Saturday, March 15, 2014

Vụ máy bay Malaysia mất tích: Châu Á lo ngại phản ứng thái quá của Trung Quốc

Thứ Bảy, 15/03/2014 16:45

(PL&XH) - Quy mô và khả năng của quân đội Trung Quốc đang được thể hiện đầy đủ trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines, từ vệ tinh có khả năng chụp ảnh với độ phân giải cao cho tới các tàu chiến hiện đại.

Chính điều này khiến châu Á hết sức chú ý tới việc Trung Quốc sẽ làm gì trong tương lai tại khu vực.

Nhiều khả năng chuyến bay MH370 bị khống chế

Hãng Reuters ngày 14-3 dẫn các nguồn tin giấu tên gần gũi với các điều tra viên cho biết, dữ liệu ghi lại từ rađa quân đội cho thấy có thể máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines đã đi về phía quần đảo Andaman. 

Một nguồn tin giấu tên khác cho biết, giả thuyết máy bay bị không tặc khống chế đang ngày càng được củng cố, theo đó chuyến bay MH370 có thể đã bay ngang qua bán đảo Malay đi về phía quần đảo Andaman sau khi mất liên lạc với trung tâm điều khiển bay vào rạng sáng 8-3. 

Trong khi đó, nguồn tin thứ hai nói rằng một chiếc máy bay không xác định mà các nhà điều tra tin rằng đấy là chuyến bay MH370 đã đi theo tuyến đường nằm giữa hai điểm tham chiếu kể từ khi máy bay xuất hiện lần cuối trên màn hình rađa ở bờ biển Tây Bắc Malaysia. Điểm tham chiếu là vị trí địa lý được xác định nhờ việc tính toán kinh độ và vĩ độ, có thể giúp phi công điều hướng dọc theo hành lang trên không. Điều này đã dẫn đến giả thuyết cho thấy có thể máy bay được điều khiển bởi một người được đào tạo bài bản về hàng không. Theo tuyến đường trên thì nhiều khả năng máy bay khi đó đang hướng về phía quần đảo Andaman của Ấn Độ, một chuỗi các hòn đảo nằm giữa Biển Andaman và Vịnh Bengal. 

Nguồn tin thứ ba nói rằng hiện các điều tra viên ngày càng củng cố giả thuyết cho rằng một ai đó đã tác động để chuyển hướng chiếc máy bay đi chệch khỏi đường bay ban đầu là từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Nguồn tin này nêu rõ: "Những gì chúng tôi có thể nói được lúc này là có kẻ phá hoại, có thể không tặc vẫn còn ở trên máy bay". 

Cả ba nguồn tin này đều đề nghị được giấu tên bởi họ không được phép tiếp xúc với giới truyền thông, đồng thời đây là thông tin nhạy cảm trong quá trình điều tra.

Hình ảnh cuối cùng của máy bay Boeing 777-20 số hiệu MH370 trước khi nó mất tích.     Ảnh: TL

Trung Quốc và Malaysia nảy sinh căng thẳng

Đến nay, hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines cùng 239 người trên đó, đã sắp bước sang ngày thứ 8. Cuộc tìm kiếm vô vọng đã khiến dư luận chú ý tới những cuộc họp báo với những thông tin mập mờ từ phía các quan chức Malaysia và việc trì hoãn tiết lộ thông tin của quân đội rằng chiếc máy bay này có thể đã bay hàng trăm dặm ngoài lộ trình. 

Các cuộc tìm kiếm diễn ra vào đúng thời điểm Trung Quốc đang "giễu võ giương oai" tại các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông. Hoạt động tìm kiếm đã làm nảy sinh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ trích cách Malaysia giải quyết vụ việc này. Bắc Kinh đã cử một nhóm phái viên và điều tra viên tới Malaysia nhằm tìm hiểu rõ những thông tin liên quan. 

Trước đó, Trung Quốc đã triển khai 4 tàu chiến, 4 tàu bảo vệ bờ biển, 8 máy bay và 10 vệ tinh tìm kiếm bao trùm cả một khu vực rộng lớn, bắt đầu từ Trung Quốc đại lục. Truyền thông Trung Quốc nói rằng đây là đội cứu hộ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của nước này. Chiếc máy bay mất tích - lộ trình cất cánh từ Kuala Lumpur và bay tới Bắc Kinh - xuất hiện trên màn hình rađa dân sự lần cuối cùng gần cửa Vịnh Thái Lan nối ra biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 10-3 tuyên bố rằng Malaysia phải "chịu trách nhiệm chính" trong quá trình tìm kiếm và điều tra vụ việc. Tuy nhiên, ông Tần Cương khẳng định, Trung Quốc cũng có trách nhiệm, không chỉ tham gia tìm kiếm mà còn phải "yêu cầu và thúc giục" Malaysia tăng cường nỗ lực của họ. Trước khi xảy vụ việc này, quan hệ Trung Quốc - Malaysia đang ở mức nồng ấm nhất trong khu vực, bất chấp những tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.

Các quan chức hải quân và giới phân tích trong khu vực cho rằng một trong những vấn đề lớn hiện nay là việc tìm kiếm kéo dài và việc Trung Quốc ngày càng quan ngại về phản ứng của Malaysia với cuộc khủng hoảng này sẽ định hình cách tiếp cận của Bắc Kinh với khu vực trong tương lai. Một chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ với nhiều năm nghiên cứu về khu vực này cho rằng, phản ứng của Trung Quốc có thể khiến các nước láng giềng chú ý. Chuyên gia giấu tên này cho rằng "đây là sự phô trương lực lượng trong bối cảnh hòa bình".  

Trong khi nhiều chuyên gia nước ngoài coi sự triển khai tìm kiếm của Trung Quốc là phô trương, thì truyền hình nhà nước và các phương tiện truyền thông khác của nước này vẫn “diễn vở” thiếu khả năng triển khai các cuộc tìm kiếm trên diện rộng và các chiến dịch cứu hộ ngoài khơi xa. 

Những nỗ lực của Trung Quốc đã khiến người dân một số nước trong khu vực lo ngại. Giới truyền thông ồn ào với nhiều bài bình luận và nghi ngờ sâu sắc về sự hiện diện của máy bay và tàu chiến Trung Quốc gần bờ biển Việt Nam. 

Mới đây, Trung Quốc công bố tăng ngân sách quốc phòng 12,2% trong năm 2014 lên 131,57 tỷ USD nhưng không cho biết cụ thể số tiền này sẽ chi tiêu như thế nào. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, hiện chỉ đứng sau Mỹ, đã cho phép nước này xây dựng một lực lượng hiện đại, không chỉ là cường quốc ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông mà xa hơn là Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 

Ông Ernie Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Washington bình luận rằng các cuộc tìm kiếm lúng túng đã cho thấy sự hợp tác quân sự yếu kém tại châu Á và cho thấy cần phải có sự phối hợp tốt hơn giữa Washington với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á. Theo chuyên gia Bower, "khi mà chúng ta chưa nỗ lực hợp tác và chưa có sự hợp tác, không rõ là vô tình hay cố ý người Trung Quốc đang lan truyền thông điệp rằng Malaysia là một nước nhỏ không có khả năng giải quyết tốt mọi việc".

Minh Tâm

No comments:

Post a Comment