Ý kiến bạn đọc:
Thật tình mà nói tôi thấy ta làm gì cũng hình thức chứ thực chất thì không như vậy, điển hình như: ở đâu cũng thấy "Khu phố văn hoá" nhưng khi "Nhân dân" ra đường thì coi chừng bị cướp giựt, hơn 30 năm hoà bình mà quỹ đường không phát triển trong khi dân số tăng gấp đôi nên tai nạn xe cộ luôn rình rập, giang hồ đâm chém, giết người, ma tuý tràn lan. Hằng năm báo cáo GDP của người dân đều tăng thậm chí thu nhập người dân sắp đạt 100 triệu năm, nhưng khi ra đường thấy vô số trẻ em bán vé số đánh giầy, người già ăn xin, sinh viên học xong vẫn thất nghiệp. Lúc nào cũng nói "an sinh xã hội" nhưng học sinh đi học phải đóng tiền, thậm chí bộ sách giáo khoa cũng phải mua, điều này rất lảng phí, vì sao nhà nước không cho học sinh mượn sách, học xong trả để năm sau học tiếp, số tiền thật sự là khổng lồ mà phụ huynh phải bỏ ra, chính vậy mà còn rất nhiều trẻ em thất học và còn rất nhiều cái "điển hình" nữa mà nếu nói ra đây thì chắc trang báo này không đủ chỗ để viết. Chúng tôi không cần hình thức mà chúng tôi cần làm đúng như những gì đã nói, đừng nói điều gì cũng cho đẹp mà chẳng làm được gì.
(NLĐO)- Lần đầu tiên Hiến pháp viết hoa chữ “Nhân dân” nhằm khẳng định bản chất nhà nước do dân, vì dân và tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý nêu rõ trong buổi họp báo về Hiến pháp được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký lệnh công bố.
Sáng nay 9-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước CNXHCN Việt Nam và Nghị quyết Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CNXHCN Việt Nam.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết kết quả thông qua Hiến pháp của Quốc hội cho thấy sự đánh giá của Quốc hội, của nhân dân đối với sự chuẩn bị dự thảo Hiến pháp. Hiến pháp lần này thông qua với tuyệt đại đa số là kết quả ý Đảng, lòng dân.
"Lần đầu tiên trong Hiến pháp, chúng ta viết hoa chữ “Nhân dân”. Lần này chúng ta tiếp tục nâng lên một bước vai trò của Nhân dân rõ hơn. Bản Hiến pháp trước hết khẳng định chủ quyền của Nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng và làm rõ hơn nguyên tắc tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân" - ông Phan Trung Lý nói.
Theo nội dung Hiến pháp, bản Hiến pháp mới quy định cụ thể hơn các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như Hiến pháp 1992.
Buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp và Nghị quyết Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp
Ông Phan Trung Lý cũng tập trung nhấn mạnh đến quyền con người trong Hiến pháp. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: “Quyền con người được đưa từ chương 5 lên chương 2. Trong Hiến pháp, chế độ chính trị quan trọng nhất, sau đó đến quyền con người. Chúng ta chấp nhận khái niệm quyền con người, chấp nhận quyền thể hiện quyền con người trong hiến pháp bằng những quy định cụ thể. Đây là một bước tiến rất lớn”.
Giải thích về Điều 10 Hiến pháp quy định về Công đoàn, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, cho rằng đây là tổ chức gắn với nền tảng chính trị của nước ta. Mô hình giai cấp công nhân là nền tảng, tiên tiến, dẫn dắt nên có vị thế đặc biệt hơn nên quy định thành điều riêng.
Để có căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định rõ thời hạn công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày thông qua. Thời điểm Hiến pháp mới có hiệu lực là ngày 1-1-2014.
Tin - ảnh: Nguyễn Quyết
No comments:
Post a Comment