(Tin tức thời sự) - "Nếu vì dân, EVN hoàn toàn có thể điều tiết được để vào mùa mưa lũ thủy điện tham gia giảm lũ, cắt lũ".
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã nói như vậy trước thông tin đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói thẳng với chính quyền địa phương và người dân tỉnh Phú Yên là: “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”.
Phát biểu này được đưa ra tại cuộc họp của đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp đã tới kiểm tra công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện tại tỉnh Phú Yên trên hệ thống sông Ba mới đây.
Thủy điện không thể vô can!
Dù không ngồi tham dự cuộc họp song khi nghe thông tin này ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên tỏ ra rất bức xúc.
Trao đổi với Đất Việt, ông Tâm cho rằng: Mọi thứ phải hài hòa các lợi ích, việc phát điện là lợi ích quốc gia nhưng nước sinh hoạt cho dân cũng phải đảm bảo và thủy điện phải tham gia giảm lũ, tránh lũ chồng lũ cũng là nhiệm vụ quan trọng phải làm. Không được thiên về bên nào.
"Nếu nói đừng mong chờ gì ở thủy điện là vô trách nhiệm. Đã làm thủy điện về nông nghiệp dân đã chịu thiệt, trước hết ngành nông nghiệp mất rừng, hy sinh rừng để phục vụ thủy điện nhưng nếu như tiếp tục không chăm lo đến nước sinh hoạt, nước tưới cho nông nghiệp là không được!
Thủy điện cũng không thể vô can khi mùa lũ về. Quan điểm này thông suốt từ Thủ tướng xuống các ngành. Việc thủy điện tham gia cắt lũ, Thủ tướng đã chỉ đạo tất cả các hồ chứa kể cả thủy lợi và thủy điện thì điều đầu tiên là phải lo nước sinh hoạt cho dân. Thứ hai là sản xuất nông nghiệp. Nói không hy vọng là không được, nếu thủy điện xả lũ gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm", ông Tâm nói.
Hồ thủy điện sông Ba hạ xả lũ với cường độ lớn gây ngập lụt cho vùng hạ du |
Cũng từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ người dân trước thủy điện ông Huỳnh Vạn Thắng bày tỏ sự đồng cảm với địa phương Phú Yên.
Theo ông Thắng: "Nói chấp nhận người dân phải sống chung với lũ là không chấp nhận được.EVN và Bộ Công thương nói như vậy không đúng. Cụ thể là khi khống chế mực nước của hồ thấp thì việc cắt giảm lũ sẽ thực hiện được chứ không phải là không thể. Bởi vì dùng mực nước thấp đến khi lũ về là mực nước trong hồ ở mức bình thường để dùng bụng hồ để chứa nước là có thể cắt, giảm lũ".
"Cho nên về kỹ thuật nói thủy điện không cắt giảm lũ được là không đúng và thể hiện sự vô trách nhiệm với dân. Và khi đó là đang lo cho lợi ích của thủy điện mà không chú ý đến sự an nguy của dân", ông Thắng nhìn nhận.
Ông còn nêu hình ảnh tình hình giao thông hiện nay tai nạn cực kỳ lớn tuy nhiên ngành giao thông vẫn đang cố gắng hạn chế trong tình trạng cao nhất. Trong hoàn cảnh hiện nay đường xá thì cũ, phương tiện giao thông thì phát triển ngày càng nhiều, rồi người dân còn chưa hiểu biết về luật giao thông. Tất cả điều này khiến cho tai nạn giao thông ngày càng nhiều, song ngành vẫn tìm mọi cách để nỗ lực giảm, hạn chế tai nạn. Ví dụ như tuyên truyền, áp dụng các biển báo…
"Nếu không quyết tâm làm, ngành giao thông có thể buông ra một câu dựa trên hoàn cảnh rằng: “người dân phải sống chung với tai nạn giao thông” hay sao?", ông Thắng đặt câu hỏi.
Thủy điện không có hồ chứa phòng lũ?
Theo ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện,Tổng cục Năng lượng cho biết: Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Ba đã xem xét vấn đề cắt giảm lũ cho hạ du nhưng do vấn đề địa hình, độ dốc và tính khả thi của các dự án, không thể xây dựng hồ chứa có dung tích lớn để cắt lũ cho hạ du. Vấn đề chống lũ đã được thực hiện theo quy hoạch, đã xem xét cụ thể từ tình hình thực tế, chứ không phải quy hoạch có mà trong quá trình triển khai lại không thực hiện.
“Nhiệm vụ của các dự án thủy điện trên sông Ba chỉ có thể giảm lũ. Trong quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt cũng là nhiệm vụ giảm lũ chứ không phải cắt được lũ. Vấn đề này được xác định từ khi nghiên cứu quy hoạch chứ không phải dự án có đề cập mà không làm”, ông Quân khẳng định.
Bà Đặng Thị Lành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên thừa nhận: đúng là với sông Ba hạ hồ không có dung tích phòng lũ.
"Nhà nước đã cho đầu tư như thế mà mức lũ của sông Ba cắt lũ 1-2m trước khi xả lũ không có ý nghĩa gì. Chỉ cần mưa 100-200ml trong chừng 3-4 tiếng đồng hồ sau thì mực nước trở về như bình thường ngay. Do công trình không có mục đích phòng lũ cộng với độ dốc của miền Trung thời gian cắt giảm lũ không nhiều được như vùng khác. Thực tế đúng là như thế. Không có cách nào khác", bà Lành nói.
Tuy nhiên ông Thắng phân tích: Khi lập dự án thủy điện luôn luôn nêu sẽ tham gia cắt lũ nên việc được phê duyệt rất nhanh. Song khi vào thiết kế thì họ không chú ý đến việc cắt, giảm lũ. Hõ sẽ thiết kế theo dạng có lợi về công trình, đầu tư thấp cho nên họ sử dụng van cung để điều tiết nên không có dung tích giảm cắt lũ.
Mặc dù trong hoàn cảnh này nếu thực sự vì dân các cơ quan chức năng vẫn làm được. Ví dụ việc cảnh báo lũ phải càng báo sớm càng tốt.
"Phải tăng cường cho thủy điện phát công suốt cực lớn vào mùa lũ (hết công suất) và tính tiền cho họ 24/24h. EVN hoàn toàn có thể điều tiết được, vào mùa mưa lũ cho thủy điện phát hết mức, giảm phía nhiệt điện đi chứ không thể nói là không làm được", ông Thắng khẳng định.
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment