Sunday, July 13, 2014

Đảo lộn đồng minh

Nga đang hâm nóng quan hệ với cựu thù Trung Quốc. Trung Quốc chìa tay về phía Hàn Quốc trong khi Nhật Bản tỏ ra cởi mở hơn với Triều Tiên. Chưa bao giờ quan hệ đồng minh ở châu Á lại đảo lộn đến vậy.

Tất cả là vì tính lợi ích và chủ nghĩa thực dụng, như ông Sreeram Chaulia - phó hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ) - nhận xét: “Đó là mối quan hệ bạn - thù lẫn lộn. Thế giới này đang phức tạp hơn nhiều và không ai dám vỗ ngực nói mình là đồng minh hoàn toàn của ai đó”.

Theo AP, Mỹ càng cố xoay trục thì châu Á càng tự chuyển động theo phương hướng riêng - được điều khiển bởi các nền kinh tế năng động, các mối quan hệ thương mại không ngừng mở rộng và cả những tranh chấp lãnh thổ lẫn thù hận kéo dài.

Mỹ hưởng lợi không ít từ hố sâu Nga - Trung kể từ thời chiến tranh lạnh nhưng theo ông Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, “thế độc tôn của Mỹ ở Âu - Á từ những năm 1990 đã thành quá khứ”.

Về chuyện Nga - Trung xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, ông Trenin bình luận: “Hai nước không thực sự là liên minh và vẫn tồn tại nhiều bất đồng, thậm chí xung đột lợi ích. Nhưng họ cùng thách thức trật tự thế giới mà Mỹ thống trị”.

Thủ tướng Shinzo Abe không lùi bước trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Nhật đối với an ninh khu vực Ảnh: AP
 Thủ tướng Shinzo Abe không lùi bước trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Nhật đối với an ninh khu vực Ảnh: AP

Mang tính đánh đố hơn nhiều là bàn cờ giữa các đối tác thương mại. Tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ qua Triều Tiên để thăm Hàn Quốc - một đồng minh truyền thống của Mỹ - trước?

Nguyên nhân bề mặt là do các nước láng giềng châu Á ngày càng không ưa Trung Quốc vì những hành động quá đáng trên biển Đông và Hoa Đông. Sâu xa hơn, giáo sư chính trị tại Trường ĐH Hồng Kông Willy Lam nhận định gần gũi Hàn Quốc sẽ tiếp sức cho tham vọng tạo dựng một mạng lưới đồng minh mà Trung Quốc giữ vị trí trung tâm, qua đó đương đầu với bộ đôi Mỹ - Nhật.

Ngoài ra, theo ông Christopher Johnson - Chủ tịch bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - Bắc Kinh đang muốn chứng tỏ với Seoul rằng Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là chìa khóa cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Trong khi đó, bất chấp việc Mỹ thể hiện sự ủng hộ ngày càng rõ nét, Nhật Bản đang rất chủ động đi những nước cờ riêng. Lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc kèm theo bế tắc trong quan hệ với Nga, Nhật đang xé rào để tiếp cận Triều Tiên thông qua việc nối lại đàm phán về các công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng kiên quyết “cởi trói” cho quân đội, một bước đi được Mỹ hoan nghênh song qua đó cũng tô đậm quyết tâm không bó gối đợi Mỹ cứu, nhất là khi nhiều nước khác đang mong chờ Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.

Tình hình có phần rối ren ở châu Á là bài toán không dễ giải cho một “tay chơi” lớn khác: Liên minh châu Âu (EU). Sau hơn 50 năm chứng kiến châu Á phụ thuộc vào hệ thống an ninh xoay quanh Mỹ, bắt đầu từ năm 2012, EU tỏ rõ thái độ muốn trở thành đối tác an ninh lâu dài với châu Á.

Trật tự đang biến chuyển ở châu Á và sự hung hăng của Trung Quốc đối với một số nước ASEAN trên biển Đông có thể mở cánh cửa cho EU chen chân vào. Tuy nhiên, lục địa già đang mang vác quá nhiều vấn đề, nặng nề nhất là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bất ổn ở Trung Đông và tình trạng bùng nổ bạo lực ở khu vực châu Phi hạ Sahara.

Điều này khiến EU không đủ lực để tự “xoay trục”. Thay vào đó, theo The Diplomat, EU có thể chọn chính sách “hướng Đông” để củng cố ảnh hưởng với cả Đông Âu và Đông Á. Nhưng tạp chí này cũng cảnh báo đối diện với những diễn biến phức tạp như trên mà không có chiến lược cụ thể sẽ đẩy EU vào cuộc chơi nguy hiểm.
Thứ Bảy, 22:50  12/07/2014
MỸ NHUNG

No comments:

Post a Comment