GS.Nguyễn Văn Tuấn - theo Trí Thức Trẻ | 26/02/2014 14:00
(Soha.vn) - Đó là nỗi trăn trở trong một số nhận xét của GS. Nguyễn Văn Tuấn về hiện tượng một số cựu quan chức xây nhà cửa sang trọng giữa bối cảnh đất nước còn nghèo.
Căn biệt thự được cho là một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre
Câu chuyện ông cựu Tổng thanh tra sở hữu một căn biệt thự hoành tráng làm xôn xao dư luận. Có người lí giải rằng chẳng có gì phải bàn ra tán vào vì trong cơ chế kinh tế thị trường người ta khuyến khích làm giàu, và người giàu có tiền sống cuộc sống sang trọng là chuyện bình thường. Tôi cũng nghĩ vậy, nếu người ta làm ra tiền một cách chính đáng, và người ta chọn lối sống [hãy tạm gọi là] sang trọng thì đó là quyết định cá nhân của họ. Nhưng dù nghĩ vậy, tôi lại nghĩ đã là thành viên trong xã hội, trong cộng đồng, thì người giàu cũng nên nghĩ đến một khía cạnh khác: đạo đức sống.
Khi nói đến “đạo đức” ở đây, tôi muốn đề cập đến những mã văn hoá (cultural codes) của một xã hội mà chúng ta là thành viên. Đạo đức sống thể hiện sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Có lẽ câu “ở rộng người cười, ở hẹp người chê” là một trong những cảnh báo về đạo đức sống của người Việt. Thử tưởng tượng chúng ta uống một li cà phê giá 80 ngàn đồng, hay ăn một tô phở giá 800 ngàn đồng, và bên cạnh ta là những người bán vé số lam lủ với thu nhập một ngày chưa đến 30 ngàn đồng. Tiêu tiền xa xỉ như thế chẳng khác gì chà xát vào nỗi đau khổ của người nghèo khó. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Tôi nghĩ một người có văn hoá không bao giờ hành xử một cách “dã man” với đồng bào của mình dù chỉ là gián tiếp. Những giá trị đạo đức sống là những qui định mang tính cá nhân về cái đúng và cái sai trong lương tâm. Do đó, người ta có thể chọn một lối sống vương giả chẳng có vi phạm gì luật pháp, nhưng có thể “vi phạm” đạo đức sống.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Nếu những căn biệt thự đó ở Úc hay Mĩ thì chắc chẳng ai chú ý và quan tâm. Ở những nước có thu nhập cao, những thương gia có tiếng sở hữu những căn nhà giá hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD, là chuyện tương đối bình thường. Bình thường vì thu nhập của người sở hữu và thu nhập trung bình của người dân. Ông Bill Gates sở hữu một biệt thự trang bị bằng công nghệ cao lên đến 100 triệu USD, nhưng chẳng ai thắc mắc vì tài sản cá nhân của ông chủ Microsoft lên đến 53 tỉ USD (sau khi đã cho các quĩ tự thiện và khuyến học gần 30 tỉ USD).
Một vị tổng giám đốc ngân hàng với mức lương vài chục triệu (hay có nơi cả trăm triệu USD) mỗi năm cộng với hàng triệu cổ phiếu thì chuyện họ có “nhà cao cửa rộng” và cuộc sống xa xỉ là chuyện không ngạc nhiên. Vả lại, đối với người dân với thu nhập trung bình 50.000 USD mỗi năm, nếu ai đó mua một cái ví giá 5,000 USD thì họ sẽ thấy không đến nỗi quá xa xỉ. Tuy nhiên, cần phải nói thêm là không phải ai giàu cũng có cuộc sống như thế. Trong thực tế có những triệu phú Úc sống cuộc sống rất đạm bạc và có thể nói là bình dân. Còn chính khách Úc thì phần lớn xuất thân từ “thường dân” nên đại đa số họ không có những căn biệt thự đắt tiền hay có khả năng sống cuộc sống xa hoa như giới thương gia.
