Tuesday, February 11, 2014

Buôn sừng tê trái phép ở Hà Nội.

“…Những gì chúng ta đang chứng kiến vào ngay lúc này là việc tàn sát rộng lớn một loài vật, bị săn trộm để cung ứng cho thị trường đang ngày càng lớn và không bền vững là Việt Nam, cùng với các nơi khác nữ. Cộng đồng quốc tế phải khẩn cấp tập trung giải quyết vấn đề, kết tội những kẻ tội phạm đứng đằng sau những mạng lưới có tổ chức trong việc buôn bán này…”


sungtegiac01
Lượng tê giác bị săn trộm để lấy sừng ở Nam Phi đang lên cao tới mức kỷ lục. Nhiều chiếc sừng cuối cùng đang được đem bán bất hợp pháp tại các nước như Việt Nam.
Hôm 30/12/2013, một kiểm lâm tuần tra tại Nam Phi đã thấy xác một con tê giác nặng chừng hai tấn, dài 3 mét.
Sừng của nó đã bị chặt khỏi đầu và con vật rõ ràng là đã chết từ từ một cách đau đớn.
Nhân viên kiểm lâm này đã dùng sóng vô tuyến liên lạc về trung tâm và nói một cách đơn giản, "Một chú nữa đi rồi".
Họ hiểu ngay ông nói gì.
Với cái chết đó, tổng số tê giác bị săn giết trộm để lấy sừng trong năm ngoái tăng lên 1.004, tăng 50% so với năm trước.
Cơ quan phụ trách vấn đề môi trường của Nam Phi nói trong năm 2012, có 668 chú tê giác bị giết. Một thập niên trước, trong năm 2003, chỉ có 22 con tê giác bị săn trộm.
Nếu tốc độ này tiếp diễn, tê giác châu Phi sẽ đối diện nguy cơ tuyệt chủng, theo Naomi Doak từ Traffic, một mạng lưới có uy tín chuyên giám sát đời sống hoang dã.
"Tính đến cuối 2014, chúng ta bắt đầu chứng kiến tình trạng tiêu cực với nạn tê giác bị giết chết, bị săn trộm ở tốc độ cao hơn mức sinh đẻ, và lượng tê giác bắt đầu bị giảm xuống một cách nhanh chóng", bà nói.
Phố Thuốc Bắc ở Hà Nội tràn ngập những người bán rong, chở đồ trên xe đạp luồn lách qua những chiếc xe hơi.
Mọi người ngồi tràn ngập trên vỉa hè để uống trà, hút thuốc và chơi bài. Cảm giác hoàn toàn khác biệt so với những bình nguyên rộng lớn của Nam Phi.
Nhưng với tê giác, thì đáng buồn là hai thế giới này lại kết nối, không thể tách rời.
sungtegiac02
Được bảo rằng đây là nơi có thể mua được sừng tê tại Hà Nội, tôi quyết định tới xem chuyện đó dễ dàng ra sao.
Tại quốc gia cộng sản này, các phóng viên bị theo dõi sát sao. Cho nên nhân viên an ninh mà giới chức cử đi với tôi không bao giờ vắng mặt.
Tại Việt Nam, mua bán sừng tê là bất hợp pháp kể từ tám năm nay, và tất cả những người bán hàng đều lắc đầu khi nghe tôi hỏi mua. "Không còn bán ở phố này từ lâu rồi", một người nói.
Nhưng khi tôi quay trở lại, không có nhân viên an ninh đi kèm và với một máy quay bí mật, thì các nhà buôn vui vẻ tiếp đón.
Tôi nói ông chồng mình bị đau yếu. Một nhà buôn nói với tôi rằng nếu tôi nghiền sừng tê thành bột rồi trộn với rượu, chất đó sẽ chữa khỏi bệnh ung thư cho ông chồng.
"Nếu là ung thư giai đoạn giữa, cơ hội khỏi bệnh là 85-90%", ông nói.
Với giá 6.000 đô la Mỹ 100g, tại Việt Nam sừng tê đắt hơn vàng nếu tính giá vào thời điểm này, dẫu các nhà sinh vật học nói cấu thành sừng tê thì tương tự như móng tay người.
Tôi đến một tiệm khác, gặp người tự xưng là thầy lang và nói tôi muốn chữa chứng đau đầu như say rượu. "Cô đến đúng chỗ rồi đấy", ông Nguyễn nói, và đưa một miếng sừng tê lớn vào tay tôi. "Nó chữa sốt, giải độc khỏi cơ thể rất tốt, cho nên rất tốt để chữa chứng đau đầu như say rượu".
