Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã khóc khi đón một vị lãnh đạo cao cấp tới thăm và thị sát tình hình khám, chữa bệnh sởi trong những ngày đỉnh dịch.
Những giọt nước mắt ấy và quang cảnh đau đớn trong những phòng bệnh, cũng đã khiến vị lãnh đạo cao cấp rơi nước mắt.
Vị lãnh đạo cao cấp tâm sự: “Giám đốc một bệnh viện lớn mà phải khóc là to chuyện rồi!”.
Có rất nhiều người đã khóc khi “căn bệnh
lành tính” bỗng trở thành đao phủ cướp đi mạng sống bao trẻ thơ và tước
đi niềm hy vọng của cả gia đình.
Có những bà mẹ không còn nước mắt để
khóc trong giờ phút đứa con đầu hàng số phận. Họ đã khóc nhiều ngày khi
cùng thiên thần nhỏ gắng từng hơi thở để giành giật sự sống.
Những ông bố vốn mạnh mẽ, bỗng trở thành
xác không hồn, nước mắt rơi lã chã trên thi thể con đang nguội dần, kết
thúc hành trình ngắn ngủi nơi dương thế.
Dù con cháu không mắc sởi, nhưng bao nhiêu người khác cũng đã khóc, khi nghe những câu chuyện và nhìn những hình ảnh dao cứa ấy.
Một nhà báo già, là Phó Tổng Biên tập
một tờ báo, cũng “muốn khóc to lên” khi nhìn 3- 4 đứa trẻ phải nằm chung
một giường mê man trong sởi.
Nhưng không chỉ có bệnh nhân, người thân mới khóc. Những người thầy thuốc cũng khóc.
Gương mặt đầy lo lắng của một bà mẹ có con đang điều trị sởi. Ảnh: Tuổi trẻ
Trong hành trình ngắn ngủi ở trung tâm
của dịch sởi ấy, vị lãnh đạo cao cấp đã gặp những nữ y tá, điều dưỡng
bóp ống thở tiếp sức hô hấp cho bệnh nhân nhi đến không nhấc nổi cánh
tay (vì bệnh viện thiếu máy thở). Họ cũng khóc vì kiệt sức, vì bất lực.
Ngay sau đó, ông đã chỉ đạo cấp ngay máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia.
BÀI LIÊN QUAN
Có
những y bác sĩ mang bầu, nguy cơ mắc bệnh cao, nhưng vẫn phải đi làm
không ngừng nghỉ. Họ đã khóc cho nghề và khóc cho những số phận.
GS.
TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo Trung
ương kể rằng, khi ông vào thăm viện Nhi trong những ngày dịch sởi, có
ngày các y bác sĩ bệnh viện này phải lấy tới 2.000 mẫu máu xét nghiệm –
một con số khủng khiếp. Nhiều đến nỗi, cuối ngày, bàn tay họ cứng lại
gần như không cử động được và có người trong số họ cũng khóc.
Xã hội luôn cần nước mắt để con người không vô cảm với con người, để đồng loại biết sẻ chia với đồng loại.
Để ngày càng ít đi những giọt nước mắt
đau đớn, tiễn biệt, uất ức, thì những người có trách nhiệm trong xã hội,
dù không biết khóc, cũng phải nuôi dưỡng “nước mắt ở trong lòng” để
thấu hiểu, cảm thông với nỗi đau của bách tính.
Ấy thế mà, có quan chức lại nở nụ cười khi đến thăm “những người đang khóc” tại viện Nhi Trung ương?
Vô ý, vô thức hay vô cảm?
Ảnh: Vietnamnet
No comments:
Post a Comment