Tuesday, February 11, 2014

Dư luận Việt Nam lên án hình thức 'xử lưu động'!

VIỆT NAM (NV) Cái chết đột ngột của một thanh niên không muốn bị đưa ra trước phiên tòa lưu động khiến người dân tỉnh Quảng Nam bàng hoàng.
Lần đầu tiên, hình thức xử án công khai giữa bàng dân thiên hạ bị dư luận chỉ trích. Có người cho rằng, xử lưu động không khác hình thức đấu tố, thiếu nhân tính, đã xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam từ những năm 1954 kéo dài đến nay.



Phiên tòa lưu động xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ tại quận Thủ Ðức, Sài Gòn thu hút hàng ngàn người tham dự. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, một thanh niên tên Nguyễn Thanh K., cư dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã uống thuốc độc tự tử trước giờ bị đưa ra xử trước một phiên tòa lưu động ở huyện nhà. Nguyễn Thanh K. bị kết tội dùng điện thoại di động hù dọa một học sinh lớp 9 trong xóm để lấy 3 triệu đồng, tương đương 150 đô la. Hồ sơ điều tra của công an địa phương nói rằng, ông K. bảo em này đưa tiền chuyển cho một băng đảng để không bị họ giết.

Vụ án được chính quyền huyện Phú Ninh lên kế hoạch xử lưu động ngày 20 tháng 12, 2013, ba tháng sau ngày Nguyễn Thanh K. bị bắt. Tuy nhiên, bị cáo đã tự tìm lấy cái chết trước giờ bị điệu ra tòa, có lẽ vì quá xấu hổ.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông tổ trưởng nơi Nguyễn Thanh K. trú ngụ nói rằng, K. thường ngày hiền lành, chưa phạm tội, cũng không rượu chè, trộm cắp, quậy phá. Mẹ ruột của nạn nhân, bà Ðinh Thị Q. cho rằng, K. bị bạn bè xúi giục và đã biết hối lỗi sau khi lỡ phạm tội tống tiền một cậu bé.

Người ta chưa quên phiên tòa xử lưu động tại quận Thủ Ðức kết án hai bảo mẫu, mỗi người ba năm tù, về tội hành hạ, đánh đập 4 trẻ em hồi tháng 1, 2014. Phiên tòa quy tụ hàng ngàn cư dân địa phương, bảo nhau mang cà chua, trứng thối ném vào hai bị cáo. Nhiều tràng pháo tay vang dội hoan hô lời kết án bị cáo trước phiên tòa.
Theo bà Dương Thị Thu Hà, phó chánh án Tòa Cần Thơ, thành phố này đã mở 76 phiên tòa xử lưu động riêng trong năm 2013. Bà Thu Hà cho rằng, xử án lưu động là để răn đe, giáo dục người phạm tội hoặc người có ý định phạm tội, và “nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân.”

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Luật Sư Ðoàn Sài Gòn, các vụ xử lưu động đặt bị cáo cùng gia đình họ trước một sức ép tâm lý khủng khiếp, vượt khỏi khả năng chịu đựng của con người. Theo ông, “đã đến lúc cần chấm dứt các vụ xử lưu động, vì thời buổi này việc tuyên truyền pháp luật không còn khó khăn như thời xưa.” 

No comments:

Post a Comment