Nhưng thực tế là những căn biệt thự đó ở Việt Nam, nơi được xem là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi mà thu nhập trung bình đầu người chỉ 1500 USD/năm. Ngay cả chính khách cũng có đồng lương khiêm tốn. Khiêm tốn đến độ một thứ trưởng Bộ Xây dựng từng nói: "Trông vào lương thì không thể mua được nhà." Do đó, khi quan chức nghỉ hưu mà sở hữu những mảnh đất bạc tỉ, những căn biệt thự giá vài chục tỉ đồng thì người dân dị nghị là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Tôi nghĩ cuộc sống xa hoa là một lựa chọn cá nhân, nhưng lựa chọn đó nên dựa trên cơ sở đạo đức sống. Thử tưởng tượng trong một xóm nghèo, với những căn nhà tranh vách lá nhỏ tí tẹo, mà bạn xây một dinh thự nguy nga tráng lệ. Tôi nghĩ bức tranh đồng quê chẳng những không hài hòa mà có khi còn phảm cảm. Chính cái tính phản cảm đó nói lên cái "đạo đức sống".
Trong một đất nước mà gần 20% người dân được xếp vào nhóm “nghèo” (số liệu năm 2013) và có 11% hộ thuộc vào diện “đói” (số liệu 2002) thì người ta phải đặt câu hỏi chủ những căn biệt thự khổng lồ đó đã đóng góp gì cho người nghèo. Một bài báo hôm nay trên soha.vn có một chi tiết rất đáng chú ý. Xã có dự án xây nhà văn hóa, và khi cán bộ xã đến xin ủng hộ của ông chủ căn biệt thự bạc tỉ, ông chỉ ủng hộ được 1 triệu đồng, trong khi đó một cán bộ hưu trí khác (chắc không có biệt thự khủng) vui vẻ đóng góp 50 triệu đồng. Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố tổng thống J. F. Kennedy đại khái rằng nếu một xã hội không thể giúp gì cho đa số người nghèo thì xã hội đó cũng chẳng giúp gì cho thiểu số những người giàu có.
Đạo đức sống còn có ý nghĩa một bình diện lớn hơn. Việt Nam là một nước nghèo, một đất nước mà hàng năm phải đi vay và nhận được rất nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài. Đã có quan chức than phiền rằng trong vài cuộc họp với các nước tài trợ họ nói thẳng rằng “Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả... Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không?”. Ấy thế mà đất nước đó lại có những quan chức xây dựng những dinh thự như là lâu đài, những dinh thự mà chính những quan chức ở nước đi giúp đỡ kia không thể nào có được. Nếu tôi là chủ những căn biệt thự sang trọng trong một đất nước phải xin tài trợ, thú thật tôi khó mà lấy làm tự hào, nếu không muốn nói là xấu hổ.
Tiêu tiền cũng cần quan tâm đến đạo lí. Mới đây, Đức giáo hàng Francis đã bải nhiệm một giám mục người Đức vì ông này có một cuộc sống được xem là xa hoa. Ông giám mục cho xây một lâu đài lên đến 42 triệu USD, kể cả một cái vườn giá 1 triệu USD! Ông đi vé máy bay hạng nhất để đi thăm các cộng đồng nghèo khổ bên Ấn Độ! Dĩ nhiên, người ủng hộ ông thì nói đó là lựa chọn cá nhân của ông, nhưng Giáo hoàng Francis thì nghĩ khác: Ông giám mục đã vi phạm luật lương tâm của một tu sĩ (đó là sống có đạo đức và giản dị). Ông giám mục không vi phạm pháp luật, nhưng ông có vấn đề về đạo đức sống.
Sống một cách xa xỉ và sở hữu những biệt thự hoành tráng là lựa chọn cá nhân. Lựa chọn đó có thể không có vấn đề gì nếu nó không lệch pha với nền kinh tế nước nhà và tình hình xã hội. Nhưng lựa chọn đó sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức sống trong một cộng đồng nghèo khó và một đất nước thuộc vào hàng nghèo nhất thế giới.
No comments:
Post a Comment