Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-04-21
2014-04-21
Một nữ sinh viên làm thêm tại một quán cà phê, hình ảnh chỉ mang tính minh họa.RFA
Chuyện các cô gái đứng đường giả làm nữ sinh, đeo kính cận, thắt tóc bím và nói năng nhí nhảnh, nhút nhát khi mời khách qua đêm hoặc tạo ra một đường dây cò mồi mà ở đó, các cô gái đóng vai khù khờ để câu tiền khách là chuyện vốn xảy ra rất nhiều khắp Việt Nam. Nhưng chuyện chính các cô đang là sinh viên năm thứ hai, thứ ba đại học làm gái đứng đường để cứu quá trình học tập của mình và để tồn tại là một chuyện hết sức đau lòng hiện nay.
Chi phí quá cao
Một bạn sinh viên đại học sư phạm Đà nẵng chia sẻ, chuyện các bạn sinh viên có điều kiện gia đình khó khăn, sống xa nhà và thiếu tiền nộp học phí cũng như tiền sinh hoạt hằng ngày, phải bươn bả làm đủ công việc nhưng gặp nhiều trở ngại, cuối cùng chấp nhận bán thân nuôi miệng là chuyện xảy ra khá nhiều ở đại học sư phạm Đà Nẵng.
Vì có hai vấn đề hiện nay tại các đại học Đà Nẵng khiến các cô gái dễ dàng sa ngã, đó là thành phố này tuy hiện đại nhưng lại có quá ít cơ hội cho người lao động phổ thông, đặc biệt, số trường đại học khá nhiều nhưng lại không có nhiều cơ hội làm thêm cho sinh viên. Đó là chưa muốn nói đến nhiều trường hợp các sinh viên đi làm thêm, đi dạy thêm vất vả nhưng đến cuối tháng bị chủ nợ lương, nợ kéo dài từ tháng này qua tháng nọ rồi cuối cùng phải bỏ việc.
Chính một phần rất lớn môi trường làm thêm việc quá khắc nghiệt đã đẩy nhiều nữ sinh đi đến lựa chọn hoặc là tìm một bạn trai cùng học, con nhà khá giả, để cả hai cùng sống, cùng nấu chung, cùng chia sẻ mọi khó khăn nhưng trên thực tế là bạn nữ sinh đang ngầm phục vụ cho bạn nam sinh để được ăn cơm, được chia sẻ nhiều khoản chi phí.
Trường hợp khác, các bạn nữ sinh chấp nhận bán thân để trang trải mọi thứ chi phí trong quá trình học tập và dành một ít số dư mang về biếu cho cha mẹ, san sẻ bớt nỗi khó khăn cho cha mẹ. Và cũng theo bạn nữ sinh trên tiết lộ thì phần đông các sinh viên Bắc miền Trung rơi vào hoàn cảnh này. Cứ tối đến, người ta dễ dàng nhận thấy một số nữ sinh viên đại học sư phạm Đà Nẵng đứng trước cổng trường, trên đường Trường Chinh, Đà Nẵng để bắt khách.
Một bạn trẻ khác chia sẻ: “Bây giờ mấy bạn sinh viên sống loạn xà ngầu lên, cũng do nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó không có tiền trang trải học tập, cha mẹ chạy vay chạy mướn để đi học, đến năm thứ ba, năm cuối mà vẫn thấy tương lai mù mịt mà tiền nợ thì thúc vào hông cha mẹ, nghe cha mẹ than phiền, họ buộc phải kiếm việc làm thêm, làm đâu cũng thiếu nợ, đủ thứ hết, thì họ đi đứng đường. Họ đáng thương lắm, có khi trước đây mà hình dung con đường vào đại học như thế, họ đã ở nhà làm nông, có chồng lại bình yên hơn!”..
Theo bạn trẻ này tiết lộ, thường thì các sinh viên ngoại trú có gốc gác từ Quảng Bình, Quảng Trị và các vùng quê hẻo lánh ở Thừa Thiên Huế chiếm số nhiều trong các cô gái đứng đường ở đại học sư phạm Đà Nẵng.
Không tìm thấy lý tưởng trong việc học?
