►Doanh nghiệp cả nước ngoài lẫn trong nước từng “sốt nóng” với điện gió tại Việt Nam...
Với giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 UScent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.
Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo quy hoạch này, tổng công suất nguồn điện gió sẽ đạt 1.000 MW vào năm 2020 (chiếm 0,7% tổng lượng điện cả nước) và 6.200 MW vào năm 2030.
Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, mới có 3 dự án điện gió đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất 52 MW. Hầu hết các dự án còn lại đều đang dừng lại ở mức “báo cáo đầu tư”. Tại nhiều dự án, chủ đầu tư đã bỏ đi...
Đây là thông tin được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Lê Tuấn Phong đưa ra tại một hội thảo về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió ở Việt Nam, do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng tổ chức ngày 10/7.
Bị “chém gió” về điện gió
Nhằm xác định những nguyên nhân cản trở phát triển điện gió, GIZ đã hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành một nghiên cứu. Chuyên gia của GIZ cho biết, trong quá trình nghiên cứu đã thu thập thông tin cơ sở về các dự án điện gió tại Việt Nam từ các bên liên quan, đồng thời phân tích lại khung chính sách và giá mua điện gió.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 UScent/kWh). Vào thời điểm đó, quyết định này là bước ngoặt quan trọng, tạo ra làn sóng ồ ạt xin đầu tư vào điện gió.
Chỉ sau đó một năm, có tới 48 dự án điện gió đã đăng ký, với tổng công suất đăng ký 4.876 MW.
Nhưng, như nghiên cứu của GIZ cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư vào điện gió vì nghĩ rằng làm điện gió vừa dễ vừa lãi nhanh, mà “không hề hiểu biết gì về gió”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi có ý định đầu tư vào điện gió tại Việt Nam, thì thường được các nhà tư vấn “nói quá lên” về tiềm năng gió cũng như triển vọng của dự án. Tuy nhiên, sau khi đo gió thực tế tại vùng triển khai dự án thì chế độ gió lại không đạt, nên nhà đầu tư bỏ đi.
Vào năm 2001, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) từng công bố một nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020.
Đó chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cả nước ngoài lẫn trong nước từng “sốt nóng” với điện gió tại Việt Nam. Thế nhưng, sau quá trình khảo sát, mới biết thực tế tiềm năng điện gió của Việt Nam chỉ bằng chưa tới 2% so với dự tính của WB, và không phải vùng nào cũng xây được nhà máy điện gió.
Nhà đầu tư lỗ nặng
Nghiên cứu tại 3 dự án điện gió đang hoạt động cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1 MW điện gió và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho 1 MW điện gió. Như vậy, với giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 UScent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.
Nghiên cứu của GIZ cũng chỉ ra rằng, hướng đi chưa đúng trong chiến lược phát triển điện gió tại Việt Nam là ưu tiên xây các nhà máy điện gió trên các vùng biển ven bờ. Xây trên biển thì không mất phí sử dụng đất, nhưng chi phí xây dựng cột điện gió từ dưới nước lên cao gấp nhiều lần. Bởi vậy, thực tế điện gió trên bờ sẽ thuận tiện hơn nhờ có cơ sở hạ tầng, nên chi phí sẽ rẻ hơn.
GIZ kiến nghị, thay vì miễn tiền thuê mặt biển cho các nhà đầu tư điện gió theo chính sách hiện hành, nên ưu tiên cấp đất và miễn tiền thuê đất trên bờ ven biển cho các nhà đầu tư điện gió. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng điện gió.
Theo tính toán, để đạt được 1 GW điện gió đến năm 2020, thì cần tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD trong 6 năm. Với mức vốn vay trung bình chiếm 70%, tổng mức đầu tư này sẽ được chia thành: 630 triệu USD vốn chủ sở hữu và 1,47 tỷ USD vốn vay nợ. Bộ Tài chính cũng cần miễn thuế nhập khẩu tua bin, khi mức thuế hiện tại là 10% đã đẩy giá thành xây dựng lên cao.
Về giá bán điện gió cho EVN, GIZ kiến nghị nâng giá lên 10,4 UScent/1 kWh.
No comments:
Post a Comment