(Baodatviet) - Nhật không muốn đối đầu với Trung Quốc nhưng sẵn sàng “đáp trả cứng rắn” nếu Trung Quốc gây rối ở vùng biển tranh chấp giữa hai nước.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington của Mỹ ngày 11/7 (giờ địa phương), Bộ trưởng Onodera tuyên bố Nhật không muốn đối đầu với Trung Quốc và cánh cửa đối thoại cho hai bên luôn luôn mở.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm gây rối trật tự bằng vũ lực, chúng tôi kiên quyết xử lý hành động đó ngay lập tức. Chúng tôi không chấp nhận thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) và người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera tại Washington ngày 11/7. |
Ông khẳng định: “Giải pháp hòa bình cho những khác biệt sẽ bảo vệ hòa bình và ổn định không chỉ cho Nhật mà còn cho cả Mỹ, Trung Quốc cũng như các đối tác khu vực và cả thế giới”.
Bộ trưởng Onodera còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển hòa bình và phồn thịnh. Đó là lý do tại sao Nhật không chấp nhận thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Chiến lược này là phần trọng tâm trong chính sách quốc phòng và an ninh của Nhật”.
Trong bài phát biểu được đăng trên website của CSIS, ông Onodera còn khẳng định một liên minh mạnh có thể ngăn chặn những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực cũng như các cuộc xung đột bất ngờ.
Bộ trưởng Onodera cam kết Nhật sẽ đóng vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và sự phồn thịnh của khu vực thông qua việc thắt chặt quan hệ với Mỹ, tiến tới hợp tác ba bên với Úc, Hàn Quốc và đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đưa ra những tuyên bố trên trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà giới quan sát cảnh báo có nguy cơ dẫn đến xung đột.
Song song đó, Trung Quốc ngày càng có hành động khiến căng thẳng biển Đông leo thang, đe dọa hòa bình khu vực, với hành động gần đây nhất là hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam vào tháng 5/2014.
Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã liên tiếp có những hành động cứng rắn, cho thấy sức mạnh của mình đối với Trung Quốc.
Mới đây, Nhật Bản đã có một bước ngoặt lịch sử khi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp, để cho phép lực lượng vũ trang giúp các đồng minh trong một số hoàn cảnh cụ thể.
Tokyo tuyên bố sự thay đổi này là cần thiết, giúp đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách an ninh kể từ khi Nhật Bản thiết lập lực lượng phòng vệ thời hậu Thế chiến II cách đây 60 năm.
Theo các quy định mới, hoạt động phòng thủ của Nhật Bản có thể được mở rộng theo nhiều viễn cảnh khác nhau. Một trong số đó là yểm trợ cho các lực lượng Mỹ bị tấn công xung quanh Nhật Bản, hợp tác về quân sự với Mỹ để bảo vệ các công dân Nhật gặp nguy hiểm ở nước ngoài, cử quân đội đi bảo vệ sự tiếp cận các nguồn cung năng lượng hoặc tham gia quét phá mìn khi xung đột trên biển làm gián đoạn tuyến hàng hải quan trọng đóng vai trò sống còn với Nhật Bản.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi gắn với các diễn biến mới đây tại Biển Đông và Hoa Đông, nơi nhiều nước đang phải đối phó với tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng của Trung Quốc qua việc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng như căng thẳng hiện nay trên Biển Đông khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hơn nữa, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc ban hành luật mới về hợp tác Mỹ-Nhật toàn diện, trong đó có cả phương án đối phó như thế nào trong trường hợp bán đảo Triều Tiên rơi vào một cuộc chiến.
Điều này đồng nghĩa với việc Tokyo dự kiến sửa đổi phương hướng hợp tác phòng vệ Mỹ-Nhật.
Phương hướng hợp tác mới về phòng vệ giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ thay thế luật về tình hình xung quanh, trong đó có nội dung Tokyo đóng vai trò là hậu phương cho Mỹ trong chiến sự trên bán đảo Triều Tiên.
Với việc thông qua nghị quyết diễn giải lại Hiến pháp để khôi phục “quyền phòng vệ tập thể”, vai trò hậu phương này của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được mở rộng hơn so với hiện nay.
Bên cạnh đó, Nhật lại tiếp tục có những động thái siết chặt xung quanh Trung Quốc.
Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm lịch sử tại Úc (Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Úc kể từ năm 2002) chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản gỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 60 năm qua, cho phép thực thi quyền “phòng vệ tập thể”.
Theo báo Yomiuri, Tokyo và Canberra đang xem xét ký một thỏa thuận song phương nhằm tạo điều kiện cho quân đội Úc đến thăm và tập trận ở Nhật. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh song phương để từ đó tiến tới đàm phán ký kết Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA).
Nếu được ký, VFA sẽ cho phép bỏ qua việc kiểm tra hải quan đối với những thiết bị, khí tài mà Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) và quân đội Úc mang vào nước kia. Hiệp ước còn cho phép xe tăng cũng như các loại xe quân sự khác của Úc vận hành trên các con đường ở Nhật.
Như vậy, khi "mối họa" Trung Quốc đang rình rập bên ngoài, Nhật Bản đã sẵn sàng mở rộng cửa đón Úc, như đã làm đối với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản.
Ngay cả đối với Triều Tiên, đồng minh thân cận của Trung Quốc, Nhật Bản cũng tìm cách lấy lòng khi nới lỏng biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhân lúc mối quan hệ Trung-Triều đang "cơm không lành, canh không ngọt".
Chủ Nhật, 13/07/2014 06:24
Thảo My (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment