SGTT.VN - Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, đến ngày 27.2 xã hội lại dành một ngày tôn vinh ngày Thầy thuốc. Đúng thôi, bởi có ai trong đời không một lần phải nhờ đến người thầy thuốc. Và trong bối cảnh ngành y chịu nhiều điều tiếng như hiện nay, việc vinh danh người thầy thuốc và bàn chuyện nâng cao y đức càng đáng phải làm.
1
Năm qua vụ việc bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường được xem là đỉnh điểm về vấn nạn y đức nước nhà. Phát biểu với người dân cả nước, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hơn một lần bày tỏ nỗi “đau đớn” và “bức xúc”.
Dường như kiểu nào người ta cũng chê nhân viên y tế được. Bác sĩ khám nhanh bị bệnh nhân đang khám nói khám ẩu, nhưng nếu khám chậm, người đang chờ lại chê trách khám như rùa bò, làm sao giải quyết hết bệnh nhân.
|
Bộ trưởng cũng chỉ ra được một số nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này, từ việc không rèn luyện bản thân, tác động của cơ chế thị trường cho đến quá tải bệnh viện. Không sai, nhưng đến nay người đứng đầu ngành y tế vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả dĩ và hiệu quả nào để giải quyết những nguyên nhân trên. Chỉ là những kêu gọi nâng cao y đức chung chung chứ không phải những giải pháp tận gốc để ngăn ngừa thảm hoạ trên lặp lại lần nữa.
Bác sĩ làm chết người rồi vất xác xuống sông là hành vi ai cũng lên án, đau đớn và bức xúc, không cần đến phát biểu của bộ trưởng. Nhưng câu chuyện nhân viên y tế quát tháo, la mắng bệnh nhân có xem là vi phạm y đức hay không thì cần được xem xét. Chắc không người nào đặt chân đến bệnh viện chấp nhận mình bị quát tháo và la mắng, nhưng họ cũng cần thấu hiểu nguyên nhân và bối cảnh nào đã đẩy đưa người nhân viên y tế làm chuyện đó.
Có lần bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, tâm sự: “Dường như kiểu nào người ta cũng chê nhân viên y tế được. Bác sĩ khám nhanh bị bệnh nhân đang khám nói khám ẩu, nhưng nếu khám chậm, người đang chờ lại chê trách khám như rùa bò, làm sao giải quyết hết bệnh nhân. Khám xong, kê toa kỹ càng trên máy tính cũng bị chê khám thì nhanh, lọ mọ gì trên máy tính lâu thế”.
2
Nếu nhìn được nguyên nhân và bối cảnh nhân viên y tế “vi phạm y đức” có lẽ người ta dễ thấu hiểu và thông cảm hơn. Xã hội chê trách những bê bối của ngành y tế, nhưng xã hội cũng cần hiểu một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cớ sự này là ngành y tế vận hành không giống ai. Thời kinh tế thị trường, hoạt động y tế phải được xem như một dịch vụ, nhưng trong những cơ sở công lập nó lại vận hành dưới dạng ban phát, xin cho.
Mâu thuẫn cũng từ đây. Bệnh nhân muốn nằm một mình giường dịch vụ không có nên phải nằm ghép đôi, ghép ba, sinh cau có gắt gỏng. Trong khi đó, nhân viên y tế lại được trả lương không thoả đáng, như kiểu ban phát từ phía trên, cũng phát sinh tinh thần ban phát cho bệnh nhân. Chỉ cần một va chạm nhỏ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là nảy sinh xung đột.
Cuối năm qua, ngồi trò chuyện với T., một tiến sĩ, giảng viên đại học y dược và công tác tại một bệnh viện của TP.HCM, anh chìa tờ giấy xác nhận thu nhập để tính thuế và chua chát nói: “Tôi tốt nghiệp đại học, cày cục học tiếp lên tiến sĩ và làm việc đến nay 17 năm nhưng thu nhập hàng tháng chưa đến 6 triệu đồng, thua xa một nhân viên bán hàng bình thường”. Làm việc trong môi trường nặng nhọc, căng thẳng, tốn nhiều chất xám và đòi hỏi trách nhiệm cao độ, nhận đồng lương như thế có xứng đáng?
