Saturday, March 15, 2014

Các bên đều bị tổn hại

14-03-2014 19:00:01

PN - Hôm thứ Tư, ngoại trưởng các nước thuộc khối EU đã nhóm họp để bàn về khả năng đưa ra các biện pháp cấm vận với Nga. Ủy ban Đối ngoại (Thượng viện Mỹ) cũng đã chấp thuận các biện pháp trừng phạt Nga do Tổng thống Obama đệ trình và Ngoại trưởng John Kerry tin rằng hai viện Quốc hội sẽ sớm chính thức thông qua việc này.


 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đối đầu trong cuộc chiến không có kẻ thắng (ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn cảnh báo “Nếu điều này xảy ra, ông Obama phải nhận đòn đau từ chiếc boomerang do chính mình phóng ra”.
Rõ ràng về phương diện kinh tế, sẽ chẳng có nước nào được lợi khi cấm vận xảy ra. Trước đây, Mỹ và các nước đã dùng các biện pháp cấm vận kinh tế để trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân và đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế hiện nay của Nga sẽ không khiến nước này phải thuận theo những yêu cầu của phương Tây. Cấm vận kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến nước Nga mà còn cả các nước châu Âu và Mỹ.
Châu Âu hiện có mối giao thương với Nga hàng năm trị giá 460 tỷ USD, phần của Mỹ là 40 tỷ USD. Chưa kể, nhiều tập đoàn của Mỹ và các nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nếu Nga trả đòn. PepsiCo, Coca-Cola, General Motors, Ford, Caterpillar, IBM, Microsoft, Procter & Gamble, ExxonMobil, Chevorn, Boeing, ConocoPhillips… đều đang làm ăn tại Nga và chắc chắn các công ty này phải tổn thất nếu phía Nga thực hiện lời đe dọa đáp trả các biện pháp cấm vận của phương Tây.
Biểu tình chống chiến tranh trước Đại sứ quán Nga ở Kiev ngày 7/3 - Ảnh: AP
Một trong những biện pháp trừng phạt mà EU thực hiện là ngưng thảo luận với Nga trong việc nới lỏng quy định về visa cho công dân Nga, thậm chí có thể ngưng cấp thị thực cho người mang hộ chiếu Nga. Trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, EU và Nga đang bàn về khả năng miễn thị thực cho công dân Nga đến các nước EU vì mục đích du lịch, giờ kế hoạch này bị đình hoãn vô thời hạn. Điều đó có nghĩa, người Nga sẽ ít có cơ hội đến các nước Tây Âu du lịch hơn và ngược lại, các nước này cũng không có cơ hội thu lợi từ du khách Nga - đối tượng được xem là không tiếc tiền khi du lịch.
Chính phủ của ông Putin đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất bằng cách gặp gỡ các doanh nhân Nga và các công ty do nhà nước điều hành để dự báo những rủi ro sẽ gặp nếu phương Tây chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt. “Trong thế giới hiện nay, mọi thứ đều có mối quan hệ hỗ tương, mọi phía dựa vào nhau theo cách này hay cách khác, do vậy, việc này sẽ gây tổn hại cho cả hai phía”, Tổng thống Putin nói.
Hôm nay, 14/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến London gặp người đồng cấp Sergei Lavrov để thảo luận về những vấn đề liên quan đến Ukraine. Các đường dây ngoại giao đang chạy hết công suất trước ngày nước Cộng hòa tự trị Crimea trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào CHLB Nga, dự kiến vào Chủ nhật 16/3. Nếu việc này vẫn diễn ra thì ngay ngày hôm sau, EU và Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp cấm vận Nga.
Cấm vận chắc chắn gây tổn hại về mặt kinh tế cho mọi phía, nhưng trong tình hình hiện nay, khi chính phủ của ông Putin nhất quyết không nhượng bộ trong vấn đề Crimea, có vẻ như điều đó là không thể tránh khỏi.
 THIỆN NGA

No comments:

Post a Comment