HÀ NỘI (NV) - Bộ Y Tế Việt Nam vừa gửi công điện cho chính quyền các địa phương, yêu cầu phòng ngừa, giám sát sự bùng phát của dịch cúm gia cầm do virus H7N9 gây ra.
Công điện còn nhắc nhở đến nguy cơ một số chủng virus mới gây dịch cúm gia cầm như H6N1, H10N8 từ Trung Quốc xâm nhập Việt Nam.
Thiêu hủy gia cầm bị nhiễm virus H5N1 ở Hà Tĩnh. (Hình: Dân Việt) |
Hồi giữa tháng trước, Bộ Y Tế Việt Nam đã phát cảnh báo tương tự sau khi tỉnh Quảng Ðông của Trung Quốc loan báo có bảy ca nhiễm virus cúm H7N9. Quảng Ðông vốn là nơi có rất nhiều người Việt thường xuyên lui tới để du lịch và thực hiện các giao dịch thương mại.
Giống như virus cúm H5N1, virus cúm H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm và có thể lây từ gia cầm sang người.
Giới khoa học phát giác virus cúm H7N9 hồi tháng 2 năm ngoái. Lúc đó, tuy dịch cúm H7N9 chỉ lây lan trong phạm vi Trung Quốc nhưng Tổ chức Y Tế Thế Giới đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu, nếu virus cúm H7N9 lọt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Từ đó đến nay, số người nhiễm và chết do virus cúm H7N9 tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Ðáng lưu ý là dịch cúm H7N9 đang lan rộng đến các tỉnh phía Nam Trung Quốc, nằm sát biên giới Việt Nam. Dịch cúm H7N9 cũng đã xuất hiện ở Hồng Kông, Ðài Loan. Bốn bệnh nhân nhiễm virus này đều đã từng đến các ổ dịch tại Trung Quốc.
Ðáng lưu ý là bất kể sự nguy hiểm của H7N9, giới buôn lậu vẫn tìm mọi cách đưa gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh sự đe dọa của virus H7N9, dịch cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra đang tái bùng phát tại nhiều nơi ở Việt Nam.
Mới đây, gia cầm của một trang trại ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh đột nhiên chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm cho thấy chúng bị nhiễm virus H5N1. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Ở miền Trung, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vừa tuyên bố huyện Ðức Phổ là vùng có dịch. Hàng ngàn gia cầm được nuôi ở các xã Phổ Hòa, Phổ Châu, Phổ Văn, Phổ Cường đã lăn ra chết và kết quả xét nghiệm cho thấy những gia cầm này bị nhiễm virus H5N1.
Tại miền Nam, tình trạng gia cầm đột nhiên chết hàng loạt cũng vừa mới xảy ra ở các huyện Cần Ðước, Tân Trụ, Châu Thành, tỉnh Long An. Cách nay một vài ngày, giới hữu trách ở tỉnh Cà Mau loan báo đã thực hiện việc thiêu hủy khoảng 200 con gà nhiễm virus H5N1 ở huyện Thới Bình. Tuy đã được chích ngừa nhưng chưa rõ vì sao đàn gà này vẫn bị lây nhiễm virus H5N1.
Trước nữa một chút, các ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại nhiều nơi ở cả miền Nam như Bình Phước, Ðồng Tháp, Tây Ninh lẫn miền Bắc như Bắc Ninh. Riêng ở Bắc Ninh, hồi tháng trước, số gia cầm bị nhiễm virus H5N1, phải tổ chức thiêu hủy lên tới 11,000 con.
Ðáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, đã có hai người, một ở Bình Phước và một ở Ðồng Tháp thiệt mạng vì bị nhiễm virus H5N1.
Dù cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra đang bùng phát trên diện rộng nhưng giới hữu trách ở Việt Nam vẫn không thể ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm, kể cả vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc, Cambodia là những nơi dịch cúm gia cầm đang tràn lan, vào Việt Nam. Tuy các tỉnh liên tục kêu gọi chủ các trại chăn nuôi chích ngừa cho gia cầm nhưng rất ít nông dân đang nuôi gà, vịt đáp ứng lời kêu gọi này.
No comments:
Post a Comment