ĐĂNG BỞI  - 
Chuyện công nhân đau bụng vì ăn thịt gà để lâu là chuyện thường ngày, ngộ độc thức ăn cũng không phải chuyện hiếm. Nhiều người ăn xong mặt sưng húp, khó thở rồi nôn ọe, chịu không nổi mới vào bệnh viện, vào rồi mới biết mình bị ngộ độc do ăn phải thịt thối.
Đã thành thông lệ, ở đâu có khu công nghiệp, có nhà máy ở đó lập tức mọc lên một cái chợ. Chợ tự phát nhan nhản ở TP.HCM dưới nhiều cái tên: Chợ cóc, chợ xép, chợ chồm hổm... là hình thức mua bán mau lẹ, một kênh phân phối hàng hóa không hề nhỏ. 
Chợ chồm hổm cũng có nhiều nguyên tắc nhưng phổ biến nhất là phải rẻ. Đơn giản, người bán kẻ mua đều nghèo. Vì thế khái niệm an toàn thực phẩm hoàn toàn xa xỉ và xa lạ.
Hai giờ chiều, con đường M1 bên trong khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) bắt đầu xuất hiện hàng chục chiếc xe đẩy quần tụ, xếp hàng dài một bên đường. Bên trên đặt đủ loại thịt cá, rau quả. Chợ xe đẩy họp từ chiều đến tối, xôm tụ nhất vẫn là vào giờ tan ca của công nhân.
Gà lậu cũng cõng phí "đen"
Ghé vào chỗ bán gà sống của anh Nguyễn Văn Tiến ở đầu đường M1, ông chủ xởi lởi: “Bán gà sống không khác gì bán hàng trắng. Vừa bán vừa canh me đoàn kiểm tra”. 
“Tiệm” gà anh Tiến có hai lồng gà đặt trên chiếc xe máy có che dù. Ở dưới đất trải chiếc bao ni-lông nhỏ đặt bếp gas mini bên trên có nồi nước vàng ệnh dùng để làm gà khi khách yêu cầu. Tất cả đều phải dã chiến và gọn nhẹ để kịp “chạy” khi có đoàn kiểm tra đến. 
“Lâu lâu mới có đoàn liên ngành ở trên xuống, chạy cho có lệ. Ở đây ít khi bắt” - anh kể. Những người buôn bán tự biết trích ra một khoản “bồi dưỡng” cho dân phòng để không bị đuổi và được thông báo lịch kiểm tra mà tránh né. Ông chủ rất ngại dùng từ phí “bảo kê”, chỉ phân tích “Sài Gòn tấc đất tấc vàng, tự biết mà sống”.
Anh bán hai loại gà, gà ta và gà công nghiệp. Gà công nghiệp đồng giá 95.000 đồng/con tính cả công làm. Khách vừa đến ngã giá chọn xong gà, anh Tiến cầm con dao nhỏ đâm thọc vào cổ gà rồi hứng dòng máu ọc ra vào một bao ni-lông nhỏ. Gà được nhúng nước, vứt ra giữa tấm ni-lông nhớp nháp. Chưa đến 5 phút, đôi tay trần gân guốc đã hoàn tất công đoạn nhổ lông, làm gà trao tay khách mang về. 
Làm thịt gà trong điều kiện mất vệ sinh
Giữa chừng, khách hỏi đến kiểm dịch, anh tỉnh queo: “Gà sống, làm gì có kiểm dịch. Muốn kiểm dịch thì vào chợ hoặc siêu thị. Mà nói thiệt, mấy cái dấu kiểm dịch thiệt giả chẳng phân biệt được à nghe!”.
Anh Tiến cho biết, mỗi con gà bán được, anh lời chừng 20.000 đồng. Mỗi ngày bán được hơn chục con. Nhà một vợ hai con trông chờ cả vào việc buôn bán của anh. Gà được thương lái mang từ miền Đông hoặc miền Tây về bỏ mối. Vì không có kiểm dịch nên người ta quen gọi là “gà lậu”. “Bán gà lậu mười mấy năm rồi. Chẳng bao giờ bị dịch cúm, mà có bị dính cũng chịu, không làm lấy cái gì mà ăn”, anh buồn rầu.
Đối diện với chỗ anh Tiến, anh Nguyễn Văn Dương cùng vợ tất tả bên hai lồng gà lúc nhúc, con đứng con nằm, mắt đờ đẫn. Anh chị bỏ 3 đứa con ở quê nhà Bến Tre lên TP.HCM thuê phòng trọ bán gà lậu mưu sinh. 
