ĐĂNG BỞI  - 
Hiện TP.HCM chỉ mới có 104 doanh nghiệp đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, còn lại gần 2.900 doanh nghiệp chưa thấy "động tĩnh" gì.
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời hạn 12 tháng (kể từ ngày 25.5.2012), các tổ chức đang hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các tổ chức đang hoạt động kinh doanh, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ cũng phải đăng ký lại với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, dù thời hạn trên đến nay đã qua gần 10 tháng, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký tại TP.HCM khá ít, chỉ 104 doanh nghiệp được NHNN chi nhánh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trong tổng số khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ (đa phần vừa sản xuất, vừa kinh doanh trang sức).
Những doanh nghiệp được cấp giấy chủ yếu tập trung tại quận Thủ Đức, quận 9, quận 5, huyện Củ Chi, Q.5 (từ 7-11 doanh nghiệp), trong khi các quận nội thành như quận 4, quận 10, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh... chỉ có từ 1-3 doanh nghiệp mỗi quận đăng ký.
Tình trạng ít doanh nghiệp đăng ký, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, một phần là do nhiều doanh nghiệp không còn tham gia hoạt động này khi thị trường trang sức ế ẩm vài năm qua. Xu hướng doanh nghiệp chỉ kinh doanh nữ trang thay vì tự sản xuất tại xưởng đang dần rõ nét, họ đặt gia công để tiết kiệm chi phí, hạn chế việc phải xin thêm giấy chứng nhân sản xuất đủ điều kiện với thủ tục rườm rà, quản lý chặt. Khả năng khác là doanh nghiệp nhỏ chưa biết đến chủ trương này để đăng ký theo đúng quy định.
Kể từ tháng 6.2014, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức phải tuân theo các quy định trong thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ về đo lường và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ sau khi đăng ký.
Theo đó, các doanh nghiệp bán nữ trang không đủ tuổi vàng sẽ bị xử phạt. Trên sản phẩm vàng phải ghi rõ các tiêu chuẩn chất lượng vàng, giấy đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu...
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA), đánh giá thông tư 22/2013/TT-BKHCN là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Hiện trên thị trường có rất nhiều cửa hàng nữ trang bán vàng nữ trang 18k (75% vàng), nhưng thực tế đa phần dao động từ 70-73% vàng.
Nhưng chính sự ra đời của thông tư này lại phần nào khiến các doanh nghiệp nhỏ khó tồn tại bởi doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể cạnh tranh được nhờ giá rẻ, khi phải sản xuất đủ tuổi, chi phí sẽ đội lên cao.
Đáng lưu ý nữa là vấn đề thuế đặc biệt đối với vàng nữ trang đang được bàn thảo. Các doanh nghiệp nữ trang cho biết họ đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu không thể nhập từ nước ngoài, trong khi mua trong nước giá cao do chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng không được vay tiền mua vàng, thì việc đánh thuế sẽ khiến doanh nghiệp đã khó còn khó hơn.
Ông Minh cho biết hiện NHNN chi nhánh TP.HCM vẫn tiếp tục nhận đăng ký cấp phép của các doanh nghiệp sản xuất nữ trang. Nếu doanh nghiệp vẫn sản xuất nữ trang để bán mà không xin phép, khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý.
Việc xử phạt sẽ thực hiện theo Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ngoài mức phạt tiền còn bổ sung hình phạt tịch thu tang vật.
A.T (ảnh minh họa từ internet)