận tải đổ bộ LST-4002 Shimokita, tàu khu trục tên lửa Aegis DDG-177 Atago, tàu sân bay trực thăng DDH-181 Hyuga của lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản sang Mỹ tham gia diễn tập “Tia chớp bình minh 2013” (Dawn Blitz 2013) được tổ chức từ ngày 10 - 26/06.
Khu vực diễn tập được tổ chức tại Trại Pendleton, California và đảo San Clemente. Cuộc diễn tập lấy tưởng định là đảo San Clemente bị “kẻ địch hùng mạnh tấn công”, lực lượng tự vệ trên biển của Nhật sẽ phối hợp với hải quân đánh bộ Mỹ, đổ bộ đánh chiếm đảo. 
Trong đó, Nhật-Mỹ sẽ phối hợp thực hiện chiến lược “Mỹ tái chiếm – Nhật chốt giữ”. Quân đội Nhật cũng thao diễn khả năng đổ bộ lên bãi biển và đổ bộ vào tung thâm bằng trực thăng vận, trong điều kiện được chi viện hỏa lực của các tàu chiến trên biển. Máy bay trực thăng vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 Osprey của Mỹ cũng lần đầu tiên thực hành cất, hạ cánh trên tàu sân bay trực thăng Hyuga của Nhật.
Khoa mục diễn tập bắn đạn thật này đã vượt xa so với các cuộc diễn tập trước theo mô hình “đảo nhỏ, tấn công quy mô nhỏ”, chỉ sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt, bước vào phạm vi của một cuộc đổ bộ tấn công quy mô lớn, hiệp đồng quân, binh chủng. Nó biểu lộ rõ ràng là Nhật đã chuẩn bị khả năng tấn công tái chiếm đảo từ trước đây rất lâu.
Cuộc diễn tập lần này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì một mặt nó nâng cao khả năng tác chiến độc lập cho quân đội Nhật, mặt khác nó giúp quân đội nước này làm quen với những áp lực khủng khiếp trong đổ bộ đánh chiếm, tái chiếm đảo quy mô lớn để chuẩn bị sẵn tinh thần cho một cuộc chiến cam go bảo vệ Senkaku với lực lượng hùng mạnh của quân đội Trung Quốc.
Dự kiến trong tương lai không xa, Nhật Bản sẽ trở thành một trong những quốc gia có lực lượng chi viện, tác chiến tầm xa mạnh nhất Châu Á.

Thanh Tâm

No comments:

Post a Comment