“Ở đây chẳng cần kiểm dịch gì cả. Mà cũng không mấy người hỏi. Chỉ cần giá rẻ bán được hết. Kẻ bán người mua đều nghèo rớt, ai quan tâm chất lượng”, anh Lương thật thà. Một con gà bán ở lề đường, giá chỉ hơn 2/3 trong chợ. “Nói thật, nhiều người làm gà lậu mua kiểm dịch hoặc đóng dấu giả vào chợ bán lời dữ lắm. Mình không làm cái việc thất đức ấy được nên đứng đường, trời cho nhiêu ăn bấy nhiêu”, anh tâm sự. 
Gà không kiểm dịch bày bán ở chợ xổm trước cổng công ty Dệt may 7, P.13, Q. Tân Bình
Là người bán gà lâu năm, anh nhận thấy nhiều người vẫn giữ thói quen ăn gà sống. Gà siêu thị dù được tiếng là kiểm dịch nhưng giá cao ngất và không tươi. Có loại để lạnh ngày này qua tháng khác, chưa chắc đã an toàn.
“Dù biết là không an toàn nhưng phải chịu thôi em ạ. Công nhân lao động nghèo, không có mình bán, họ biết mua ở đâu. Họ làm tối mặt, thời gian đâu mà đi siêu thị mua gà an toàn” - anh nói. 
Xét cho cùng, chỉ có người dư giả thời gian và tiền của mới được quyền ăn ngon, ăn an toàn. Ở chợ xép này, kẻ bán người mua đều xa lạ với khái niệm ấy.
Nhắm mắt mà ăn
Giờ tan ca trước cổng Công ty Dệt may 7 trên đường Trần Văn Dư, Q.Tân Bình, TP.HCM hàng ngàn công nhân ùa ra từ cổng nhà máy bắt đầu sáp vào những “tiệm” rau quả cá thịt dã chiến bày trên vỉa hè. 
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ một sạp bán gà làm sẵn lật tới lật lui những con gà giới thiệu với khách. Gà có vẻ cũ, da khô đét. Bà chủ thi thoảng lấy mảnh xốp thấm nước rồi vắt lên da gà để “làm mới”. 
Bà chủ không ngại chia sẻ: "Giá gà bán buổi sáng 60.000 đồng/kg, đến chiều thì giảm xuống, cuối chiều thì bán tháo để gỡ vốn. Bữa nào bán không hết mang về kho ăn. Ăn miết mà thấy thịt gà mà sợ”, bà vui vẻ. 
Thức ăn của công nhân chủ yếu là rau củ và thịt cá để lâu
Hỏi đến kiểm dịch, bà thật thà cho biết ở chợ chồm hổm không mấy người hỏi đến. Hồi trước cũng có bán gà có dấu kiểm dịch nhưng mắc quá, không ai mua, lại chuyển sang bán gà lậu.
“Không có tiền thì nhắm mắt ăn đại, có bệnh cũng chịu chứ biết sao giờ”, chị Lành, một công nhân luống tuổi buồn rầu. 
Chị cho biết, đồng lương công nhân eo hẹp, trừ đủ các loại chi phí sinh hoạt, còn lại không được bao nhiêu. Thịt gà công nghiệp thường là món ăn yêu thích của công nhân vì “thơm, ngon, bổ rẻ”. Chỉ khi nào lãnh lương, 3-4 người hùn lại mua nguyên một con để có cái gọi là liên hoan. Thường ngày chỉ dám mua một miếng hơn chục ngàn đồng kho ăn. 
“Thịt càng trễ càng rẻ. Lúc nào nặng mùi thì lấy dấm rửa qua rồi kho thật mặn ăn cũng qua bữa, có khi ăn ngày này qua ngày khác”, chị kể. Công nhân như chị đau bụng là chuyện thường ngày, ngộ độc thức ăn cũng không phải chuyện hiếm. Nhiều người ăn xong mặt sưng húp, khó thở rồi nôn ọe. Chịu không nổi mới vào bệnh viện, vào rồi mới biết mình bị ngộ độc do ăn phải thịt thối. 
“Mấy lần đọc báo, xem ti vi thấy người ta ăn loại gà cao cấp gì đó mỗi con bạc triệu, bọn mình đứa giật mình, đứa ngậm ngùi cầm tô cơm mà chực rớt nước mắt”, chị nói.
Một ngày dọc ngang các khu chợ chồm hổm, chúng tôi nhớ mãi câu nói của anh chủ hàng gà Nguyễn Văn Tiến: “An toàn đi kèm đắt đỏ thì ngoài tầm với của người lao động nghèo. Chợ xép, chợ công nhân cũng là một kênh bán hàng quan trọng nhưng không có chính sách an toàn thực phẩm. Không phải người nghèo không muốn mà vì chính sách bỏ quên, chưa tìm được đường đến”.
Kiến Giang
Ảnh bìa: Buôn bán thịt gà sống ở khu công nghiệp Tân Bình