Saturday, March 15, 2014

Bữa cơm có giòi và nhu cầu đại tiểu tiện!

14/03/2014 14:55

(TNO) Tuần này, đọc vài bản tin mà thấy thật khổ cho đời sống của người công nhân, nhất là những nữ công nhân.

Gần 900 công nhân đình công tại Công ty Shilla Bags Việt Nam để yêu cầu lãnh đạo công ty thay đổi một số nội quy liên quan đến việc ăn uống và giờ giấc… đi vệ sinh, sáng 13.3 - Ảnh: Đức Tiến
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 vừa mới được trang trọng tổ chức, chưa kịp hết cái không khí hân hoan, vui mừng, rạo rực. Bên cạnh hoa tươi, những món quà ý nghĩa, những lời chúc tụng có cánh đến phái đẹp, thì những hình ảnh báo chí mới phản ánh gần đây, đa số là những nữ công nhân với những bức xúc của mình, lại là một bức tranh đối lập, tương phản mạnh, rất mạnh.
Ngày 8.3, sau khi tan ca, hơn 800 công nhân tập trung tại nhà ăn của Công ty TNHH Yan-Jin Sài Gòn chuẩn bị dùng bữa cơm trưa. Khi thức ăn được đưa ra, nhiều công nhân phát hiện trong trứng có nhiều dòi. Các con dòi còn bò trên món trứng kho tàu. Sự việc đã được báo lên ban giám đốc, yêu cầu được giải quyết. Công nhân sau đó bỏ làm ra về.
Tiếp đến, ngày 13.3, gần 900 công nhân của Công ty TNHH Shilla Bags Việt Nam quyết định ngừng việc vì chất lượng bữa ăn quá tệ, cách quản lý hà khắc, đặc biệt là việc đi vệ sinh tính từng phút, tính bằng thẻ đi vệ sinh, nhà vệ sinh lại mất vệ sinh, hôi thối, hỏng hóc.
Thật ra, những văn bản pháp quy bảo vệ quyền lợi người lao động, người phụ nữ, an toàn vệ sinh thực phẩm… đã được ban hành và tương đối đầy đủ. Song song với việc đó là hệ thống công đoàn các cấp, tới cùng các cơ sở, xí nghiệp, nhà máy… để đồng hành với người lao động, phản ánh và lên tiếng kịp thời trước những “bất công” bức xúc hằng ngày mà họ phải gánh chịu.
Thế nhưng, những câu chuyện đau lòng “khó coi, khó nghe” này vẫn diễn ra liên tục từ năm này sang năm khác với nhịp độ tăng dần trong những bản tin của truyền thông, báo chí.
Suất ăn có dòi, có sâu là câu chuyện không mới, nhưng trách nhà ăn, căn tin vô lương tâm một thì trách ban quản lý, giám sát của công ty vô lương tâm đến mười, đến trăm lần. Những người công nhân là những người trực tiếp làm ra sản phẩm nuôi sống công ty. Với cách quan tâm và bảo vệ sức khỏe những “đồng sự” quan trọng của mình một cách “quan liêu” như vậy thì người lao động nào đủ sức gắn bó với công ty lâu dài được.
Chuyện “đại tiểu tiện” là những sinh hoạt bắt buộc rất đời thường của con người, đừng viện dẫn lý do “công nhân lợi dụng việc đi vệ sinh để lười biếng, để bấm điện thoại” mà ra những quyết định hà khắc, cực đoan, vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người. Nín những “nhu cầu” tối thiểu ấy là một trong những cực hình khốn khổ khủng khiếp nhất của loài người. Và chuyện “viện dẫn lý do” kia là không thỏa đáng.
Điều này chỉ cho thấy một điều rất rõ là cái công ty này đang có một ban quản lý, giám sát tồi, thiếu chuyên nghiệp, thiếu khoa học.
Việt Nam là một đất nước đang phát triển, đang hội nhập. Bên cạnh những tài nguyên khác thì tài nguyên nhân lực là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Cũng biết rằng, nhân công lao động Việt Nam rẻ là một trong thế mạnh của cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh thương trường, nhưng rẻ đến mức có thể “coi rẻ” luôn mạng người là điều tuyệt đối phải ngăn cấm.
Thiết nghĩ, các cơ quan công quyền cùng những đơn vị có trách nhiệm cần phải vào cuộc sớm, giải quyết triệt để những bức xúc nói trên. Đừng để những bữa cơm "có dòi" và “nhu cầu” bình dị kia “hành hạ” từng ngày, từng ngày những người lao động cần cù...
Với đồng lương như vậy, họ có dám đến bệnh viện không và ở lại trong bệnh viện được bao nhiêu lâu lại là một câu chuyện khác!
Minh Phước *

No comments:

Post a Comment