Và không riêng gì đại học sư phạm, hầu như mọi trường đại học ở Đà Nẵng nói riêng và một số thành phố lớn nói chung đều có nhiều nữ sinh viên chọn việc bán dâm bằng nhiều hình thức để cứu quá trình học tập của họ. Và có một vấn đề khá lạ là riêng trường đại học sư phạm là trường được ưu tiên miễn học phí nhưng các nữ sinh viên lại chọn việc bán dâm nhiều nhất.
Giải thích vấn đề trên, cô bạn sinh viên này nói thêm rằng trên thực tế, tuy ngành sư phạm là ngành được ưu tiên miễn giảm học phí nhưng lại là ngành học khắc nghiệt nhất cho cả đâu vào và đầu ra. Về phần đầu vào, nghĩa là thi vào đại học sư phạm, dường như bất kì một sinh viên nào chọn ngành sư phạm đều ý thức được rằng đây là ngành có nhiều tiêu cực thuộc vào bậc nhất và tương lai của sinh viên sư phạm hầu như mịt mù. Cơ hội dành cho sinh viên sư phạm khi ra trường rất thấp, số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệm đang ngày một nhiều thêm.
Chính vì thế, muốn vào được các trường để dạy, cử nhân sư phạm phải chạy vay chạy mướn một khoản tiền lớn để mua chỗ dạy. Và có một điểm tế nhị nữa là có trên 90% sinh viên chọn ngành sư phạm đều là con nhà nghèo, vì không đủ tiền trang trải nên họ chọn ngành sư phạm để nhẹ bớt phần học phí và họ chấp nhận đánh đổi tương lai bằng khoản học phí miễn giảm này.
Một khi nhận thức được tương lai của mình, các nữ sinh viên nhà nghèo buộc phải bán mình để kiếm thêm thu nhập, dành dụm vốn liếng để khi ra trường còn có cái để bôi trơn chỗ làm, để mua một công việc ở các trường. Đó là một thực tế đau lòng của ngành sư phạm Việt Nam hiện tại mà chính bạn nữ sinh viên vừa trình bày cũng nhận ra là tương lai của mình quá mịt mù, việc kiếm con chữ ở trường sư phạm cũng chỉ mang tính chất ghi nhớ những giáo án để sau này truyền đạt, không có yếu tố sáng tạo, giả sử có sự thay đổi lớn về giáo dục, các sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ rơi vào lạc hậu ngay tức khắc.
Vào vai một khách làng chơi hạng xoàng, nghĩa là loại khách ăn bánh trả tiền và có một chút tiền típ cho các cô gái nhưng không đáng kể, chúng tôi gặp một nữ sinh tên Hoa, đương nhiên cái tên này không bao giờ thật khi các cô giới thiệu với khách. Hoa cho biết cô người Hướng Hóa, Quảng Trị, cô đang học năm thứ ba khoa lịch sử. Đối với Hoa, việc học lịch sử để dạy sau nay chỉ đơn thuần là ghi chép, thảo luận những gì mình ghi chép và học thuộc lòng để dán nó vào não rồi sau này ra dạy lại học sinh.
Đương nhiên, Hoa vẫn nhìn thấy những điểm phi lý của lịch sử nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng, vì nó phi lý hay hợp lý chăng nữa cũng không giúp cho cô thoát khỏi cồn cào bao tử và vấn đề hiện tại của Hoa là vắt óc suy nghĩ làm sao để bán dâm lâu dài mà không bị bắt, để dành dụm một ít vốn và mở một quán nhậu sau khi ra trường, đến một lúc nào đó đủ điều kiện kinh tế, Hoa sẽ dễ dàng xin vào một trường để dạy học, sống cuộc đời của một nhà giáo thanh liêm.
Cái ước mơ sống một cuộc đời nhà giáo thanh liêm sau những sóng gió và đau khổ, vùi dập của cuộc đời được thốt ra từ miệng một cô sinh viên khoa lịch sử và giấc mơ nhà giáo thanh liêm được nuôi nấng bởi những đồng tiền đau khổ, trả giá, thậm chí đôi khi trơ nhục khiến cho chúng tôi giật mình và đau buồn về tương lai đất nước!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/students-became-hookers-4-surviving-04212014085807.html
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/students-became-hookers-4-surviving-04212014085807.html
No comments:
Post a Comment