16/03/2014 03:00
Nhiều người dân Đường Lâm đã sốt ruột mong ngóng cuộc họp được thông báo tổ chức tại chính lăng Ngô Quyềnsáng 15.3. Họ rất muốn được dự bàn việc tâm linh liên quan đến dòng tộc mình.
Lăng Ngô Quyền - Ảnh: Mai Uyên
|
Tuy nhiên, cuộc họp ấy lại tổ chức ở TX.Sơn Tây (Hà Nội), trong một căn phòng nhỏ. Những người dự họp phần lớn là cán bộ. Trong khi đó, việc tu bổ ở lăng Ngô Quyền đã làm xáo trộn lòng dân nơi đây nhiều ngày. Xáo trộn từ khi bình phong có “con quỷ” án ngữ trên đó xuất hiện, cho tới khi nó bị đục bỏ, và cuối cùng bình phong bị đập bỏ hoàn toàn.
“Chúng tôi đã thực hiện hết sức dân chủ”
|
Cuộc họp dành nhiều thời gian để ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm nói về dự án tu bổ lăng. Trong suốt bài phát biểu rất dài của mình, ông Sơn nhiều lần nói đến từ dân chủ và quy trình. Rằng toàn bộ quá trình lập dự án tu bổ đã hết sức dân chủ, đã thông qua toàn bộ đại diện của nhân dân. Sau khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến, ông đã gửi công văn lên trên. Cục Di sản cũng đã có công văn thỏa thuận bản vẽ thiết kế thi công lăng Ngô Quyền. Việc chỉ định thầu cũng được làm theo đúng luật, chỉ đúng đơn vị thực hiện có năng lực cao. “Chúng tôi đã thực hiện hết sức dân chủ. Quy trình làm đúng theo luật Di sản”, ông Hùng Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc ông thường xuyên trao đổi để đồng thuận với dòng họ Ngô trong suốt thời gian chạy dự án.
“Về bức bình phong, như vậy là chiều cao, kích thước đã bảo đảm như thiết kế. Còn mỹ thuật là chưa bảo đảm thiết kế. Chúng tôi quyết định đơn vị thi công điều chỉnh lại bức bình phong này cho đúng thiết kế. Chúng tôi cũng báo cáo để giám sát địa phương vào cuộc”, ông Phạm Hùng Sơn nói.
“Không phải muốn làm gì thì làm”
|
Nhưng mọi chuyện dường như không giống ông Sơn nói. Bởi người dân, trong đó có dòng họ Ngô, thấy mình bị lép vế trước những quyết định chuyên môn mà ông Sơn công bố. Còn Cục Di sản cũng thấy việc xây thêm, đập bỏ ở đây hoàn toàn tùy tiện.
“Họ Ngô chẳng được đóng góp ý kiến, chỉ được quyền đóng tiền”, ông Ngô Nhật Đăng, một người trong dòng họ nói. “Đến giám sát chúng tôi còn không được giám sát. Người của dòng họ đứng ra để giám sát chỉ được quyền chụp ảnh. Mà chúng tôi thì có nhiều ý kiến rồi”.
Có mặt tại cuộc họp sáng qua 15.3, ông Ngô Vui, đại diện dòng họ Ngô cũng không thấy thỏa nguyện. Bởi trong khi dòng họ của ông không muốn bức bình phong án ngữ trước lăng, thì việc này hiện cũng chưa ngã ngũ. “Chúng tôi hôm nay chỉ phát biểu những chuyện đã rồi”, ông Vui nói.
“Cho nên kết luận là qua các nhà tổ chức, các nhà khoa học, cũng như các quan chức quyết định thế nào thì chúng tôi phải theo thế. Chứ chúng tôi là thiểu số mà. Tôi chỉ đại diện dòng họ nhưng tôi không có chuyên môn. Các vị nói là còn phải tổ chức hội thảo vì trong bản vẽ nó có, nên không thể ý ai, ý kiến cá nhân nào mà thay đổi quyết định được”, ông Vui nói giọng đều đều.
Trên thực tế, nguồn gốc của bất bình là bức bình phong lại không được ông Phạm Hùng Sơn nói đến cụ thể. Ông Sơn cho biết sẽ phải chờ lập hội đồng thẩm định rồi mới làm báo cáo gửi lên về việc làm hay không làm tấm bình phong. “Ý kiến trái chiều về bức bình phong thì (ông Sơn) không nói. Tôi cũng nói trong cuộc họp về bức bình phong và nhà thủ từ. Phải làm rõ cái đấy, phải thống nhất để có báo cáo chi tiết”, ông Long, đại diện của Sở VH-TT-DL Hà Nội cho Thanh Niên biết.
Theo đại diện Cục Di sản tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Khang: “Việc người ta đập bình phong phải khẳng định là không đúng. Thứ hai, việc bình phong khi Bộ thỏa thuận là có ý kiến đề xuất từ dưới lên trên theo các văn bản. Bộ đã nghiên cứu theo quy trình 5 bước từ bước chuyên viên cho đến thứ trưởng. Còn nếu ông thấy không hợp thì ông phải đề nghị lên trên theo đúng quy trình, chứ không phải ông tự ý đập. Đây là di tích quốc gia chứ không phải nhà riêng mà muốn làm gì thì làm”.
Trinh Nguyễn
No comments:
Post a Comment