Saturday, March 15, 2014

Nhân nuôi gián đất, Trung Quốc giúp Việt Nam làm giàu?



(Thị trường) - Nhiều hộ dân tại Bắc Ninh đang nuôi gián đất dưới sự hướng dẫn của người Trung Quốc với hi vọng làm giàu nhờ loài côn trùng bị cấm.

Chi chục triệu mua trứng gián
Sở NNPTNT Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 “mô hình” nuôi gián đất ở các xã Xuân Lai (huyện Gia Bình), Quảng Phú, thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).
Ông N, giám đốc Công ty HH có địa chỉ tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài  cho biết, từ giữa năm 2013, ông có quen chị Nguyễn Thị L ở xã Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) là người mới đi làm việc ở bên Trung Quốc về, giới thiệu là bên đó có mô hình nuôi gián đất phát triển cho thu nhập cao lắm.
“Thấy giới thiệu như vậy, nên tôi quyết định bỏ tiền đầu tư mua giống xây dựng khu nuôi và nhờ chị Lương bắt mối với người bên đó mua giống về để nuôi” - ông N cho biết.
Cơ sở nuôi gián đất rộng hơn 200m2 của Công ty HH ở xã Quảng Phú (Lương Tài, Bắc Ninh)
Cơ sở nuôi gián đất rộng hơn 200m2 của Công ty HH ở xã Quảng Phú (Lương Tài, Bắc Ninh)
Có được “mối hàng”, ông N đã về đầu tư xây dựng khu nhà xưởng nuôi gián rộng 200m2 và chia làm 3 chuồng, chuồng được xây dựng bằng khung ống thép chắc chắn, khoảng cách mỗi chuồng gần 20m, mỗi chuồng lại được xây thành 3 tầng khác nhau.
Ngay sau khi hoàn thành cơ sở khu nuôi, ông N đã mua hơn 1 tạ trứng gián với giá là 130.000 nhân dân tệ (khoảng 450.000 đồng/kg) về để ủ giống. Chỉ riêng tiền trứng gián, ông N đã chi phí mất gần 50 triệu đồng. Gián thường có 2 loại giống là giống gián đất tròn (rẻ tiền) và loại dài (còn gọi là Kim biên), giống đắt có thể lên đến 9 triệu đồng/kg.
Đến khi mang được giống về, ngay lập tức ông N được 4 người Trung Quốc sang tận cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Ông N kể: “Từ tháng 8.2013, người Trung Quốc họ ăn ngủ ở cơ sở của tôi 24/24, đến giờ tôi đã hiểu rõ về kỹ thuật nuôi, nên hiện họ chỉ để lại một người để giám sát, hướng dẫn”.
Thực tế, việc cho ấp nở trứng gián ở đây đã diễn ra từ tháng 8/2013, khi bà L cùng một số người ở xã Quảng Bố, xã Quảng Phú (huyện LươngTài) mua hơn 100kg trứng gián loại tròn với giá 130 nhân dân tệ/kg (gần 450.000 đồng). Bà L cũng cho biết: “Chúng tôi được chuyên gia người Trung Quốc sang tận nơi để giúp xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi”.
Hiện nay, toàn bộ nguồn “giống” để ấp nở ra gián đất tại Việt Nam đều được nhập về từ Trung Quốc qua con đường “xách tay”
Trung Quốc "giúp người Việt làm giàu"!?
Gián hiện là một vật nuôi chưa có trong danh mục vật nuôi cho phép nuôi của Việt Nam. Về cơ sở khoa học, cho đến nay chưa có tài liệu chính thức nào
khẳng định tính có lợi của gián đất và hiệu quả gây nuôi gián đất.
Ông Giang Triệu Vinh:
Ông Giang Triệu Vinh: "Chúng tôi muốn đưa nó sang đây giúp người Việt Nam làm giàu”
Trên thực tế, gián là loài côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh như tiêu chảy, dịch tả và là thủ phạm gặm nhấm làm hư hỏng các vật dụng gia đình nhưng ông Giang Triệu Vinh (một người Việt gốc Trung Quốc) sang trợ giúp kỹ thuật nuôi gián đất cho Công ty cơ khí thương mại Hoàng Hiệp tại thôn Quảng Bố, xã Quảng Phú (Lương Tài, Bắc Ninh) lại cho rằng đây là loài vật nuôi có tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao.
"Gián đất là một loài được nuôi rất phổ biến ở Trung Quốc chuyên dùng để cung cấp cho ngành dược phẩm và đang là con vật mang lại thu nhập cao cho người dân Trung Quốc. Chúng tôi muốn đưa nó sang đây giúp người Việt Nam làm giàu”, ông Vinh nói.
Như để khẳng định thêm về “lợi thế” mà loài côn trùng nguy hiểm này mang lại, ông này nói tiếp: Gián đất là một loài vật nuôi còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng là con vật tiềm năng sẽ mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Các bạn cứ thử nuôi gián đi, nuôi ra bao nhiêu chúng tôi cũng sẽ mua hết mà không lo ế”.
Chiều 14/3, ông Phạm Trọng Minh - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT Bắc Ninh) cho biết, đến nay Sở này vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc xử lý các trường hợp tự ý nhập khẩu, nuôi gián đất mặc dù văn bản này đã được phát hành từ ngày 7/3 và đã được đưa công khai lên mạng của Bộ NNPTNT.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cũng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang đợi ý kiến chỉ đạo của Bộ NNPTNT”.
Về hướng xử lý mà Bộ NNPTNT đã yêu cầu, PGS - TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết, đối với sinh vật ngoại lai, hiện có 2 cơ quan quản lý là Bộ TNMT và Bộ NNPTNT, trong đó vai trò của Bộ NNPTNT là chính.
Sự việc trên đã mở ra những nguy cơ, hậu quả khôn lường quanh mối lo rồi đây trào lưu nuôi gián làm giàu sẽ được người ta lao vào như đã từng lao vào trào lưu nuôi ốc bươu vàng, nuôi đỉa...
Hà Anh (Lược theo DanViet) 

No comments:

Post a Comment