TVNN-Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu... Quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.
Kền kền ăn xác thối là cách “mưu sinh” rất đỗi bình thường của hiện tượng tự nhiên trong thế giới muôn loài. Thế nhưng khi được vận dụng trong cái thế giới “chữ nghĩa” đa đạng của loài người, nó hàm ý minh triết cao thâm, hay đơn giản chỉ là thái độ “cao ngạo, phách lối… tỏ ra nguy hiểm”… thì cũng tùy cách luận.
Ai “kền kền”, ai “xác thối”?
Ngày xưa, Nam Cao qua tác phẩm “Đôi mắt” đã khắc họa sắc lẹm “cái dạng văn sĩ Hoàng” ăn lạc rang, đọc truyện Tàu, mồm leo lẻo ca ngợi vĩ nhân nhưng lại coi thường, châm biếm, mỉa mai những người lao động cần cù, chân chất của giới cần lao. Và rồi ngày nay, “cái dạng văn sĩ Hoàng” ấy lại tiếp tục uống rượu Tây, đọc báo mạng và phán.
Họ phán rằng dư luận là một “đám kền kền”, và mỗi sự kiện như là “một xác thối”.
Họ cho rằng:
- Bức xúc làm gì chứ, cứ để cho các chủ trương “phạt cho tồn tại”, các dự án, công trình, những cây cầu vĩ đại ấy… được thực thi. Nếu có bị bớt xén phần trăm hoa hồng, nếu có bị tham nhũng khủng khiếp thì cái còn lại vẫn là những sản phẩm vĩ đại mà nhân dân có thể thụ hưởng được.
- Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu, đã làm quan thì phải nhà cao cửa rộng, quan mà nghèo thì nói ai nghe, nói ai tin, quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.
- Bức xúc làm gì chứ, cứ để cho cái nhóm lợi ích rửa tiền, khi đó đất nước mới có thêm nhiều bất động sản, khách sạn, sân golf, resort, casino, khu vui chơi, du lịch sinh thái… để cần lao sinh sống, vui chơi, du ngoạn. Công khai, minh bạch cho lắm thì người ta sẽ giấu tiền hoặc đem tiền đến nơi khác, khi đó có mà đói cả nút!
Thật ra, họ mới chính là “kền kền”, mà “xác thối” chính là thái độ thực dụng, tư tưởng đến đâu hay đến đấy, vô cảm trước mọi bất công của xã hội. Sao không đặt ngược lại vấn đề?
Ai dám chắc rằng những sản phẩm “vĩ đại” kia nó sẽ có chất lượng đúng nghĩa vĩ đại mà nhân dân được thụ hưởng dài lâu như mong muốn? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu như nó không “đúng quy trình” vĩ đại?
Ai dám chắc các vị quan đã giàu không có ý muốn giàu thêm? Với quỹ thời gian làm việc cố định và mức lương mà ai cũng biết là nếu tằn tiện lắm thì cũng chỉ đủ sống thì họ đã làm giàu bằng cách nào, họ tài như vậy sao đất nước vẫn chưa giàu lên được?
Ai dám chắc cần lao sẽ được vui chơi, du ngoạn thỏa thích ở cái chốn “phồn vinh” ấy khi đa số người dân phải chạy cơm, kiếm ăn từng bữa. Chỉ biết rằng, những đồng tiền sau khi được rửa đi, chúng sẽ thành tiền sạch, khi đó, tiền thuế nhân dân sẽ bị móc túi, thất thoát, thất lạc… thời gian càng lâu càng khó có khả năng truy hồi lại được.
Bình thường và bất thường
Một đất nước phát triển, văn minh, tiên tiến là một đất nước hạn chế được tối đa những dấu hiệu bất thường tiêu cực. Trước một sự kiện tiêu cực, phải coi sự xôn xao, bức xúc của dư luận là một thái độ đúng, một thái độ tích cực, thì cái xấu, cái ác mới có cơ may kiềm chế được.
Thế nhưng hiện nay, những dấu hiệu bất thường tiêu cực liên tục được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhiều vấn đề đã trở thành nan giải đối với hệ thống công quyền. Dư luận bức xúc, dẫu không giải quyết được triệt để sự việc, nhưng ít ra nó cũng góp phần phản ánh, gây áp lực lên các cơ quan chức năng để có biện pháp tức thời hay dài hạn nhằm khắc phục và hoàn thiện dần những sai sót.
Và ít ra, từ đó cho thấy được cái quyền giám sát của người dân đối với xã hội, đối với công chức, quan chức. Đừng nhìn người dân với đôi mắt coi thường như vậy, đừng báng bổ dư luận là “kền kền”, trong khi bản thân mình cũng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái “xác thối” ấy.
Thật trái khoáy khi một quan chức từ chối tiền hối lộ được ca ngợi rầm rộ trên báo, một cán bộ chống tham nhũng lại được tuyên dương, phát bằng khen, thưởng nóng. Đối với một xã hội pháp quyền, đối với một xã hội thượng tôn pháp luật, những chuyện ấy phải xem là hết sức bình thường, những quan chức, những cán bộ là những người đại diện cho pháp luật và nhiệm vụ của họ là phải bảo vệ, thực thi đến cùng những nguyên tắc ấy.
Nhưng bất thường hơn cả là ngày càng nhiều những người cho rằng những điều ấy là không bất thường. Họ dùng “đôi mắt” của “văn sĩ Hoàng” ngày xưa để mà ca ngợi sự phù phiếm ảo, giả tạo, vô cảm trước những bất công.
Sợ rằng những “đôi mắt” ấy, những trí thức như “văn sĩ Hoàng” kia được nhân rộng thêm ra, thì phải đợi đến tết… Công Gô mới có cơ may mà thịnh vượng, mới có cơ may bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Minh Phước
No comments:
Post a Comment