Wednesday, April 23, 2014

Những chuyến phà, tàu cao tốc miệt Tây Nam Bộ

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014-04-21 

Trên những chuyến phà Cát Lái thường xảy ra tình trạng ùn ứ (ảnh minh họa)-tuoitre.vn

Với người dân Tây Nam Bộ, trong điều kiện sông nước chằng chịt, nhiều nơi chưa có đường bộ dành cho xe hơi, phương tiện duy nhất để họ đi lại chỉ có những chuyến xuồng ba lá hoặc tàu cao tốc, những chuyến tàu này đóng vai trò thay thế xe bus cho cư dân ở đây. Và, ở một số nơi chưa xây được cầu, những chuyến phà đóng vai trò huyết mạch, phà đưa cả người và xe máy, xe hơi, xe tải sang sông. Và dường như tàu cao tốc hay phà, tất cả đều tiềm ẩn một mối nguy hiểm mà có vẻ như người quản lý nó rất chủ quan, không hay biết hoặc cố ý bỏ qua.
Tàu cao tốc trang bị cứu hộ hình thức
Một người dân Năm Căn, Cà Mau, tên Huy, chia sẻ: “Khi mà xuống phà xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc lắm, như phà buông dây, rồi xe nó chở nặng quá nó thắng đứt thắng, khi cái phà mình xuống đông quá nên nó va chạm lung tung hết trơn a. Nói chung là đủ điều kiện xảy ra nhưng mà cái chỗ qua phà nó không nghiêm khắc lắm! Bây giờ mình nói cũng không được, mình thấy cũng nguy hiểm thật đó nhưng mình khó nói để nó khắc phục sữa chữa. Khách thì mười người dễ gì còn một người để ý, họ xuống thì họ đi lẹ, có đủ thứ công chuyện.”
Theo anh Huy, việc đi lại bằng tàu cao tốc là quá an toàn so với những phương tiện khác trên sông nước miền Tây. Tuy nhiên, chính vì sự an toàn này mà các tài công lái tàu có vẻ rất chủ quan, không hề có động thái nào để phòng bị khi sự cố chìm tàu, cháy tàu xãy ra, hầu như mọi thứ hỗ trợ từ phao cứu sinh cho đến bình chữa cháy đều chỉ mang tính hình thức, gọi là để cho có mà thôi.
Những chuyến tàu cao tốc di chuyển từ Cà Mau đi Năm Căn, Đầm Dơi… hầu như tàu nào cũng trang bị áo phao nhưng lại chưa bao giờ bóc nó ra khỏi bọc và treo lên đúng hướng dẫn, thậm chí có nhiều tàu bày biện áo phao ngay trên đầu hành khách nhưng lại dùng băng keo quấn nhiều lớp rất kĩ, để mở được các lớp băng keo này ra, có lẽ tốn ít nhất cũng hơn năm phút. Mà trong sự số, người ta chỉ có thể tính được từng giây hoặc nửa giây đối với mạng sống chứ không có tai nạn nào chờ đủ năm phút, bảy phút cho người ta mở xong áo phao rồi mới nhấn chìm tàu.
Khi mà xuống phà xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc lắm, như phà buông dây, rồi xe nó chở nặng quá nó thắng đứt thắng, khi cái phà mình xuống đông quá nên nó va chạm lung tung hết trơn
Một người dân Năm Căn
Đó là chưa kể đến tình trạng nhét hành khách chật cứng giống y hệt xe bus trên bộ. Nhưng một khi tàu dưới nước chở quá tải thì mức độ nguy hiểm gấp cả ngàn lần xe bus trên bộ. Vì trọng tải của tàu đã có chừng, nếu chở quá tải, có thể trong điều kiện sóng gió bình thường thì tàu vẫn có thể gắng gượng mà chạy. Nhưng một khi sóng to gió lớn hoặc gặp những chiếc xà lan chạy ngược chiều tạo ra hàng loạt con sóng lớn, nguy cơ chìm tàu có thể diễn ra trong tích tắc.
Trong khi đó, tàu cao tốc vốn thiết kế theo hệ kín nhằm mục đích tránh bị nước tạt vào tàu trong lúc vận hành tốc độ cao. Mà với con tàu kín bưng như vậy, cộng thêm số lượng người quá đông, ngồi chen lấn với nhau nữa thì khi gặp sự cố sẽ trở nên rối rắm, lộn xộn và tự đám đông hành khách lộn xộn, hốt hoảng này sẽ xô đạp, giẫm lên nhau hoặc bấu viu vào nhau để chết chìm.
Chính vì thế, đối với ông Huy, việc đi lại trên các con kênh, con rạch bằng tàu cao tốc thật sự hấp dẫn bởi tốc độ của nó cũng như quang cảnh hai bên bờ sông, rừng đước, rừng sú, vẹt… Tuy nhiên, nếu như để ý và suy nghẫm một chút về sự an toàn của nó, e rằng khó mà yên tâm khi ngồi trên tàu.
Những chiếc phà thường chở quá tải. (newstogo.vn)Những chiếc phà thường chở quá tải. (newstogo.vn)
