Tuesday, February 11, 2014

Bất ổn xã hội nguy hiểm hơn bất ổn kinh tế

SÀI GÒN (NV) Khi niềm tin bị mất, lòng người không yên, nhân tâm ly tán thì vài thập kỷ chưa chắc đã khôi phục được mà đó lại là những nền tảng để một xã hội có thể phát triển.
Ông Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) - một hình thức viện trợ thông qua liên kết đào tạo giữa Ðại Học Harvard và Ðại Học Kinh Tế ở Sài Gòn vừa cảnh báo như thế.


Công an tìm kiếm hài cốt người cho vợ bí thư xã Kim Long, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vay tiền và sau khi đòi nợ thì đột nhiên mất tích. Hàng loạt vấn nạn xã hội nghiêm trọng tại Việt Nam, trong đó có suy đồi đạo đức được xem là lỗi của thể chế. (Hình: Người Lao Ðộng)
Trong một bài viết gần đây, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định, năm vừa qua là năm thứ 5 mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rơi vào suy giảm. Dẫu lạm phát không còn ám ảnh thường trực như giai đoạn 2007-2008 hay 2011, song nền kinh tế Việt Nam vừa tăng trưởng chậm, vừa tỏ ra thiếu sức sống, thậm chí suy kiệt. Sự suy kiệt thể hiện qua việc mỗi tháng, có trung bình khoảng 5,000 doanh nghiệp giải thể hay ngừng hoạt động. Cũng trong năm ngoái, các chương trình tái cấu trúc được triển khai chậm chạp và thiếu hiệu quả, làm cho hy vọng về sự hồi phục ngày càng trở nên xa vời.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Việt Nam trong năm 2014 vẫn sẽ là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và phục hồi sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do bị chi phối bởi vô số các ưu tiên trước mắt, đặc biệt là các vấn đề kinh tế, có thể chính quyền Việt Nam không đánh giá hết hệ lụy của nhiều vấn đề xã hội đã trở thành đặc biệt nhức nhối trong vài năm gần đây.
Các biểu hiện đó mỗi ngày một nhiều và càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, chỉ cần nhìn vào những ngành, những lĩnh vực vốn vẫn được xem là có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ “lương tâm của xã hội” như: thầy giáo, thầy thuốc, tôn giáo, tâm linh, tòa án, công an, báo chí thì cũng có thể thấy rõ tình trạng đó.
Trong khi một số cá nhân vội vàng quy kết những vấn nạn xã hội tại Việt Nam cho kinh tế thị trường thì ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, nếu suy xét kỹ, chúng ta sẽ thấy sự quy kết này là thiếu cơ sở.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, một nền kinh tế thị trường đích thực sẽ không ngang nhiên làm hại rồi quẳng xác khách hàng xuống sông để phi tang. Những sai trái trong các giao dịch phi thị trường (như tìm hài cốt liệt sĩ hay điều tra thủ phạm giết người) hay ít tính thị trường (như đào tạo ở đại học công lập hay xét nghiệm y tế ở bệnh viện công) hiển nhiên cũng không thể đổ tại kinh tế thị trường mà chỉ có thể bắt nguồn từ lòng tham và sự bất nhân.
Ông Vũ Thành Tự Anh khẳng định, mặc dù lòng tham có thể là một tính xấu phổ biến của con người nhưng sự bất nhân không hề có tính phổ quát. Sự bất nhân đến từ sự sa đọa của bản thân con người và/hoặc từ niềm tin là một người có thể phạm tội mà không bị phát hiện, và/hoặc nếu bị phát hiện thì cũng không bị trừng phạt một cách tương xứng ố tất cả đều không phải là hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường.
Giám đốc nghiên cứu của FETP cũng phản đối việc cho rằng sự nảy sinh các vấn nạn xã hội, đặc biệt liên quan đến tội phạm là do “nghèo đói sinh đạo tặc.” Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, có một phần sự thật trong câu nói vẫn lưu truyền này nhưng ông nhấn mạnh, cần nhớ rằng theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, trong giai đoạn 2008-2013, thu nhập trung bình tính trên đầu người của Việt Nam vẫn tăng gần 10%/năm theo giá cố định. Thành ra theo ông, nếu quả thực “nghèo đói sinh đạo tặc” thì vấn đề không phải là do mức sống chung của xã hội giảm xuống, mà do kết quả kinh tế đã bị phân bổ không công bằng giữa các nhóm dân cư trong xã hội.
Ông Vũ Thành Tự Anh dẫn ý kiến của Giáo Sư Douglass North, người được giải Nobel Kinh Tế 1993, cho rằng, các vấn nạn xã hội bắt nguồn từ hệ thống thể chế (bao gồm hệ thống các quy tắc thành văn như Hiến Pháp, luật và các văn bản dưới luật, các quy tắc bất thành văn như: phong tục, tập quán và các cơ chế cưỡng chế thi hành các quy tắc này). Nói cách khác, “thể chế nào con người ấy và con người nào thể chế ấy,” cũng vì vậy thể chế yếu kém là nguyên nhân của những vấn nạn xã hội và kinh tế hiện nay.
Ông Vũ Thành Tự Anh lấy làm tiếc là đến nay, Việt Nam gần như không quan tâm đến việc điều tra, nghiên cứu xã hội nghiêm túc để có thể chỉ ra ngọn nguồn của những vấn đề xã hội nổi cộm cùng những hệ lụy của chúng. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng khi Việt Nam có xu hướng chú tâm nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế, đặc biệt là các vấn đề có tính tình thế, kỹ thuật, thậm chí không thực chất.
Giám đốc nghiên cứu của FETP khuyến cáo, lịch sử cho thấy, khi kinh tế đi xuống, có thể chỉ cần vài năm để hồi phục, song một khi niềm tin bị mất, lòng người không yên, nhân tâm ly tán thì vài thập kỷ cũng chưa biết có đủ để khôi phục hay không, mà đó lại chính là những nền tảng để một xã hội có thể phát triển. Muốn giảm thiểu chi phí xã hội trong quá trình phát triển ở Việt Nam, các vấn đề xã hội phải được đặt vào đúng vị trí của chúng trong chương trình nghị sự, trong chương trình nghiên cứu của các trường và viện nghiên cứu và trong sự quan tâm của xã hội.(G.Ð)

No comments:

Post a Comment