Sunday, July 13, 2014

Giới chuyên gia: Mỹ - Trung vẫn không tin tưởng nhau

Phái bộ hai nước Mỹ-Trung trong bàn hội hội đàm cấp cao giao lưu nhân văn Mỹ-Trung lần 5 ở Bắc Kinh hôm 10-7 ở Bắc Kinh  Ảnh:Reuters

TTO - Dù truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Đối thoại chiến lược an ninh kinh tế lần 6 Mỹ - Trung đã có những bước tiến tích cực nhưng giới chuyên gia lại cho rằng những cuộc thảo luận tại hội nghị này cho thấy “sự ngờ vực” giữa hai quốc gia này đang ngày càng lớn hơn.


Nhiều nhà quan sát nhận định cả Washington và Bắc Kinh đều đang nhận thấy rằng họ ngày càng “khó thích ứng với nhau hơn” dù họ đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao trong thời gian qua. 
Trong những dịp này lãnh đạo hai bên đã nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế xung đột và thể hiện ý định tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự và các vấn đề về biến đổi khí hậu.
Song, giới chuyên gia cảnh báo “sự ngờ vực” đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn và những căng thẳng mới có thể dễ dàng xuất hiện bất cứ lúc nào.
“Quan chức hai nước đã đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề “then chốt" khi gặp nhau nhưng lại không thuyết phục được nhau về những khuynh hướng “chiến lược” của mỗi bên. “Biểu hiên của hai bên cho thấy họ không thể thay đổi quan điểm của mình về nhau”- BáoSouth China Morning Post dẫn lời giám đốc trung tâm quan hệ Mỹ-Trung tại đại học Thanh Hoa, Tôn Triết cho biết.
Theo ông Tôn, dù những bất đồng không thể leo thang thành đối đầu nhưng Trung Quốc không tin tưởng Mỹ khi Washington đang có khuynh hướng ủng hộ quân sự với các đồng minh ở châu Á. Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với Washington nhưng đồng thời cũng chuẩn bị sẵn kịch bản “chiến đấu” chống lại nước này. “Rất khó có chuyện hai nước trở thành đối tác của nhau xét về khía cạnh an ninh chiến lược. Biển Đông là nơi chứa đựng căng thẳng tiềm tàng vì cả hai nước đã tăng cường sự liên quan của mình ở khu vực Đông Nam Á”- ông Tôn nói.
Trong khi đó,nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh Duyệt Cương cho rằng Mỹ-Trung nên có cơ chế thông tin cũng như qui định chung nhằm ngăn chặn các cuộc đối đầu lớn trên biển giữa hải quân hai nước. Cơ chế này bao gồm hệ thống cảnh báo về thời gian và địa điểm các cuộc diễn tập quân sự vì nguy cơ đối đầu giữa hai hải quân hai nước có thể xảy ra thường xuyên hơn do Trung Quốc bành trướng sức mạnh hải quân của mình trong khu vực biển Thái Bình Dương.
Trang web Bộ ngoại giao Mỹ cho biết dù Trung Quốc luôn khẳng định nước này không có kế hoạch gộp Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng Washington quan ngại rằng Bắc Kinh đã xây dựng cấu trúc an ninh dựa trên cơ sở khái niệm “Một châu Á cho người châu Á”. Bằng chứng, liên quan đến những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế thì ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đáp lại rằng “Mỹ nên giữ thái độ vừa phải”.
Graham Webster, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của trường luật thuộc đại học Yale của Mỹ nhận định cả hai nước có những lý do bắc buộc để giải quyết những bất đồng vì Mỹ và Trung Quốc có những lợi ích chung hơn là xung đột. Song, nguy cơ căng thẳng leo thang vẫn hiển hiện giữa Mỹ và Trung Quốc một khi hai nước này vẫn còn mất lòng tin về vấn đề an ninh mạng. “Cả hai quốc gia đều cần một khu vực châu Á- Thái Bình Dương hòa bình và một nền kinh tế thế giới ổn định nếu họ muốn đất nước mình thịnh vượng.” - ông Webster nhận định.
13/07/2014 10:56
MỸ LOAN

No comments:

Post a Comment