Ông Huy nói thêm rằng không hiểu lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy người ta làm việc gì và chức năng của họ là gì mà nhiều chuyến đi, ông chỉ thấy họ đứng cầm gậy chỉ chỏ ở một trạm gác trên bờ, thỉnh thoảng chủ tàu dừng lại chạy vào nhét thứ gì đó vào túi của họ và lại tiếp tục đi chứ ông không hề thấy họ đến kiểm tra thử các tàu đã đủ an toàn, đã đạt tiêu chuẩn cứu hộ, chữa cháy khi di chuyển, lưu thông hay không. Chính vì sự làm việc rất qua loa của cảnh sát giao thông và cách ngành liên đới đã khiến cho các chuyến tàu cao tốc ở đây rất chủ quan và hình như là không quan tâm gì đến vấn đề an toàn của khách.
Đó là chưa kể đến tình trạng nhét hành khách chật cứng giống y hệt xe bus trên bộ. Nhưng một khi tàu dưới nước chở quá tải thì mức độ nguy hiểm gấp cả ngàn lần xe bus trên bộ.
Những chuyến phà nhồi nhét người
Một người chạy xe lôi ở Long Xuyên, An Giang, chia sẻ: “Mấy xe khách đa số bây giờ là khách không xuống xe luôn, nó đậu trên đó luôn, xe hợp đồng, xe máy nó qua phà là khách họ không xuống xe, ngồi trên đó luôn, nên khi sự cố xảy ra thì bó tay, làm sao chạy cho kịp, thành ra rất nguy hiểm.”
Theo ông này, những chuyến phà từ Đồng Tháp sang thành phố Long Xuyên, còn gọi là bắc An Hòa trong thời gian gần đây quá nguy hiểm. Nhất là khi dòng chảy của con sông ở đây càng lúc càng trở nên dữ dằng nhưng hầu như không có qui định nào để đảm bảo khi gặp sự cố, hành khách không gặp nguy hiểm.
Thường thì một chuyến phà được thiết kế hai tầng, tầng trệt dành cho xe hơi và xe gắn máy, tầng lầu dành cho người đi bộ. Đương nhiên là các chiếc phà được trang bị bình chữa cháy khá đầy đủ nhưng các bình này còn hoạt động hay không thì không ai đảm bảo chuyện đó. Đặc biệt, mỗi chuyến phà chở ít nhất hai trăm người và sáu chiếc xe tải cùng hàng loạt xe gắn máy, số lượng hành khách rất đông nhưng nhìn mỏi mắt vẫn không tìm ra vị trí áo phao cứu sinh.
những chuyến xe chở đến 40, 50 khách, khi di chuyển lên phà vẫn để nguyên khách ngồi trong xe...các chiếc xe này được sắp nằm sát đầu, sát hông với nhau...Chuyện mở cửa để bước ra ngoài là hoàn toàn không thể vì xe đậu quá khít. Và đây là mối nguy hiểm lớn nhất nếu gặp sự cố, hành khách sẽ bị nhốt cứng trong xe
Chuyện này vẫn chưa đáng sợ bằng những hành khách ngồi trên xe, có những chuyến xe chở đến bốn chục, năm chục khách, khi di chuyển lên phà vẫn để nguyên khách ngồi trong xe, có người ngủ gà ngủ gật. Và theo sắp xếp của các tài công lái phà, các chiếc xe này được sắp nằm sát đầu, sát hông với nhau, chỉ khi nào chiếc xe đậu trước chuyển bánh thì xe sau mới nhích lên được một chút. Chuyện mở cửa để bước ra ngoài là hoàn toàn không thể vì xe đậu quá khít.
Và đây là mối nguy hiểm lớn nhất nếu gặp sự cố, hành khách sẽ bị nhốt cứng trong xe, không có đường để thoát thân, thậm chí có người đang ngủ, không hay biết chuyện gì để xử lý. Giả sử như có một chuyến phà bị sự cố giữa sông như trục trặc máy, không chạy được nữa chẳng hạn, thì hành khách trên các xe hơi giường nằm buộc phải đập gương xe và len lỏi, trèo qua trần xe khác để ra ngoài. Trường hợp nằm giường dưới thì phải đợi cho giường trên thoát ra xong mình mới mượn chỗ phía trên để thoát theo chứ phía dưới đã kẹp sát hông xe khác, không có cách gì để ra ngoài được.
Thử nghĩ trong tình trạng có sự cố, hành khách có đủ bình tĩnh để xử lý tình huống theo trình tự vừa nói? Và có bao nhiêu hành khách biết bơi, có bao nhiêu trẻ em, người già cần cứu giúp? Hầu như bế tắc nếu gặp sự cố và điều này không riêng gì một hay vài chuyến phà, chuyến tàu cao tốc mà tỉ lệ không an toàn của nó rất cao.
Miền Tây sông nước, mọi vận chuyển, lưu thông đều dựa vào sông nước là chủ yếu, nếu như nhà cầm quyền không có chính sách bảo đảm an toàn cho hành khách thì một khi sự cố xãy ra, mức độ nguy hiểm sẽ khó mà lường trước được!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment