Thời gian gần đây, xung quanh Dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ đưa ra về tinh giản biên chế Nhà nước, trong đó dự kiến giảm 100.000 biên chế trong thời gian 2014-2020, đang có nhiều ý kiến bàn luận khá sôi nổi.
Trước ý kiến về con số biên chế sẽ tinh giản, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn giải thích “Không đặt mục tiêu tinh giản 100.000 biên chế”, mà “Mục tiêu là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ” (VNN, ngày 12-2-2014). Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề đặt ra không đơn giản như vậy.
Cuộc cải cách nền hành chính nhà nước – nói cách khác, là một nội dung của cuộc đổi mới chính trị gắn với đổi mới kinh tế mà chúng ta đang thực hiện. Bài viết này xin được nêu lên một số ý kiến để cùng tham gia nghiên cứu, trao đổi.
Xác định đúng chức năng của Nhà nước
> Đề án tinh giản biên chế nhằm vào đội ngũ “cắp ô”
> 6 năm, cắt giảm 100.000 biên chế vẫn khả thi
> Tinh giản biên chế: Cắt ai, ai cắt?
Từ nhiều năm nay, cuộc cải cách hành chính đã được triển khai, hiện nay là thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 với sáu nội dung: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; (4) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (5) Cải cách tài chính công và (6) Hiện đại hóa hành chính.
> 6 năm, cắt giảm 100.000 biên chế vẫn khả thi
> Tinh giản biên chế: Cắt ai, ai cắt?
Từ nhiều năm nay, cuộc cải cách hành chính đã được triển khai, hiện nay là thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 với sáu nội dung: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; (4) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (5) Cải cách tài chính công và (6) Hiện đại hóa hành chính.
Thực tế cho thấy cả sáu nội dung ấy của cải cách hành chính đều gắn rất chặt với nội dung hoạt động của Đảng, của bộ máy Nhà nước, thị trường và tổ chức xã hội; không thể cải cách riêng rẽ nền hành chính nhà nước nếu không có sự cải cách tương ứng của các cơ quan, tổ chức nói trên.
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có chức năng gì là một vấn đề rất lớn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ chức năng, nhiệm vụ đến tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, v.v… Những việc gì Chính phủ nhất thiết phải làm, những việc gì Chính phủ không cần làm hoặc có làm cũng kém hiệu quả mà nên chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Cũng có thể nói thêm: những việc gì Đảng nhất thiết phải lãnh đạo (với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện) và trực tiếp thực hiện bằng bộ máy của mình, còn những việc gì thì nên giao cho Quốc hội hoặc Chính phủ thực hiện. Về phía Quốc hội cũng vậy. Việc nào nên đặt ở tổ chức nào và kết hợp với nhau thì đạt hiệu quả cao hơn là điều cần cân nhắc.
Chỉ trên cơ sở xác định rõ sự “phân vai” rõ rệt ấy, mới bố trí bộ máy, chọn nhân sự và tổ chức hoạt động sao cho có hiệu quả. Nếu không, rất dễ xảy ra tình trạng bộ máy chồng chéo, cồng kềnh, biên chế lãng phí, và nhất là trách nhiệm không rõ, từ đó, tham nhũng xảy ra là không tránh khỏi.
Trong bài viết đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội”.
Như vậy cũng tức là sự chuyển đổi quan niệm về một Nhà nước “cai trị”, “quản lý”, “điều hành” thậm chí “hành… là chính” (như Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng nói) sang “kiến tạo phát triển” phù hợp với lý thuyết về Nhà nước hiện đại. (Khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển” được đưa ra lần đầu năm 1982 bởi giáo sư Mỹ Chalmers Ashby Johnson, Đại học California, trong đó Nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô – theo Wikipedia).
Như vậy, để xác định hoạt động của Nhà nước, cái gốc vẫn là thể chế; không đổi mới thể chế, vẫn níu kéo cơ chế “xin – cho”, thậm chí để cho “lợi ích nhóm” tác động vào thể chế, chính sách, sẽ không có cơ sở để bố trí bộ máy, tuyển chọn nhân sự; việc tinh giản biên chế dựa vào đâu mà thực hiện?
Thể chế kinh tế có liên quan chặt chẽ với thể chế chính trị. Những năm qua, chúng ta tập trung đổi mới thể chế kinh tế, điều đó là đúng, nhưng đến nay, công cuộc đổi mới đòi hỏi đẩy mạnh đổi mới thể chế chính trị, đó là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, v.v… mà cốt lõi là bảo đảm các quyền của con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đáng mừng là những nội dung nói trên đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua; hy vọng rằng việc thi hành Hiến pháp sẽ tạo sức mạnh mới cho công cuộc phát triển đất nước.
“Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”
Như trên đã nói, trong nền kinh tế thị trường, cần có sự hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp của ba trụ cột (Nhà nước, Thị trường, Tổ chức Xã hội), trong đó có sự “phân vai” rõ ràng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau cùng vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trong giới nghiên cứu, thường dùng hình tượng “Nhà nước nhỏ” với ý nghĩa là bộ máy Nhà nước tinh gọn, song hiệu lực và hiệu quả cao, chứ không phải là hạ thấp vị trí, vai trò của Nhà nước. Cũng như vậy, nói “Xã hội lớn” là với ý nghĩa thị trường (các doanh nghiệp) ngày càng mở rộng sản xuất, kinh doanh trên khắp các ngành nghề mà pháp luật không cấm; và các tổ chức xã hội có chức năng góp phần với Nhà nước trong việc cung ứng các dịch vụ công đồng thời khỏa lấp các khiếm khuyết của thị trường, nhất là bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.
Những điều nói trên, thực tiễn đã khẳng định, song vẫn cần nhắc lại, vì chưa phải mọi người đã nhất trí, nhất là đối với hoạt động của các tổ chức xã hội, có người còn cho là “công cụ diễn biến hòa bình” (!?).
Đối với thị trường, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn là Nhà nước tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật nhằm bảo đảm sự vận hành thông thoáng của thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Cần dành không gian cho thị trường tự điều tiết, cho sự phân bổ các nguồn lực có hiệu quả cao nhất về kinh tế – xã hội. Cần rà soát chặt chẽ, giảm thiểu những văn bản xâm phạm quyền tự do kinh doanh hoặc quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của người dân đang có chiều hướng phát triển.
Gần đây nhất, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho rằng Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng là gây thiệt thòi cho người mua nhà chung cư, ban hành trái thẩm quyền và không phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự và Luật Nhà ở (Báo Tuổi trẻ, 25-2-2014). Trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội để xem xét Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã kêu trời: “Bắt người dân chạy 15-20 cái giấy nộp mới đủ. Luật này có cải cách hành chính không?” (VNN, ngày 21-2-2014).
Đầu tư công nên hạn chế đến mức thấp nhất, nhằm vào những nhu cầu thiết yếu nhất, những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không muốn đầu tư hoặc chưa đủ sức đầu tư. Cần xóa bỏ những rào cản ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế tư nhân. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh hơn nữa (Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong hai năm 2014-2015 là một dấu hiệu tích cực).
Đối với các đoàn thể nhân dân, các tổ chức tự nguyện do dân lập ra – gọi chung là các tổ chức xã hội, hiệu quả và tác dụng đã thể hiện khá rõ và ngày càng cao hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước nên khuyến khích hơn nữa các hội, hiệp hội, các trung tâm, câu lạc bộ, quỹ xã hội, v.v… góp ý kiến để nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, theo dõi, góp ý kiến với các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật, phòng, chống tham nhũng.
Nhà nước cũng nên chuyển giao cho các tổ chức này trực tiếp thực hiện các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, khuyến công, khuyến nông, bảo đảm an sinh xã hội, v.v… qua đó thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân, khơi dậy những nguồn lực phong phú và to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng xin nói thêm là nên tách riêng số cán bộ, viên chức của các tổ chức này ra khỏi danh mục biên chế công chức nhà nước. Như vậy sẽ bớt được biên chế của cơ quan nhà nước; vừa tạo điều kiện tinh giản biên chế công chức, để có thể sắp xếp lại bộ máy nhà nước, thu hút chuyên gia giỏi, tăng lương cho đội ngũ công chức; vừa tránh được xu hướng “hành chính hóa” các đoàn thể, khi cán bộ đoàn thể cũng mang chức danh “công chức” và ăn lương nhà nước.
Tóm lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đang là một yêu cầu cấp bách, song phải giải quyết trong tổng thể cuộc cải cách hành chính Nhà nước, đổi mới chính trị. Trước những thời cơ và thách thức mới trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay, vấn đề đặt ra là bàn luận cho ra lẽ, để thống nhất nhận thức, từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực và quyết tâm thực hiện, bảo đảm cho đổi mới kinh tế có thêm thuận lợi để triển khai.
THEO DNSG
No comments:
Post a Comment