TP - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau giai đoạn đổi mới và mở cửa kinh tế, đến nay Việt Nam đã phát triển tới “ngưỡng” của cải cách kinh tế. Nếu không có đột phá, Việt Nam sẽ mãi như hiện nay. Do vậy, cần những cải cách đột phá để vượt qua ngưỡng này.
Cần cải cách đột phá để phân bổ lại nguồn lực xã hội (ảnh: Một nhà máy của Vinashin tại Hải Dương). Ảnh: Phạm Anh
“Phải quản, phải quản và phải quản”
Tại buổi tham vấn về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), diễn ra sáng 24/7, TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đã kể câu chuyện trong buổi gặp giữa Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (chiều 23/7).
Trước câu hỏi tại sao nhóm nghiên cứu Tony Blair lại chọn Việt Nam mở văn phòng và hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu cải cách kinh tế? Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trả lời rằng: Hiện, cải cách kinh tế của Việt Nam đã tới giai đoạn “ngưỡng” của cải cách cần vượt qua. Tuy nhiên, muốn vượt qua ngưỡng này rất khó, thực tế không ít quốc gia đã không vượt qua nổi. Tôi thấy Việt Nam đã tới ngưỡng đó, và Việt Nam có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để vượt ngưỡng này.
“Người nước ngoài đã nhìn thấy thực trạng của Việt Nam. Để vượt qua phải tái cơ cấu kinh tế và tháo những nút thắt thể chế, đây là những thách thức cho giai đoạn cải cách này. Tuy nhiên, để vượt qua nút thắt phải có đột phá”, TS Cung nói.
Ông dẫn chứng hàng loạt nút thắt, những cản trở phát triển doanh nghiệp (DN). Như có “9 không” trong các quy định của pháp luật về kinh doanh (như không cụ thể, rõ ràng, hệ thống, hợp lý, minh bạch, hiệu quả, hiệu lực…); đã 10 năm qua chẳng những không giảm còn tăng thêm về mức độ. Thậm chí, có chuyên gia nói rằng, với “9 không” đó, có bỏ hết quy định cũng chẳng sao.
Hay như hệ thống quy định ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hiện CIEM đang rà soát để ban hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo TS Cung, mới thống kê tên ngành nghề và điều kiện kinh doanh đã mất hơn 1 kg giấy.
“Nếu thống kê hết chắc phải tính bằng mét khối, cũng phải tới nửa khối văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như mạng nhện, tháo gỡ thế nào là cả vấn đề”, ông Cung nói.
Rồi cơ chế xin - cho, người cho ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng xin được. Nếu không xin được là mất cơ hội kinh doanh, khiến không ít DN bỏ cuộc giữa chừng. Suy nghĩ của cán bộ cũng cần thay đổi, đặc biệt trong lúc khó khăn, nhưng cơ quan quản lý lúc nào cũng nghĩ “phải quản, phải quản và phải quản”. Còn cách nghĩ “tạo thuận lợi, tạo thuận lợi và tạo thuận lợi” lại rất ít.
“Bối cảnh hiện nay cần luồng sinh khí mới về kinh tế thị trường để phân bố lại nguồn lực, cơ hội kinh doanh”, ông Cung nói.
Cần DN lớn lên không bằng “ô dù”
Theo TS Nguyễn Đình Cung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp là một trong những bước cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh (theo hướng tự do sinh kế là quyền cơ bản của con người như Hiến pháp đã quy định). Đồng thời, giúp Việt Nam vượt qua ngưỡng phát triển.
Với những thay đổi đột phá, như không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký (kinh doanh), chuyển từ DN được tự do kinh doanh theo đăng ký, sang tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm.
Đồng thời, dự luật mới giúp giảm rủi ro thương mại và pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DN; giảm chi phí giao dịch; tạo điều kiện cho DN tận dụng hết cơ hội và tiềm năng sẵn có của mình để phát triển.
Ngoài ra, tăng thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Những mục tiêu đó được cụ thể hóa thông qua các quy định giảm thủ tục hành chính, như giảm thủ tục thành lập DN từ 10 xuống còn 5 thủ tục; bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư thiểu số (quy định hiện hành đang hạn chế điều này); hạn chế DN nhà nước đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của mình; DN phá sản rút khỏi thị trường dễ dàng, trật tự hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, quy định hiện hành đặt DN vào nhiều rủi ro, cả về kinh tế lẫn pháp lý. Như việc kinh doanh những ngành nghề ngoài giấy phép, khi bị cơ quan quản lý phát hiện, DN ít nhất cũng bị xử phạt hành chính. Nặng hơn, có thể bị ghép vào tội kinh doanh trái phép. Điều đó khiến DN khó làm ăn lớn vì quá nhiều rủi ro.
“Chúng ta cần DN tư nhân lớn, minh bạch bằng tự do kinh doanh để lớn mạnh, không phải lớn lên nhờ bao che đâu đó. Đấy chính là lợi thế của kinh tế thị trường”, TS Cung nói.
Dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đã đưa riêng một chương về DN nhà nước (chương 4), theo hướng công khai, minh bạch như DN kê khai trên thị trường chứng khoán. Theo người đứng dầu CIEM, Quốc hội phải trả lời được câu hỏi: DN nhà nước tồn tại để làm gì, tồn tại ở đâu, giám sát thế nào; Chính phủ cần trả lời những câu hỏi đó với từng DN nhà nước.“Hiện, nhiều người làm chính sách chưa tin dân, sợ dân gian nên kiểm soát ngay từ đầu, lúc nào cũng nghĩ phải quản lý, kiểm soát. Tư duy thị trường là phải tạo thuận lợi, giảm rủi ro, loại bỏ rủi ro của thị trường cho DN phát triển”.TS Nguyễn Đình Cung
Ông Cung cũng lưu ý, không thể để một bộ làm 3 việc: Chủ sở hữu DN, xây dựng chính sách để quản lý DN và giám sát thực thi chính sách đó. Phải tách bạch 3 nhiệm vụ đó mới là thiết lập lại được trật tự thị trường.
“Điều này đã được nói nhiều, nhưng thay đổi không dễ. Đây là quá trình nhà nước phải từng phần xóa bỏ bớt quyền lợi của mình để bước lên tầm cao mới của cơ chế thị trường, không thể giằng co mãi”, TS Cung nhấn mạnh.
No comments:
Post a Comment