Chắc hẳn không xứng đáng, vì thế nhiều đời bộ trưởng đã lên tiếng đòi cải cách hệ thống tiền lương của ngành y tế, nhưng cho đến nay mọi chuyện vẫn vô vọng. Không thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và người thân yêu, người thầy thuốc phải bươn chải, dẫn đến hành xử không hay, làm hoen ố hình ảnh không chỉ với xã hội mà còn cả với đồng nghiệp, đàn em và học trò.
Nhưng trong khi bộ trưởng chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu cho câu chuyện y đức, bà lại khiến người ta băn khoăn về những giải pháp kỳ lạ. Nghe chuyện cử tri phản ánh bác sĩ bệnh viện Từ Dũ nạt nộ bệnh nhân, bà gọi điện cho lãnh đạo bệnh viện đề nghị có biện pháp kỷ luật. Giao ban trực tuyến cả nước cách đây một tháng, cũng chuyện bác sĩ quát tháo bệnh nhân, bà đề nghị chuyển những bác sĩ này về… khoa chống nhiễm khuẩn! Nghe chuyện, những bác sĩ chuyên ngành này lắc đầu tự hỏi, hoá ra đây là chỗ chứa cho những người vi phạm y đức?
3
N. tốt nghiệp đại học y khoa năm 1997. Ngày mới ra trường, anh hăm hở xung phong về quê hương, một vùng sâu của An Giang, để phục vụ người nghèo cũng như trả ơn cho người dân từng cưu mang anh và gia đình. Gặp N. vừa qua, anh cho biết mình đã vỡ mộng: “Chẳng làm gì được ở một nơi thiếu phương tiện và trang thiết bị y tế. Người dân gãy tay ư? Chẳng cần đến bác sĩ như tôi, vì một y tá sơ cấp cũng biết dùng hai chiếc que bó vào tay bệnh nhân rồi chuyển lên tuyến trên!” N. trở lên thành phố.
Với tuổi 40, làm việc ở y tế cơ sở lâu năm, tìm việc trong bệnh viện đối với N. đâu phải dễ. Anh cho biết giờ đây lý tưởng nghề nghiệp đã phai nhạt, chỉ mong có được một chân trình dược viên để kiếm sống qua ngày.
Để giảm tải tuyến trên, ngành y tế có đề án đưa những thầy thuốc trẻ giỏi chuyên môn về vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là giải pháp nhằm giáo dục y đức cho những người này. Nhưng không biết khi viết đề án, người ta có tính đến những câu chuyện thực tế như bác sĩ N. hay không? Đâu phải thời bộ trưởng hiện nay y đức mới được bàn, nhiều giải pháp và đề án cũng được đưa ra, nhưng sao tình hình cứ ngày một tệ hại?
Phát biểu trên một tờ báo, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, chuyên viên cao cấp ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên thứ trưởng bộ Y tế, cho rằng “ngành y tế cần thiết phải phát động “nói không với phong bì”, nhưng nếu không giải quyết tổng thể nhiều vấn đề của ngành y tế, việc làm này có thể chỉ mang tính nhất thời, không bền vững bởi nâng cao y đức phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nào người nhân viên y tế cũng nhận được những bó hoa, lời chúc tụng và động viên nâng cao y đức. Nhưng con đường y đức cho người thầy thuốc không thể trải bằng những chuyện này, mà phải bằng những giải pháp căn cơ, bền vững. Một chế độ đãi ngộ thoả đáng, một môi trường làm việc đàng hoàng cho người nhân viên y tế, đó đâu phải điều xa xỉ so với những thất thoát từ lãng phí và tham nhũng.
PHAN SƠN
No comments:
Post a Comment