ĐĂNG BỞI  - 
Trước khi căng thẳng ở Ukraine leo thang, các công ty nước ngoài ở Nga cho biết rất nhiều lãnh đạo của họ bị trục xuất khỏi Nga chỉ vì những vi phạm pháp luật nhỏ. Tình trạng này ngày càng diễn ra thường xuyên hơn khi phương Tây đang đe dọa áp đặt cấm vận đối với Nga.

Từ cuối năm 2013 đến nay, gần 1.000 visa lao động của các công dân người nước ngoài đang làm việc tại Nga đã bị thu hồi với nguyên nhân là vi phạm hành chính. Lý do đưa ra chỉ là những lỗi nhỏ như đỗ xe sai chỗ, hút thuốc ở nơi bị cấm hoặc thậm chí người đi bộ không chấp hành đúng luật giao thông.
Alexis Rodzianko - chủ tịch của Phòng thương mại Mỹ tại Moscow - cho biết nhiều người được thông báo visa của họ gặp rắc rối chỉ vì đã bị phạt chạy xe quá tốc độ 2 lần. Phòng thương mại Mỹ tại Moscow là cơ quan thúc đẩy lợi ích của Exxon Mobil Corp., PepsiCo Inc. và 800 công ty nước ngoài khác.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Thứ trưởng Kinh tế của Nga Sergei Belyakov cho biết, ông biết rằng những vấn đề trên có tồn tại và đang cố gắng làm việc với cơ quan nhập cảnh để giải quyết khó khăn.
Năm 2011, khi sửa đổi các điều luật, các nhà làm luật Nga khẳng định các quy định chặt chẽ hơn về visa là cần thiết để giảm bớt số lượng người nhập cư trái phép (khoảng 3,5 triệu người). Tuy nhiên, phần lớn những người nhập cư trái phép đến từ những vùng nghèo hơn thuộc Liên bang Xô Viết cũ chứ không phải các nước phương Tây.
Giống như Phòng thương mại Mỹ, châu Âu cũng cảnh báo về những rủi ro khi làm việc ở Nga, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, các nhà làm luật đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để cho phép chính quyền Nga tịch thu tài sản của các công ty phương Tây trong trường hợp Nga bị cấm vận.
Ở một diễn biến khác có liên quan, tài phiệt Nga cũng ồ ạt rút tiền khỏi phương Tây.
Tờ Guardian (Anh) đưa tin, tuần qua, các nhà tài phiệt Nga cũng rút một lượng lớn cổ phần là trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá đến 100 tỉ USD khỏi New York và chuyển đến các quỹ an toàn nằm ngoài ảnh hưởng của Mỹ
Động thái trên làm dấy lên suy đoán Nga đang chuẩn bị đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Tờ Guardian cho rằng Ngân hàng trung ương Nga có thể đứng sau các vụ chuyển tiền nói trên, cũng có khả năng một số nhà tài phiệt Nga hành động trước để tránh bị đóng băng tài khoản tại Ngân hàng trung ương Mỹ.
Tuần trước, nhiều người dân đã đứng xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài các ngân hàng ở Khu tự trị Crimea, Ukraine, trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3 về quyết định sáp nhập vào Nga. Họ đã phải xếp hàng nhiều ngày liền để rút được càng nhiều tiền càng tốt.
Các quan chức chính quyền Crimea đã nỗ lực đảm bảo với người dân Crimea là sẽ không có vấn đề gì ảnh hưởng đến lương hưu hoặc tiền lương thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo AFP, vẫn chưa rõ hệ thống tài chính, ngân hàng sẽ hoạt động như thế nào nếu Crimea chính thức ly khai khỏi Ukraine.
A.T (ảnh minh họa từ www.dw.de)