Chủ nhật, 16/03/2014, 14:09
Nếu như người dân Crimea chọn Nga thay vì Ukraine, quyết định này sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt: tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, đầu tư và nguồn cung năng lượng.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc có sáp nhập vào Nga hay không có thể khiến châu Âu quay trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh với nước láng giềng hùng mạnh ở phía Đông.
Nếu như người dân Crimea chọn Nga thay vì Ukraine, quyết định này sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt: tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, đầu tư và nguồn cung năng lượng.
Lệnh cấm vận
Phương Tây có thể đưa ra lệnh cấm vận đối với các lãnh đạo của Nga ngay vào ngày thứ Hai (17/3).
Ban đầu châu Âu và Mỹ sẽ chỉ giới hạn lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga từng tuyên bố sẽ trả đũa.
Lệnh cấm vận tập trung vào một số cá nhân thay vì các công ty Nga và hoạt động thương mại phản ánh nỗi lo ngại chiến tranh lạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh của khu vực.
Kinh tế Nga
Mặc dù các lệnh cấm vận sẽ gây tổn hại cho cả hai bên, giới phân tích cho rằng Nga sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn so với phương Tây. Kim ngạch xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm 1% GDP của EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm gần 15% GDP của Nga.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin (giờ đây là cố vấn kinh tế cho ông Putin), nhận định kể cả lệnh cấm vận hạn chế cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến đầu tư trong nước và nước ngoài của Nga. Các ngân hàng phương Tây đã đóng nguồn tín dụng. Phát biểu trên truyền thông Nga, ông Kurdin cho rằng nền kinh tế Nga sẽ không tăng trưởng trong năm 2014 do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng hiện nay.
TTCK Nga cũng đang lao đao. Chỉ số MICEX giảm gần 20% kể từ đầu năm đến nay, và đồng ruble cũng ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Các nhà đầu tư đã rút khoảng 33 tỷ USD khỏi Nga trong 2 tháng đầu năm. Theo dự đoán của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, con số có thể lên đến 55 tỷ USD vào cuối tháng 3.
Nga cũng phải trả giá đắt cho việc ủng hộ Crimea. Bán đảo này hiện đang có 70% ngân sách phụ thuộc vào Ukraine. 90% lượng nước, hầu hết năng lượng và nguồn cung thực phẩm của Crimea cũng lấy từ Ukraine.
Theo Yaroslav Pylynskyi – chuyên gia đến từ ĐH Toronto, sẽ là vấn đề lớn đối với Nga khi phải cung cấp tất cả nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân Crimea. Vị chuyên gia này ước tính trong vòng 5 năm tới Nga phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ cấp nguồn lương hưu và các khoản an sinh xã hội cho gần 2 triệu người dân Crimea.
Nguồn cung năng lượng
Vì cuộc khủng hoảng không xảy ra ở các phần khác của Ukraine, các chuyên gia phân tích cho rằng kịch bản chiến tranh thương mại trên diện rộng khó xảy ra và Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Với thể trạng yếu ớt hiện nay của nền kinh tế, Nga không thể liều lĩnh đánh mất nguồn thu từ xuất khẩu. Và, nguy cơ cắt nguồn cung khí đốt như năm 2009 cũng rất nhỏ bởi châu Âu đã tăng lượng khí đốt dự trữ và thời tiết cũng đã ấm hơn.
Nền kinh tế châu Âu
Xét đến mối quan hệ kinh tế và thương mại khá thân thiết giữa Nga và châu Âu như hiện nay, những ảnh hưởng lên các thị trường châu Âu sẽ là rất ít và chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Đức là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có hơn 6.000 công ty đang hoạt động ở Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo những ảnh hưởng tiêu cực có thể bị khống chế. Tăng trưởng của Đức sẽ chỉ giảm đi khoảng 0,1 – 0,2% trong vòng 12 tháng tớ (trong trường hợp khủng hoảng được hạn chế trong lãnh thổ Crimea).
Kinh tế Ukraine
Dù có Crimea hay không, Ukraine vẫn sẽ cần đến hàng tỷ USD trong vòng vài tháng tới để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn.
EU cung cấp cho Ukraine 15 tỷ USD trong 2 năm tới dưới dạng các khoản vay, tặng, đầu tư và ưu đãi thương mại. Mỹ hứa viện trợ cho Ukraine vay 1 tỷ USD và Ngân hàng Thế giới cũng rót 3 tỷ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án an sinh xã hội.
Một phái đoàn của IMF cũng đã tới khảo sát ở Kiev và dự đoán sẽ ở lại đến 21/3 để bắt đầu thảo luận về chương trình hỗ trợ và cải cách kinh tế.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/CNN Money
No comments:
Post a Comment