Nhà dân ở H.Bắc Trà My tiếp tục bị nứt do động đất - Ảnh: C.T.V |
Đất nổ rền trời
Trận động đất mạnh 2,4 độ Richter xảy vào lúc 17 giờ 16 phút 4 giây ngày 11.7 được ghi nhận là trận động đất thứ 10 xảy ra tại khu vực H.Bắc Trà My chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua. Người dân vùng núi này vốn đã rất quen với những đợt dư chấn, vật dụng trong nhà bần bật rung lên. Và trong suốt 3 năm qua, họ đã “học cách” sống chung với động đất như vùng trũng phải học cách sống chung với lũ lụt. Nhưng nếu trước đây, động đất thỉnh thoảng xảy ra với cường độ khá lớn thì giờ đây, động đất dù nhỏ nhưng lại liên tục, dồn dập đến mức khó chịu. Sự lo lắng của người dân bị đẩy lên đỉnh điểm khi trước đó, vào sáng sớm 8.7, một trận động đất mạnh 3,6 độ Richter kèm rung chấn kéo dài trong khoảng 8 giây khiến nhà cửa chao đảo. Người dân lại nháo nhác tháo chạy ra khỏi nhà rồi nhìn nhau hỏi: “Động đất đã mạnh trở lại?”.
|
So với trận động đất mạnh 4,7 độ Richter từng được ghi nhận, trận động đất vào hôm 8.7 mạnh không kém do độ sâu chấn tiêu nông, chỉ khoảng 6 km. Nhiều người dân mô tả, trước khi căn nhà cùng đồ đạc chao đảo thì lòng đất phát nổ rất dữ dội. “Tôi đang ngồi trong bếp thì nghe dưới chân mình nổ rền. Tựa như ai đó đánh bom, mìn gì đó. Sau đó thì mọi thứ trong nhà rung lên bần bật trong nhiều giây”, bà Lâm Thị Hồng Liễu (50 tuổi, trú tại tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My, H.Bắc Trà My) kể lại. Tiếp xúc với PV Thanh Niên nhiều người dân tại xã Trà Đốc rất lo lắng trước việc động đất xảy ra dồn dập. Đặc biệt, chỉ trong khoảng 10 ngày trở lại đây, các xã nằm xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra 5 - 6 trận động đất vào ban đêm. “Cứ đến giờ ngủ ngon nhất 2 - 3 giờ sáng thì động đất lại xảy ra, đất phát nổ rền trời. Sợ lắm. Thanh niên khỏe mạnh nghe động đất là vùng dậy tháo chạy chứ già cả như tôi, biết chạy đi đâu”, già Phạm Văn Xuân (71 tuổi, người dân tộc Ca Dong, trú tại thôn 1) than thở.
Theo già Xuân, năm 2012, động đất liên miên rồi giảm dần, sau đó động đất có xảy ra cũng khá nhỏ nên người dân quen dần. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lòng đất lại “dậy sóng” khiến cho những ám ảnh về những lần tháo chạy, nhà cửa nứt toác lại quay trở lại.
Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, các trận động đất xảy ra từ tháng 6 đến nay chưa gây thiệt hại gì về tài sản lẫn tính mạng người dân. Những hư hỏng về nhà cửa trước đó cũng đã được khắc phục. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, sau trận động đất vào sáng 8.7, một số nhà dân bị nứt trước đó nay càng nứt rộng thêm.
Chỉ tay vào vết nứt trên tường nhà mình, ông Hồ Văn Sưu, Phó trưởng công an xã Trà Đốc, cho biết trận động đất mạnh 3,6 độ Richter đã làm bức tường toác ra với khoảng cách rộng hơn. “Căn nhà bị nứt trước đó nhưng tôi đã mua xi măng về trám lại. Tuy nhiên, sau trận động đất ngày 8.7, vết nứt này đã bung to hơn với độ rộng lớn nhất gần 2 cm”, ông Sưu nói.
“Có cái gì đó khác ghê lắm”
Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi cho biết mặc dù chưa có thiệt hại gì nhưng chắc chắn những nhà xây cấp 4 hoặc không có cốt thép sẽ xảy ra nứt nẻ. Nhưng điều đáng lo ngại là người dân bắt đầu hoang mang trở lại.
Cũng theo ông Lợi, những trận động đất xảy ra trong khoảng 10 ngày gần đây đã phá vỡ “quy luật” động đất trước đó. Bởi các trận động đất về trước thường xảy ra vào khoảng thời gian từ trưa về chiều tối, trong khi đó, những trận động đất mới đây lại xảy ra vào lúc rạng sáng, tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui và khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Bắc Trà My lo lắng: “Động đất xảy ra với tần suất dày đặc, có ngày 2 trận chỉ trong 1 phút. Động đất xảy ra từ khi có thủy điện tích nước nhưng hiện đang khô hạn chưa từng thấy, mực nước thủy điện cũng chỉ ở 145 m vậy mà lại có động đất đến 3,6 độ Richter. Quy luật động đất cũng khác trước, có cái gì đó khác ghê lắm”, ông Thiệu băn khoăn.
Trước tình hình này, cơ quan phòng chống thiên tai H.Bắc Trà My đã tham mưu UBND huyện này có văn bản kiến nghị các cấp kiểm tra lại diễn biến mới của động đất. “Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với các ngành chuyên môn T.Ư và các nhà khoa học kiểm tra lại tình hình động đất”, ông Thiệu nói.
Dấu hiệu báo có động đất
Động đất tại H.Bắc Trà My được các cơ quan chức năng T.Ư kết luận là động đất kích thích do tích nước thủy điện Sông Tranh 2.
Năm 2012 là năm động đất diễn biến hết sức phức tạp. Đến năm 2013, động đất có chiều hướng giảm dần như kết luận trước đó là động đất kích thích sẽ giảm theo thời gian. Tuy nhiên, năm 2014, động đất lại xuất hiện liên tục khiến người dân bất an. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Bắc Trà My, cho biết vì quá quen với cảnh sống trong chấn tâm nên qua quan sát, ông rút ra một kết luận rằng, cứ có mưa nắng thất thường thì chắc chắn trên địa bàn sẽ có động đất. “Trước khi xảy ra trận động đất hôm 8.7, trên địa bàn xảy ra một trận mưa rất lớn trong khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó thì động đất lớn nhất trong năm xảy ra với cường độ 3,6 độ Richter. Cứ nắng đột ngột chuyển sang mưa hoặc ngược lại thì y như rằng sẽ có động đất”.
|
Hoàng Sơn
No comments:
Post a Comment