Friday, July 25, 2014

Bộ, ngành nhận trụ sở mới phải trả ngay "đất vàng"



(Tin tức thời sự) - Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác...

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm siết chặt kỷ cương trong quản lý trụ sở, công sở.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay còn nhiều cơ quan gặp khó khăn về nơi làm việc, phải đi thuê thêm diện tích làm việc, một số cơ quan phải di chuyển theo quy hoạch. Trong khi đó, một số cơ quan đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ lại cơ sở nhà, đất cũ, làm cho công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc chưa hiệu quả, gây lãng phí đất đai, tài sản.
Trụ sở mới của Bộ KH&CN
Trụ sở mới của Bộ KH&CN
Vì vậy, Dự thảo Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi hoàn thành việc xây dựng và chuyển ra trụ sở mới phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Bộ Tài chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý; đối với các cơ quan thuộc địa phương phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho cơ quan tài chính để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phương án xử lý.
Dự thảo nêu rõ, nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác (kể cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý) khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Những năm gần đây, Chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ đồng xây mới trụ sở cho nhiều bộ, ngành nhằm giảm tải giao thông cho nội đô. Tuy nhiên nhiều bộ, ngành khi có trụ sở mới vẫn “ôm” trụ sở cũ.
Trong Công văn số 2356/QHKT-P8 ngày 15/8/2012 về việc “Báo cáo công tác triển khai di dời một số trụ sở các cơ quan và bộ, ngành T.Ư ra ngoài nội đô TP Hà Nội”, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong tổng số 28 cơ quan bộ, ngành thuộc khu vực nội đô Hà Nội được xem xét di dời thì đã có 8 cơ quan thực hiện chủ trương di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới; 11 cơ quan đã đề xuất được di dời.
Theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quỹ đất từ trụ sở cũ của các bộ, ngành sau khi di dời sẽ được chuyển đổi chức năng sử dụng cho phù hợp với định hướng quy hoạch chung của Thành phố.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều cơ quan như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ, Công an, Nội vụ... tuy đã chuyển sang trụ sở mới hàng năm trời nhưng trụ sở cũ vẫn chưa được trả lại cho thành phố Hà Nội.
Ông Đỗ Đức Duy- Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, việc chuyển đổi mục đích của các trụ sở Bộ, ngành sau khi di dời phải tuân thủ theo quy hoạch và trên nguyên tắc đảm bảo các yếu tố, yêu cầu về quản lý quy hoạch kiến trúc, về hạ tầng kĩ thuật cũng như công năng, mục đích sử dụng để đảm bảo hợp lí cho sự phát triển bền vững của các khu vực nội đô có các cơ quan, trụ sở này.
Nếu cơ quan nào đó sử dụng không đúng thì phải điều chỉnh. Chính quyền đô thị, UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng của Thành phố phải quản lý, sử dụng đảm bảo theo đúng quy hoạch và đúng quy chế quy hoạch kiến trúc của Thành phố.
Trong khi đó, ông Phan Đăng Long - Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: "Hầu hết các ngành tại Hà Nội sau khi đã di dời trụ sở đều không muốn bàn giao lại trụ sở cũ". Đó cũng chính là lý do, cho tới nay Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết được vấn nạn ùn tắc, đông đúc, cảnh quan nhếch nhác trong khu vực nội đô.
Thái An (Tổng hợp TTO/Báo GTVT)

No comments:

Post a Comment