Sunday, March 16, 2014

Nguy cơ khi người Trung Quốc quá đông tại Hà Tĩnh



(Doanh nghiệp) - Hàng ngàn lao động trái phép đang làm việc chui tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự.

Số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc
Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Tĩnh vào tháng 1/2014 cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng 3.250 lao động nước ngoài (3.217 người tại KKT Vũng Áng). Trong đó, chỉ 1.340 người được cấp giấy phép lao động.
"Như vậy, có đến 1.910 lao động làm việc chui, không giấy phép. Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc", thông tin dẫn trên tờ Người lao động.
Trước đó, vào tháng 9/2013, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, rà soát lao động thuộc một số nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài ở KKT Vũng Áng, qua đó phát hiện hơn 570 người Trung Quốc không có giấy phép lao động.
Vào những lúc cao điểm, Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng có đến 3.000- 4.000 lao động nước ngoài làm việc, chủ yếu là người Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2014 với khoảng 6.000 lao động nước ngoài đến làm việc tại KKT Vũng Áng.
Tại công trình dự án Formosa (của Đài Loan) ở KKT Vũng Áng, ghi nhận chiều 14/3 hàng chục ô tô khách chở công nhân người Trung Quốc tạm trú tại các xã lân cận vào đây làm việc.
Tại khu nội trú bên trong khu dự án Formosa, nhiều tốp cán bộ, công nhân người Trung Quốc cũng đang khẩn trương ra công trường.
Tại dự án Formosa, rất nhiều lao động người Trung Quốc làm việc trái phép
Tại dự án Formosa, rất nhiều lao động người Trung Quốc làm việc trái phép
Bên ngoài các công trường dự án Formosa, hàng ngàn lao động phổ thông người Trung Quốc đang làm việc. Tất cả lao động này là của các công ty Trung Quốc trúng thầu thi công những hạng mục của Tập đoàn Formosa.
Dọc Quốc lộ 1, đoạn từ thị trấn Kỳ Anh đến hầm Đèo Ngang, thấy hàng trăm bảng hiệu công ty, bảng quảng cáo viết chữ Trung Quốc, chữ Việt lẫn lộn.
Bảng hiệu chữ Trung Quốc còn xuất hiện nhan nhản tại các tuyến đường, khu dân cư ở huyện Kỳ Anh. Anh Trần Anh Dũng, trú tại xã Kỳ Phương, lo ngại: “Ở đây, hễ bước ra ngõ là gặp người Trung Quốc, đi tới đâu cũng thấy chữ Tàu treo đầy đường”.
Ông Nguyễn Lộc Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Kỳ Anh, thừa nhận: “Nhiều công ty, nhà dân treo các biển viết chữ Trung Quốc sai quy định. Huyện đã tổ chức kiểm tra nhưng xử lý các trường hợp sai này chưa xong lại xuất hiện thêm các trường hợp khác”.
Trong khi đó: “Nhiều đơn vị sử dụng lao động nước ngoài cố tình che giấu số người thực tế, trong khi biên chế của đội ngũ thanh tra, cán bộ ngành LĐ-TB-XH chưa bảo đảm thực hiện việc kiểm tra hằng quý theo quy định”, một cán bộ Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh phân trần.
Không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội nữa
Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan từng bày tỏ lo ngại về việc các doanh nghiệp FDI đang "lấn sân" khu công nghiệp Việt cùng với vấn đề quốc phòng an ninh.
"Nói về FDI mình cần phải lo và cảnh báo mặt trái của FDI, mặt trái những năm vừa rồi nổi lên càng ngày càng rõ như hiện tượng chuyển giá vẫn chưa có công cụ ngăn chặn. Năm vừa rồi Bộ Tài chính có đi vào điều tra thêm và điều chỉnh lại nhưng chưa làm một cách rộng rãi và có công cụ thực sự hữu hiệu về lâu về dài để kiểm soát điều đó".
Đặc biệt bà Phạm Chi Lan quan ngại việc doanh nghiệp FDI lấn sân các doanh nghiệp Việt Nam.
"FDI lấn sân doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu được biểu hiện rất rõ nhưng trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ Việt Nam có thành tích tăng trưởng nhưng trong đó bao nhiêu % là FDI?
Bởi vì số doanh nghiệp Việt Nam chết nhiều, giảm mạnh, doanh nghiệp nhà nước không cải thiện được nên rõ ràng sự phát triển là do nhân tố còn lại là FDI. Liệu mình có thể cứ chỉ dựa vào FDI mãi được không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Bà Lan kiến nghị, cần nhìn ở tầm dài hạn hơn thay vì lo năm 2014 có tăng trưởng hay không vì giá phải trả sau đó lớn hơn rất nhiều so với giá trước đây từng trả.
"Lần này tôi cảm thấy rủi ro hơn rất nhiều khi ở Hà Tĩnh thời gian vừa qua, mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội nữa.
Thành ra đừng quá háo hức với chuyện này và cần lưu ý mặt trái như thế nào, chúng ta muốn phát triển đất nước tạo cơ hội cho những người trẻ hay chúng ta cứ muốn có cơ hội từ nước ngoài mang đến", bà Lan nói.
Thiếu tướng đi kiểm tra
Trước thực trạng trên, mới đây, đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), về thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh trong địa bàn.
Qua kiểm tra, thấy vấn đề quản lý lao động là người nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng gặp nhiều khó khăn.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, biên phòng phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hữu hiệu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tổ chức đăng ký việc ra, vào, tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn khoa học và đúng pháp luật.
Đồng thời, Ban CHQS huyện Kỳ Anh, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chủ động xây dựng phương án khu vực phòng thủ, xử lý tình huống đột xuất, bổ sung lực lượng, phương tiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Phương Nguyên

No comments:

Post a Comment