Friday, July 25, 2014

Úc nên hối thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền ?


Human Rights Watch (HRW).© Reuters
RFI-Thanh Phương
Thứ sáu 25 Tháng Bẩy 2014
Nhân cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 11 giữa Úc và Việt Nam tại Hà Nội ngày 28/07/2014, tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Canberra thúc ép Hà Nội tôn trọng nhân quyền. Cuộc đối thoại nhân quyền lần tới giữa Úc và Việt Nam sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên với Hà Nội của chính phủ của thủ tướng Tony Abbott, kể từ khi ông lên nhậm chức.

Trong bản thông cáo đưa ra ngày hôm qua, 24/07/2014, tổ chức Human Rights Watch (HRW) cho rằng Úc cần sử dụng cuộc đối thoại này để thúc ép chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện cụ thể và có thể đo lường được về mặt nhân quyền. Những cải thiện đó phải bao gồm các hành động như nhanh chóng trả tự do cho toàn bộ tù nhân chính trị và chấm dứt việc hạn chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo.
Trong bản thông cáo, HRW nhắc lại chính bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã tuyên bố rằng các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền là cơ chế quan trọng để chuyển tải các quan ngại về nhân quyền của Úc một cách thường xuyên và có hệ thống, đồng thời là dịp để trao đổi thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm.
Trong bản phúc trình dài 7 trang gởi đến bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, tổ chức Human Rights Watch khuyến nghị Úc cần thúc ép chính phủ Hà Nội đạt được những tiến bộ trong ba lĩnh vực chính được quan tâm nhiều nhất: tù chính trị, cản trở quyền tự do tôn giáo và cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện ma túy.
HRW nhắc lại là hiện có khoảng 150 đến 200 nhà hoạt động và blogger đang phải ngồi tù ở Việt Nam chỉ vì đã hành xử các quyền cơ bản của họ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho một số tù nhân chính trị, trong đó có Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lư Văn Bảy, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi.
Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, có thêm ít nhất 14 nhà hoạt động hoặc những người phê phán chính quyền bị kết án tù, trong đó có các blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào.  Tháng 5/2014chính quyền đã bắt thêm một blogger nổi tiếng nữa, Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm) và trợ lý, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, rồi truy tố họ theo điều 258 của bộ Luật Hình sự về tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước.”
HRW cũng nhắc lại rằng trong năm 2013, Việt Nam đã áp dụng những điều luật hà khắc như “tuyên truyền chống Nhà nước” (điều 88 bộ Luật Hình sự); “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87); và “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” (điều 258) để truy tố và bỏ tù ít nhất 65 blogger và nhà hoạt động ôn hòa.
Trong bản thông cáo, bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách nước Úc của HRW, tuyên bố: “ Ngoài việc đối thoại với các nước phương Tây, chính quyền Việt Nam cũng cần đối thoại với chính các công dân của mình, dù các ý kiến của họ có khác ý chính quyền, thay vì cứ bắt giữ và bỏ tù để buộc họ im tiếng”.
Theo bà Pearson, “chính quyền Việt Nam cần nhận thấy rằng không thể giải quyết các vấn nạn to lớn về chính trị và xã hội của đất nước bằng việc bỏ tù những người chỉ trích chính quyền.”

No comments:

Post a Comment