Tôi được cảnh báo là có rất nhiều sừng tê bán tại phố Thuốc Bắc là hàng giả. Tôi đem chuyện này ra hỏi ông Nguyễn.
"Tôi đã tự đến Nam Phi", ông nói rồi giơ ra cho tôi xem giấy phép săn bắn hai con tê giác hồi năm 2009.
Bà vợ ông đi cùng, và ông còn có bức ảnh chụp đứa con trai tám tuổi đứng cạnh con vật mà ông đã bắn chết.
Ông cho tôi xem các tài liệu giấy tờ, đều được đóng dấu bởi Công ước Quốc tế về Chống buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (Cites), theo đó cho phép xuất khẩu khỏi Nam Phi và nhập vào Việt Nam một "sừng tê chiến lợi phẩm". Ông nói với tôi tất cả những thứ đó khiến việc mua bán là hoàn toàn hợp pháp.
Nhưng không phải vậy.
Hầu hết tê giác hoang dã tại Nam Phi là loài tê giác đen, bị coi là có nguy cơ tuyệt chủng, và tê giác trắng thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng.
sungtegiac03
Tuy nhiên, việc săn bắn tê giác được cho phép thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt. Có chưa tới 100 thợ săn dày dạn kinh nghiệm có thể xin giấy phép mỗi năm để bắn duy nhất một con, và theo luật, họ phải giữ nguyên bộ sừng làm chiến lợi phẩm.
Người ta nói rằng việc săn bắn khiến các công viên tê giác thuộc sở hữu tư nhân hứng thú, do đó số tê giác bị săn tăng thêm. Giấy phép tốn hàng chục ngàn đô la, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2010, chú tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã biến mất. Loài tê giác này trở nên hiếm hoi khiến các tay thợ săn người Việt bắt đầu nộp đơn xin giấy phép ở Nam Phi.
Tính đến 2010, số đơn xin săn tê giác Nam Phi của người Việt cao hơn bất kỳ nước nào khác.
Nhưng, cũng như ông Nguyễn ở phố Thuốc Bắc, họ đã lạm dụng hệ thống.
Bất chấp quy định, họ nhập khẩu sừng tê về Việt Nam và đem bán.
Khi Nam Phi cấm các thợ săn Việt Nam hồi 2012, các nhóm tội phạm có tổ chức đã ra tay và nay đi thuê các thợ săn trộm nhằm cung ứng cho thị trường sừng tê ở Việt Nam và các nước Á châu khác, trong đó có cả Trung Quốc.
Việt Nam đã ký kết Cites hồi 20 năm về trước. Ban thư ký của Cites đã thúc giục chính phủ Việt Nam từ mấy năm qua rằng nước này phải thắt chặt luật pháp và hình phạt đối với tội buôn bán sừng tê.
Họ hy vọng luật mới sẽ được đưa ra vào thời điểm thích hợp cho cuộc hội thảo về nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, sẽ diễn ra tại London trong tuần này.
Tôi hỏi ông Đỗ Quang Tùng, quan chức phụ trách việc tuân thủ Cites của Việt Nam, vì sao mất nhiều thời gian đến vậy ? "Để chuẩn bị văn bản pháp luật, ta không thể làm chỉ trong một năm, cần phải có thời gian", ông nói.
Vấn đề là các chuyên gia động vật hoang dã nói không còn thời gian nữa.
Mary Rice, giám đốc điều hành Cơ quan Điều tra Môi trường cảnh báo:
"Những gì chúng ta đang chứng kiến vào ngay lúc này là việc tàn sát rộng lớn một loài vật, bị săn trộm để cung ứng cho thị trường đang ngày càng lớn và không bền vững là Việt Nam, cùng với các nơi khác nữa".
"Cộng đồng quốc tế phải khẩn cấp tập trung giải quyết vấn đề, kết tội những kẻ tội phạm đứng đằng sau những mạng lưới có tổ chức trong việc buôn bán này".
Sue Lloyd Roberts, BBC Newsnight

No comments:

Post a Comment