Khai thác trái phép, xâm phạm mồ mả
Theo đó, người dân trong thôn Thọ Đơn đã viết đơn kêu cứu lên báo Lao Động phản ánh về việc thời gian qua doanh nghiệp (DN) trên đã khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống tâm linh người dân địa phương. 
Theo phản ánh, rừng phòng hộ cát chắn bão gió đã bị khai thác kiệt quệ, ngoài khu vực cấp phép, hàng chục ngôi mộ nơi đây bị xâm lấn vì khai thác trái phép. Để hiểu rõ hơn sự việc, ngày 15.3, PV Lao Động đã đến thôn Thọ Đơn và tìm gặp những người dân nơi đây. Theo quan sát của PV, mỏ cát được cấp phép cho DN trên khai thác (thuộc xóm Thìu, xóm Bính, xóm Ất, xóm Giáp – thôn Thọ Đơn) đã được khai thác gần hết. Ngoài ra, DN trên đã khai thác trái phép ngoài khu vực mỏ, mở rộng sang phía Bắc và phía Nam với diện tích rất lớn. 
Dẫn chúng tôi qua mỏ cát đã bị khai thác trái phép, chị Đoàn Thị Dẩn (44 tuổi, ở xóm Ất) nói trong nước mắt “ở khu vực này có mộ của 2 người em tui đã chôn từ lâu, nhưng năm vừa rồi khi đi thăm mộ thì đã không còn nữa, 2 mộ đã bị xúc đi khi họ khai thác cát”. Còn bác Đoàn Văn Tuy (62 tuổi) thì cũng không nói nên lời khi mộ con gái mình là Đoàn Thị Cư cũng đã “biến mất”. Theo phản ánh của người dân ngay trên đồi cát, hàng chục ngôi mộ được chôn từ lâu đã bị DN trên xóa dấu vết và hài cốt cũng bị mất khi khai thác cát tại khu vực trên, như trường hợp của bà Lê Thị Vé (60 tuổi, ở xóm Ất), Trần Văn Tê (42 tuổi, ở xóm Bính).... 
Một số hài cốt mà DN phát hiện khi khai thác cát đã được tập trung và chôn tại một khu vực được gọi là “nghĩa địa vô danh” ở gần khu vực mỏ. Anh Nguyễn Quang Khâm (ở xóm Giáp) bức xúc nói “thậm chí để ngăn chặn việc làm trên, người dân đã tự làm các mốc lộ giới bằng cột bê tông gần các khu vực mộ nhưng họ vẫn xúc đi, cả phần mộ và cột mốc”. Nguy hại hơn, những phần mộ còn lại sẽ có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai bởi diện tích khai thác đã và gần sát khu vực mộ, sắp tới cát bị trôi tuột sẽ cuốn theo phần mộ bên trên. 
Người dân cho biết, trung bình mỗi ngày có hàng trăm xe vào khu vực trên để vận chuyển cát tại mỏ được cấp phép và các vị trí khai thác “chui”. Quá bức xúc sau khi đã rất nhiều lần phản ánh mà không hiệu quả, từ chiều ngày 13.3, người dân địa phương đã chặn xe, lập hàng rào chắn ngang đường và đúc các trụ bê-tông dưới lòng đường để ngăn chặn xe vào chở cát. Người dân còn cử người túc trực tại vị trí trên cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn và bày tỏ sự bức xúc.
Khẩn trương vào cuộc xử lý
Sau khi tìm hiểu thực tế theo phản ánh, PV Lao Động đã làm việc với sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh và ngay trong sáng hôm sau (16.3), sở TNMT đã lập đoàn kiểm tra đến thôn Thọ Đơn để tìm hiểu sự việc. 
Ông Lê Xuân Kê – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thọ Đơn kiêm GĐ DNTN Khai thác vật liệu Cựu chiến binh thôn – cho biết, DN được phép khai thác cát tại địa phương từ năm 1991 và mới được cấp giấy phép khai thác đến năm 2015 với các thành viên là cựu chiến binh trong thôn. 
Trao đổi với PV Lao Động, ông Kê khẳng định không có chuyện xâm phạm mồ mả của người dân vì trước khi được cấp phép đã kiểm tra, rà soát, thậm chí một số người dân còn làm đơn nhờ DN tìm kiếm giúp phần mộ bị thất lạc. 
Sau khi tìm hiểu thực tế, ông Phạm Tiến Cảm – Chánh Thanh tra sở TNMT – đã khẳng định, DNTN Khai thác vật liệu Cựu chiến binh thôn Thọ Đơn đã khai thác cát trái phép tại hai điểm là phía Bắc và phía Nam mỏ (khối lượng cụ thể sẽ được kiểm tra sau). Theo quy định, công suất cho phép DN khai thác là 20.000m3/năm đến năm 2015 nhưng kết kết quả kiểm tra thực địa đã cho thấy trữ lượng mỏ cấp phép đã bị khai thác gần hết, như vậy đã vượt 50% công suất khai thác cho phép. 
Trước những sai phạm trên, ông Nguyễn Hữu Thiện – Phó GĐ sở TNMT tỉnh – đã quyết định đình chỉ hoạt động khai thác cát của DN trên, những sai phạm liên quan sẽ được xử lý trong thời gian tới và sẽ trình UBND tỉnh ra quyết định xử lý. Về việc phản ánh xâm phạm mồ mả, đoàn kiểm tra đã giao chính quyền địa phương xác minh và làm rõ những phản ánh của người dân. 
Tuy nhiên, ông Thiện cũng khẳng định “trước mắt việc khai thác chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các phần mộ còn lại. Tuy nhiên thời gian tới do độ sâu và khoảng cách từ vị trí đã khai thác đến phần mộ rất gần nên sẽ có nguy cơ gây xói lở và mất phần mộ, vì vậy việc người dân lo lắng và phản ánh là đúng”. Cũng tại buổi làm việc sau khi khảo sát thực tế, đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu người dân địa phương khẩn trương tháo dỡ rào chắn và các trụ bê-tông trái phép trên tuyến đường vào mỏ cát và yêu cầu DN nghiêm túc thực hiện kết luận đã khẩn trương di dời máy móc ra khỏi khu vực mỏ khai thác.
Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra cũng đã khẳng định: trách nhiệm để xảy ra sai phạm trên thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là lãnh đạo xã Quảng Thọ và thôn Thọ Đơn đã buông lỏng trong việc quản lý. Theo ghi nhận của PV Lao Động, cả ông Nguyễn Đình Lân – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ và ông Đoàn Xuân Vương – Trưởng thôn Thọ Đơn – đều khá “bất ngờ” khi đoàn kiểm tra kết luận về việc khai thác cát trái phép của DN trên, hai điểm khai thác cát trái phép trên có diện tích rất lớn nhưng chính quyền lại “không biết” (?!)