- Dù bên ngoài có nhiều bão giông nhưng bên trong Crimea tình hình vẫn khá yên ả, và kết quả bỏ phiếu gần như đã được định đoạt.
Chỉ còn không đầy một ngày nữa, trên bán đảo Crimea, nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc có sáp nhập với LB Nga hay không. Những diễn biến xung quanh vấn đề này đang trở thành tâm điểm của nhiều hoạt động và chú ý của dư luận những ngày qua.
Crime trước cuộc trưng cầu dân ý (ảnh: China Daily) |
Ngày hôm nay (15/3) ở Crimea sẽ là “ngày yên tĩnh” trước khi mọi người dân ở đây tham gia vào một hoạt động mang tính quyết định cho vận mệnh của nước cộng hòa tự trị này. “Sáp nhập hay không sáp nhập với Liên bang Nga” câu hỏi này sẽ được “định đoạt” vào ngày mai, nhưng đến giờ phút này mọi thứ đã sẵn sàng và dường như câu trả lời cũng đã có khi hơn 80% người dân được hỏi ý kiến đã bày tỏ ý nguyện gắn bó với nước Nga.
>> Xem thêm: Liệu bán đảo Crimea có tách khỏi Ukraine?
Một nữ công dân Crimea nói: “Bỏ phiếu cho ai thì tôi sẽ không nói, nhưng tất cả người thân của tôi đang sống tại Nga, vậy các bạn hãy tự rút ra kết luận là tôi sẽ bỏ phiếu thế nào”.
Hơn 1.200 điểm bỏ phiếu đã được thu xếp và khoảng 2 triệu phiếu bầu đã được in sẵn. Công tác an ninh được tăng cường, mọi phương tiện ra, vào Crimea đều được kiểm tra nghiêm ngặt từ nhiều ngày nay. Những ngày qua ở Crimea, một không khí bao trùm vẫn là bình yên và mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường ngày. Có chăng là ở một số tụ điểm công cộng của thành phố thủ phủ Simferôpll, trong ngày và đêm hôm qua, diễn ra những cuộc mít tinh, hòa nhạc cổ động.
Trong cuộc họp báo tổ chức ngày hôm qua, Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crimea Sergey Aksyonov đã thông tin và trả lời nhiều câu hỏi của hàng trăm phóng viên báo chí nước ngoài về công tác an ninh và khẳng định: “Tôi không nghĩ sẽ có hành động phá hoại nào từ người dân đang sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa tự trị Crimea bởi tất cả họ đều quan tâm tới việc bảo vệ nền hòa bình giữa các dân tộc. Còn nếu có hành động xâm phạm từ bên ngoài thì chúng tôi có đường dây nóng để gọi tới và điện thoại của tôi cũng nhận được đầu tiên. Tôi vẫn đi làm và tôi xin hứa sẽ có phản ứng tức thì”.
Tại thành phố Sevastopol, cũng nằm trên bán đảo Crimea nhưng là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, nơi cũng sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập với Nga cũng diễn ra những hoạt động tương tự.
Ở Crimea là vậy, còn bên ngoài thì không hề yên ả từ suốt nhiều ngày nay. Càng gần đến ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo Crimea, dư luận thế giới và các hoạt động ngoại giao lại càng diễn ra khẩn trương, căng thẳng.
Ukraine, Mỹ và các quốc gia phương Tây vẫn tìm mọi cách để ngăn cản hoạt động này. Theo họ việc làm này là không hợp pháp và cần phải hủy bỏ. Ngày hôm qua (14/3), Tòa án Hiến pháp của Ukraine đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng hòa tự trị Crimea về sáp nhập vào Nga là vi hiến và quyết định của tòa đồng nghĩa với việc sắc lệnh của nghị viện Crimea về cuộc trưng cầu dân ý ngày mai (16/3) mất đi hiệu lực.
Ngày 13/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã bắt đầu phiên họp khẩn cấp nhằm thảo luận về tình hình Ukraine với sự tham dự của Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk. Tại đó các thành viên HĐBA đã kêu gọi “tất cả các bên cần tránh các hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và hãy xuống thang cho dù tình hình ngày càng gay go.”
HĐBA cũng sẽ tiếp tục một phiên họp khẩn vào ngày hôm nay để bỏ phiếu về một nghị quyết do phương Tây hậu thuẫn, trong đó lên án cuộc trưng cầu dân ý. Và chắc chắn, Nga sẽ phủ quyết Nghị quyết này. Một cuộc gặp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ giữa Ngoại trưởng Nga – Mỹ tại thủ đô London của Anh cũng đã không thể tìm được một “tiếng nói chung” để giải quyết tình hình. Nga vẫn khẳng định, việc tổ chức trưng cầu dân ý trên bán đảo Crimea là hoàn toàn hợp pháp.
>> Đọc thêm: Đụng độ chết người ở Ukraine trước bỏ phiếu ở Crimea
Các quan sát viên quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia đã có mặt tại Crimea và nhiều người trong số họ cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý là “hợp pháp” vì nó cũng giống như việc làm của Kosovo khi tách khỏi Serbia mà phương Tây đã từng ủng hộ./.
Điệp Anh/VOV-Moscow
No comments:
Post a Comment