(Baodatviet) - Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tuần, giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động bành trướng trên Biển Đông, Hoa Đông.
Những thay đổi lớn tại Malabar
Cuộc tập trận này có tên là Malabar, diễn ra tại vùng biển bắc Thái Bình Dương và có sự tham gia của hải quân cả ba quốc gia. Sau khi tham gia cuộc tập trận Malabar, Ấn Độ sẽ có cuộc tập trận chống khủng bố chung với Mỹ có tên Yudh Abhyas tại Uttarakhand vào tháng 9/2014.
Cả Malabar và Yudh Abhyas là hai hoạt động quân sự lớn mà quân đội Ấn Độ tham gia kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên nắm quyền hồi tháng 5/2014.
Lực lượng hải quân Ấn Độ cử tới theo thông tin từ tờ Times of India, bao gồm khoảng 4 đến 5 tàu chiến và 800 quân. Trong đó có một tàu khu trục tên lửa lớp Rajput và một khinh hạm tàng hình lớp Shivalik, đều do Ấn Độ tự sản xuất. Còn lực lượng tham gia của Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa được thông tin.
Khinh hạm tàng hình lớp Shivalik của Ấn Độ |
Năm 2007, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia tập trận chung Malabar cùng với ba quốc gia khác là Singapore, Úc và Mỹ tại vịnh Bengal nằm ở Ấn Độ Dương, rất xa so với bờ biển Trung Quốc. Năm 2009, cuộc tập trận chỉ có hai quốc gia tham gia là Ấn Độ và Mỹ. Năm 2014 này, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm cuộc tập trận Malabar có sự tham gia của quân đội của nước thứ ba.
Khác với những Malabar của năm cũ, lần tập trận này, địa điểm được lựa chọn sát với biển Hoa Đông, khu vực đang diễn ra tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Liên minh xuyên đại dương đang hình thành?
Cuộc tập trận này dù là một hành động thường niên và được lên kế hoạch từ trước, nhưng nó được diễn ra trùng vào thời điểm Trung Quốc vừa tập trận rầm rộ tại vùng biển phía Đông, đối diện với Nhật Bản đã cho thấy nhiều ẩn ý mà các quốc gia tham gia tập trận muốn gửi đến.
Nhìn vào thành phần tham gia cuộc tập trận này và địa điểm diễn ra, có thể nhận thấy ý đồ đáp trả rất rõ ràng mà Mỹ và đồng minh Nhật Bản muốn gửi gắm tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc lôi kéo được Ấn Độ đứng vào hàng ngũ này đã cho thấy sự tiến triển trong mối quan hệ xuyên đại dương của Mỹ.
Thực tế, từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, Thủ tướng Narendra Modi đang theo đuổi một chính sách ngoại giao kiểu mới, trong đó dù không công khai đối đầu với Trung Quốc, thậm chí vẫn theo đuổi nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nhưng đã rạch ròi giữa kinh tế và chủ quyền.
Bởi lẽ, hai cường quốc châu Á này luôn tồn tại những mâu thuẫn trong vấn đề biên giới trên bộ. Vừa qua, tấm bản đồ 10 đoạn của Trung Quốc được công bố bao gồm cả một phần lãnh thổ của Ấn Độ đã khiến New Dehli nổi giận.
Tàu khu trục tên lửa lớp Rajput của Ấn Độ |
Nhiều nhà phân tích đã chia sẻ trên tờ Wall Street Journal về việc Thủ tướng Modi đang nỗ lực định hình một môi trường chiến lược mới, trong đó có việc xây dựng một khả năng phòng vệ tập thể. Ngay từ khi lên nhậm chức, ông Modi đã lựa chọn Nhật Bản là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.
Nhìn vào cách mà ông Modi ngoại giao, có thể thấy rằng nhà lãnh đạo này đang chơi một chính sách nước đôi, vừa thân Trung Quốc trong quan hệ kinh tế, vừa thân Nhật Bản trong những mối quan hệ kinh tế, địa chính trị, quân sự… Đây là một chiến lược ngoại giao rất thông minh, thể hiện sự tự tin và chủ động của Ấn Độ trong bối cảnh đầy phức tạp của khu vực.
Trong khi đó, Nhật Bản vừa thông qua việc cho phép quân đội tham gia vào một cuộc chiến với nước ngoài để bênh vực đồng minh và bảo vệ lợi ích. Quyền phòng vệ này phù hợp với những gì mà ông Modi theo đuổi, trong bối cảnh cả hai quốc gia cùng có mâu thuẫn với Trung Quốc và luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Đặt ra giải thiết, Ấn Độ phá bỏ quy tắc không liên minh quân sự và đứng chung một chiến tuyến với Nhật Bản, cục diện khu vực sẽ có những thay đổi sâu sắc. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ là người chịu tổn thất nặng nề trong trường hợp này. Bởi hai phía tây, đông của Trung Quốc đều bị hai gọng kìm Ấn – Nhật siết chặt.
Hải quân Ấn Độ tập trận chống khủng bố và cướp biển |
Đặt liên minh ấy vào chuỗi đảo mà Mỹ gây dựng được trong chiến lược chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương sẽ tạo thành một vòng khép kín hoàn hảo để cô lập Trung Quốc. Khi từ đông sang Tây có thể kể tên: Ấn Độ - Úc – Philippines – Hàn Quốc – Đài Loan – Nhật Bản. Đường ra biển của Trung Quốc, giấc mơ Trung Hoa của họ hoàn toàn tỉnh mộng từ đây.
Nhưng để hiện thực hóa giả thiết vừa đề ra, mấu chốt vấn đề là quyết sách của Ấn Độ. Thực tế, cả Nga và Mỹ đều đang ra sức tranh giành sự ủng hộ của New Dehli, tuy nhiên, sẽ chỉ có một người thắng lợi trong cuộc kéo co đó. Đứng về phía Nga đồng nghĩa với việc đối đầu với Mỹ, chung hàng ngũ với Trung Quốc, mà điều này gần như không thể thành hiện thực khi mâu thuẫn giữa hai quốc gia này ngày càng lên tới đỉnh không thể hóa giải.
Còn đứng về phía Mỹ, có lẽ chưa đến thời điểm thích hợp, nhưng không sớm thì muộn, Ấn Độ sẽ phải hạ quyết tâm, bởi Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng của mình.
Những hành động ngang ngược, bất chấp của Bắc Kinh sẽ khiến tức nước vỡ bờ, đẩy Ấn Độ về phía Mỹ và đồng minh. Tất cả chỉ còn chờ thời gian.
Đỗ Phong
No comments:
Post a Comment