ĐĂNG BỞI  - 
Sau khoảng 7 giờ vượt đại dương, cuối cùng chiếc chuyên cơ của hãng hàng không Qantas Airways, chở hơn 200 con bò sữa giống cao sản được nhập khẩu trực tiếp từ Úc, đã đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chiều ngày 25.2.

Tin từ Vinamilk cho biết, đây là đợt đầu tiên trong tổng số 5.000 con bò mang thai mà công ty nhập từ Úc và Mỹ trong năm nay. Mục tiêu là tăng nhanh số lượng đàn bò trên toàn quốc trong 2 năm 2014-2015 đạt 46.000 con tại 9 trang trại bò sữa (sẽ có thêm 4 trang trại đưa vào hoạt động).
Với số lượng đàn bò nói trên, Vinamilk dự kiến sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu, gồm 20% sữa tươi nguyên liệu từ trang trại và 20% của hộ nông dân. Hiện năng suất đàn bò sữa tại các trang trại của Vinamilk đạt mức trung bình hơn 7.200 kg/con/năm.
Đàn bò hơn 200 con đợt này sau đó được đem về nuôi cách ly tại trang trại bò sữa Lâm Đồng của Vinamilk. Đợt thứ 2 dự kiến được nhập về vào khoảng thời gian có thời tiết phù hợp (có thể vào khoảng tháng 9, 10 tới).
Trả lời báo chí về vấn đề giá bán sữa tại Việt Nam hiện nay, ông Vương Ngọc Long - Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (công ty con của Vinamilk), cho rằng giải pháp có thể giúp ổn định giá sữa trong nước là Nhà nước nhanh cho quy hoạch các vùng chuyên chăn nuôi bò sữa để doanh nghiệp yên tâm phát triển đàn bò sữa, gia tăng nguồn nguyên liệu nội địa.
Chẳng hạn, có thể phát triển Lâm Đồng trở thành "vương quốc bò sữa" nhờ điều kiện khí hậu lý tưởng, từ đó giảm chi phí sản xuất. Bởi vấn đề quan trọng của ngành công nghiệp sữa không phải khí hậu mà là công nghệ. Nếu trang trại nằm tại vùng có khí hậu tốt thì chi phí sản xuất có thể giảm đến 20%. Vùng có khí hậu nóng hơn, thậm chí là khắc nghiệt nhất Việt Nam như Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn có thể lập trang trại bò sữa được.
Anh Thư
Ảnh: Cận cảnh vận chuyển đàn bò sữa từ máy bay chiều 25.2 của Vinamilk.