Wednesday, April 23, 2014

Dịch sởi hoành hành khắp Việt Nam, tấn công cả người lớn

04-23-2014 2:48:35 PM
SÀI GÒN (NV) .- Dịch sởi đang hoành hành tại 61/63 tỉnh thị tại Việt Nam chứng tỏ chứng bệnh nguy hiểm này là một nguy cơ y tế lớn nhưng nhà cầm quyền vẫn cương quyết không công bố dịch.



Trẻ em bị sởi cùng cha mẹ nằm ngồi la liệt dọc hành lang bệnh viện ở Hà Nội. (Hình: Một Thế Giới)

Trong phiên họp với ông thủ tướng chiều ngày 23/4/2014, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết “hiện nay dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 23/4, cả nước ghi nhận 3,569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9,932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam, riêng Hà Nội chiếm 37% số ca mắc được ghi nhận”, theo trang mạng chinhphu.vn của nhà cầm quyền trung ương Hà Nội.

Như bản tin vừa kể, báo cáo đối phó với “dịch sởi” nhưng lại không hề “công bố” dịch. Người ta chỉ thấy bản tin này loan tin ngành y tế “Tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những ổ dịch có thể xảy ra, tiến hành xử lý kịp thời để dịch không bùng phát hoặc lan rộng. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi.”

Theo tin một số báo, trong khoảng 1,800 bệnh nhân bị bệnh sởi đến điều trị ở các bệnh viện tại Sài Gòn từ đầu năm đến nay, ít nhất có 345 bệnh nhân là người lớn. Thông thường người ta hiểu bệnh sởi là bệnh trẻ con, tới một tuổi nào đó, hệ thống miễn nhiễm của cơ thể đủ mạnh thì sức đề kháng giúp cho người ta chống được loại siêu vi trùng này. Tuy nhiên, theo một số bản phúc trình y tế của Sài Gòn,  trong số các bệnh nhân sởi, có cả sản phụ và người lớn mà người lớn tuổi nhất là một ông 66 tuổi.

Bản tin của tờ Tuổi Trẻ nói rằng trong số 1,031 bệnh nhân sởi, có 345 bệnh nhân là người lớn (chiếm 33%) được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đối ở Sài Gòn. Nguồn tin thuật lời của một số bác sĩ nói rằng người lớn mắc bệnh sởi “thường lành tính, ít nguy cơ tử vong trừ một số trường hợp như cơ địa suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, bệnh lý ác tính khác”.

Dịch sởi gây hoang mang và lo sợ khắp cả nước, đặc biệt là tại hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn, từ đầu năm đến nay. Ít nhất 125 người thiệt mạng nhưng nhà cầm quyền vẫn cương quyết không công bố dịch. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, có 3 người chết là đã phải công bố dịch.

Viên chức bộ y tế CSVN và cả ông thủ tướng vẫn tảng lờ chuyện không công bố dịch trong khi nói rằng “không công bố không có nghĩa là không có dịch”.

“Bộ Y tế không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch. Thực chất dịch sởi đã và đang diễn ra”. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế CSVN nói ngang như vậy tại cuộc họp báo về tình hình dịch sởi do Bộ Y tế tổ chức hôm 18 tháng 4, 2014.

Thậm chí, số nạn nhân chết vì dịch sởi đến nay vẫn chỉ công nhận có 25 trường hợp là chết vì bệnh sởi, các trường hợp còn lại chỉ là “tử vong liên quan đến bệnh sởi”. Các bệnh viện từ Sài Gòn đến Hà Nội đều “quá tải” bệnh nhân bị bệnh sởi nặng, cần phải vào bệnh viện theo dõi và điều trị. Rất nhiều bệnh nhân nằm la liệt ở hành lang.


Một bệnh nhân người lớn bị sởi đang nằm viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)

Theo bản tin điện tử Một Thế Giới, mới đây, trong đợt đi khảo sát cùng đoàn công tác của Bộ Y Tế đến bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, Sài Gòn đã thốt lên rằng “Trẻ nằm la liệt như một ổ dịch sởi,  không bị tử vong mới là chuyện lạ”. Chính ông Khanh cũng cho rằng, với số lượng trẻ mắc sởi quá lớn đang nằm ngổn ngang tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ ở đây gần như đã “phất cờ trắng”.
Theo báo Một Thế Giới “các bậc phụ huynh cảm thấy thất vọng với những phát biểu, giải thích thiếu thực tế của những người được xem là “ vị cứu tinh” cho con của họ.” Nếu công bố có dịch sởi thì cả hệ thống chính quyền phải vận đồng toàn lực xã hội đối phó, không riêng gì ngành y tế. Trái lại, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai nhìn nhận việc không công bố dịch gồm cả lý do sợ ảnh hưởng đến “du lịch”.

Dù không công bố dịch, người ta ai cũng biết là Việt Nam hiện đang có dịch sởi, du khách chắc chắn tránh đến nước này. Chuyện không công bố cũng vẫn bị ảnh hưởng chứ không tránh được.

Tin tức cho hay từ các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, miền biển phái bắc như Hải Phòng, đến các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và miền Nam như Tiền Giang, Bình Dương, phần lớn đều có dịch sởi. Tuy nhiên, người ta không có các con số thống kê địch thực về tình hình bệnh dịch ở các địa phương. Có tỉnh còn báo cáo về trung ương 3 bản báo cáo khác nhau từ 3 cơ quan khác nhau gồm sở y tế tỉnh, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, theo tin Vietnamnet.

Một bản tin trên tờ SGGP nói rằng, theo tin của Bộ Y Tế, tính đến ngày 22/4/2014,  “cả nước ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc sởi xác định trong số 219 trường hợp sốt phát ban dạng sởi xác định tại 25 tỉnh, thành phố. Có 42/63 tỉnh ghi nhận dưới 10 trường hợp sốt phát ban nghi sởi nhập viện trong ngày...”

Theo báo Một Thế Giới, báo cáo không chính xác, hoặc có thể do che giấu, từ số lượng con bệnh, đến số lượng trẻ em đã được chích ngừa, đóng góp vào việc lúng túng đối phó với dịch. Bởi vậy “Số ca tử vong cứ tăng lên từng ngày, số lượng trẻ mắc sởi cũng tăng lên từng giờ”. (TN)

No comments:

Post a Comment